Lợi ích nhờ nuôi lươn VietGAP

Khai thác tiềm năng nông nghiệp, tận dụng triệt để những lợi thế ở địa phương kết hợp ứng dụng kỹ thuật mới đã giúp những thành viên của Tổ hợp tác (THT) nuôi lươn VietGAP phường Mỹ Thới (Tp.Long Xuyên, tỉnh An Giang) làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương.

THT nuôi lươn VietGAP Mỹ Thới thành lập đầu năm 2017 gồm 20 thành viên. Các thành viên của THT chủ yếu là những thanh niên thuộc thế hệ 8x.

Tận dụng những khoảng trống trong vườn hoặc khuôn viên xung quanh nhà, các tổ viên THT đã xây bể xi măng, lót bạt thả nuôi lươn không bùn. Điều đặc biệt là lươn nuôi không bùn trong bể xi măng lót bạt của THT sử dụng thức ăn chính từ cá tạp, ốc bươu vàng, chỉ 10% là sử dụng cám và men vi sinh.

Tận dụng nguồn thức ăn

“Vào mùa nước nổi, lượng ốc, cá đồng nhiều nên chi phí thức ăn giảm đi. THT chỉ sử dụng thêm thức ăn phụ là đủ cho lươn phát triển”, anh Bùi Minh Thuận - Tổ trưởng THT, cho biết.

Lươn không khó nuôi nhưng phải chú ý tuân thủ đầy đủ các kỹ thuật, tiêu chuẩn VietGAP thì sẽ ít bệnh, hạn chế hao hụt, giúp người nuôi đạt được lợi nhuận cao nhất.

Thông thường, mỗi bể nuôi có kích thước 1,5m x 2m x 0,35m, nếu áp dụng đúng kỹ thuật, năng suất trung bình mỗi bể lươn đạt 100kg. Với mức giá trung bình 130.000 đồng/ kg trở lên, trừ chi phí, mỗi người có thể thu lợi 14 - 20 triệu đồng/bể/vụ...

Khi tham gia mô hình, các tổ viên đều được hướng dẫn kỹ thuật như: Phòng bệnh cho lươn, cải thiện môi trường ao nuôi, ghi chép về thức ăn, nguồn gốc, thuốc trị bệnh... Đặc biệt, sản phẩm của THT được doanh nghiệp liên kết tiêu thụ với giá cao hơn thị trường 15%.

Mô hình nuôi lươn không cần bùn, đất giúp THT dễ quản lý số lượng, thức ăn dư thừa và dịch bệnh; lươn phát triển nhanh, ít hao hụt…

Tuy nhiên, việc nuôi lươn không bùn theo chuẩn VietGAP cũng không hề dễ. Ngay từ con giống, THT cũng trải qua nhiều khâu tuyển chọn. Giống lươn HTX chọn là giống tự nhiên, rất khỏe, ít dịch bệnh mà giá cũng hợp lý. Trước khi thả lươn vào bồn, THT thực hiện tắm lươn qua nước muối loãng để sát trùng và loại bỏ ký sinh trùng gây bệnh.

nuoi-luon-ViteGAP-JPG-7211-1536466708.jp

Mô hình nuôi lươn trong bể không bùn 

Tiết kiệm nước, bảo đảm môi trường

Lươn là loài không ưa ánh sáng, nên tại các bể nuôi, THT độn thêm rơm, cây chuối mục vào bể để tạo môi trường tốt cho lươn phát triển. Ngoài ra, THT còn cho lục bình vào để tạo bóng râm trong bể tránh được sự thay đổi môi trường một cách đột ngột.

Trong quá trình chăm sóc, khi cho lươn ăn, THT tuân thủ vững nguyên tắc “4 định”: Định chất, định lượng, định thời gian, định vị trí để điều chỉnh thức ăn cho hợp lý.

Thức ăn phải bảo đảm không hôi thối. Khi thức ăn dư trong bể 1 - 2 giờ đều được vớt bỏ ra ngoài, nếu để lâu, thức ăn sẽ phân hủy, gây mùi hôi thối làm ảnh hưởng đến môi trường nước. Mỗi ngày, các thành viên sẽ thay nước một lần để bảo đảm nước luôn sạch cho lươn phát triển.

Qua quá trình nuôi lươn VietGAP, anh Bùi Minh Thuận nhận thấy nuôi lươn không bùn giảm khoảng 30% chi phí đầu tư chuồng sau mỗi đợt nuôi, chủ yếu là khỏi tốn tiền thay đất so với nuôi truyền thống. Vệ sinh bể nuôi rất dễ, không có mùi hôi, nước thải không gây ô nhiễm môi trường.

Đặc biệt, để tiết kiệm nước, THT chủ yếu xây dựng bể nhỏ, khoảng 1m3. Mỗi bể có thể nuôi được 1.000 con giống, loại 40 con/kg.

Theo lý giải của THT, nếu xây bể rộng hơn, với mực nước 30 - 40 cm, mỗi ngày phải thay lượng nước nhiều hơn. Trong khi đó, lươn là loài sống chui rúc nên không thể nào ở hết trên cả diện tích nước đó, điều này rất lãng phí nguồn tài nguyên nước, trong khi với bể nhỏ, mỗi ngày, THT chỉ phải thay ít nước/bể, tiết kiệm khá nhiều so với bể lớn.

Hiện nay, nhằm mở rộng kinh doanh, THT đang xây dựng website để quảng bá thương hiệu và phát triển một số chi nhánh, sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho người nuôi.

Hướng đi của THT là phát triển, mở rộng lên HTX; tiếp tục nuôi lươn sạch để cung cấp thực phẩm sạch từ con lươn Việt Nam cho người tiêu dùