Liên kết và ứng dụng công nghệ cao là xu hướng tất yếu

Liên kết và ứng dụng công nghệ cao là xu hướng tất yếu
Đó là nhận định của GS.TS.Ngô Thế Dân, Chủ tịch Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam, sau chuyến thị sát hoạt động Hội ở Đồng Tháp, Trà Vinh, TP.Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Chủ tịch Trung ương HLV Việt Nam Ngô Thế Dân thăm trang trại trồng lan của ông Kiều Luông Hồng ở ấp 2, xã Tân Kiên, quận Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh.

Đẩy mạnh hợp tác

Tổ chức Hội Làm vườn (HLV) là cầu nối liên kết nông dân với doanh nghiệp là những gì mà HLV Đồng Tháp và Trà Vinh đang hướng đến.

Theo đó, HLV Đồng Tháp xác định phát triển mô hình kinh tế hợp tác là yếu tố cốt lõi giúp nhà vườn thoát khỏi tư duy sản xuất “tiểu nông”, là chìa khóa để hội nhập thành công. Thời gian qua, ngoài chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đến hội viên và bà con nông dân, HLV Đồng Tháp còn phối hợp với các ngành liên quan xây dựng và phát triển mạnh mô hình kinh tế tập thể.

Theo ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch Hội, trong 2 năm 2017-2018, tỉnh Đồng Tháp đã đặt hàng cho Hội lập và thực hiện việc kết nối giữa doanh nghiệp với nông dân để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Thực hiện nhiệm vụ này, HLV tỉnh Đồng Tháp đã vận động lập ra 64 tổ hợp tác xã nông nghiệp cây ăn quả, 7 hợp tác xã kiểu mới và 1 tổ hợp tác xã dịch vụ tiêu thụ cho nông dân. Các tổ hợp tác này đều hoạt động khá hiệu quả, giúp nông dân phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Đơn cử như tổ hợp tác dịch vụ tiêu thụ sản phẩm của nông dân xã Vĩnh Thới (huyện Lai Vung) có 6 thành viên sáng lập liên kết với 100 hộ nông dân. Năm 2017, tổ đã thu mua được 700 tấn xoài cung ứng cho các siêu thị lớn và các nhà xuất khẩu. Tổ dịch vụ này còn lập ra 6 tổ thành viên, ngoài tiêu thụ sản phẩm chính là xoài, quýt Lai Vung còn tiêu thụ thanh long, quýt kiểng (quýt hồng) và  tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất cho nông dân. Giá thu mua xoài, cam của tổ luôn cao hơn thị trường từ 5.000-10.000 đồng/kg nhưng tổ vẫn thu lãi 1.000 đồng/kg sản phẩm.

“Việc thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác ở Đồng Tháp đã giúp nông dân có điều kiện cùng nhau liên kết, tạo thành chuỗi sản xuất khép kín, giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, tạo ra những sản phẩm có giá trị kinh tế cao, giá cả cạnh tranh. Mô hình này được chính quyền địa phương khuyến khích và có chính sách để mở rộng”, ông Ngô Thế Dân cho biết thêm.

Chính vì những chương trình, dự án rất hiệu quả nên HLV Đồng Tháp được công nhận là hội đặc thù, được tỉnh giao thực hiện một số nhiệm vụ về phát triển kinh tế VAC; tạo điều kiện cho Hội có trụ sở làm việc; được 5 suất lương. Riêng kinh phí chi theo nhiệm vụ được giao năm 2017 là 500 triệu đồng. Để nhận được khoản kinh phí trên, hàng năm Hội phải có bản đăng ký nhiệm vụ thực hiện. Nhiệm vụ này không trùng lắp với nhiệm vụ của Sở Nông nghiệp và PTNT, được Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và PTNT xác nhận.

Cũng như Đồng Tháp, HLV tỉnh Trà Vinh chủ trương vận động kết nối nông dân với nông dân, xây dựng các HTX kiểu mới và vận động kết nối doanh nghiệp với nông dân. Theo đó, Hội đã vận động sắp xếp lại 9 HTX cây ăn trái, bình quân mỗi HTX có 67 hộ trồng cây ăn trái.

Trà Vinh có nhiều đặc sản trái cây đang được mở rộng sản xuất như xoài Cát Chu, thanh long ruột đỏ Vĩnh Trà, quýt đường Thuận Phú và dừa sáp. Nhưng hiện nay nông dân và doanh nghiệp vẫn chưa gặp nhau khi doanh nghiệp kêu nông dân yêu cầu giá cao quá trong khi chất lượng sản phẩm chưa ổn định. Còn nông dân thì phản ánh doanh nghiệp mua với giá quá thấp. Vì vậy, HLV đang tham gia vận động nông dân liên kết sản xuất để hạ giá thành sản phẩm.

Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch HLV Trà Vinh, cho biết: Tỉnh đang quy hoạch chuyển 2.000ha đất lúa sang trồng cây ăn trái. Từ chủ trương này, Hội đã vận động nông dân áp dụng công nghệ mới để trồng cây ăn trái theo chuyển giao của Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam. Ví dụ, kỹ thuật trồng thanh long ruột đỏ theo công nghệ Israel. Theo công nghệ này, suất đầu tư là 35-40 triệu đồng/ha, riêng đầu tư đèn chiếu sáng bình quân 40.000 đồng/m2. Từ khi ra nụ đến thu hoạch khoảng 70 ngày, cần chiếu sáng 12 đêm/chu kỳ. Cần đổ 1 cột xi măng cao 1,2m ở 2 đầu luống và 1 xà đỡ, sau đó căng dây thép 2 tầng để thanh long nằm phơi ra ánh sáng và trải đều ra mặt ruộng, tưới nước, phun mưa.

Cơ sở sản xuất rau trong nhà kính của Cty TNHH Thảo Nguyên (Lâm Đồng).

Thăm một HTX kiểu mới chuyên trồng cây ăn trái ở ấp Long Trị, xã Bình Phú (huyện Càng Long), Chủ tịch Ngô Thế Dân vô cùng ấn tượng vì cách làm việc bài bản của đơn vị này. Được thành lập đã 10 năm nhưng chỉ từ 3 năm nay khi chuyển sang hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới thì HTX mới làm ăn có lãi. Theo đó, HTX tổ chức liên kết cả đầu vào và đầu ra, đầu vào là dịch vụ cung cấp phân bón, thuốc trừ sâu, giống. Giống do HTX tự tuyển chọn, đầu ra có công ty công nghệ cao ở Bình Dương bao tiêu với giá cao hơn thị trường từ 5.000-7.000 đồng/kg. Nhờ đó, các thành viên HTX không còn hộ nghèo. 

Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao

Trong khi đó, ở TP.Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu, nhiều hội viên tích cực ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Đơn cử như mô hình trồng hoa lan của chủ trang trại Kiều Luông Hồng ở ấp 2, xã Tân Kiên, quận Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh. Trên diện tích 1ha, vợ chồng ông trồng 14.000 cây lan thay cho việc trồng đồng loạt mai vàng trước đây nên cho hiệu quả khá cao. Ông Hồng cho biết: “Tôi thường tự chế thuốc trừ sâu, bệnh từ ớt, tỏi thay cho thuốc hóa học nên môi trường không bị ô nhiễm. Hoa lan 1 tuần cắt 2 lần, thương lái đến tận nhà mua, thu lãi hàng năm 400 triệu đồng/ha”.

Tuy nhiên, theo ông Hồng, khó khăn lớn nhất trong hoạt động của trang trại là ô nhiễm khói bụi và nguồn nước. Việc tiêu thụ lan đôi khi gặp khó khăn.

Sau khi thăm trang trại hoa lan, Chủ tịch Ngô Thế Dân đã đến thăm trang trại trồng bưởi da xanh của anh Vũ Đình Tứ ở số 4 B8 ấp 4 xã Phạm Văn Hai, Bình Chánh (TP.Hồ Chí Minh).

Anh Tứ cho biết, trang trại rộng 3ha, thuê 20 năm, trồng cây ăn trái. Diện tích bưởi da xanh của anh đã 3 - 4 tuổi, trong đó 50% diện tích đã ra trái, năm nay dự thu trên 20 tấn, nếu bán với giá thị trường hiện nay (70.000 đồng/kg), sẽ thu được 1,4 tỷ đồng/năm.

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, lãnh đạo Trung ương Hội đến thăm vườn ca cao của Công ty TNHH Thành Đạt ở xã Tân Thành, huyện Châu Đức. Châu Đức có 150ha ca cao, do bị cây tiêu cạnh trạnh nên có xu hướng giảm, nhưng ca cao có lợi thế là thị trường rộng, sản phẩm của Công ty Thành Đạt đã xuất sang thị trường Bỉ, Pháp, Mỹ và Nhật. Socola của công ty có hương vị rất ngon. Lợi thế ca cao của Bà Rịa là ít sâu bệnh, không phải trồng cây che bóng,  điều chỉnh ca cao ra hoa vào mùa khô để thuận lợi trong thu hoạch và ca cao có hương vị ngon đặc biệt. Các công ty của Mỹ đã đặt hàng mỗi tháng 250 tấn nhưng đến nay vẫn chưa mở rộng được vùng nguyên liệu.

Tiếp đó, đoàn đến thăm HTX Nông nghiệp Thái Dương, huyện Châu Đức, xem vườn bơ của Giám đốc HTX. Đây là HTX nhỏ chỉ có 12 thành viên trồng bơ với diện tích 4ha. Bơ ở đây tỏ ra có lợi thế, năng suất đạt khá cao, 50 kg quả /cây/năm, bình quân mỗi cây thu trên 1 triệu đồng/năm. Chi phí cho cây bơ thấp, vì vậy thu lãi khá cao (trên 50%).

Từ thực tế tham quan các mô hình, Chủ tịch Ngô Thế Dân cho rằng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đẩy mạnh liên kết là xu hướng phát triển tất yếu. Các đơn vị Hội cần hướng dẫn hội viên, nông dân đi theo hướng này để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Theo Khánh Nguyên/Bao KTNT.vn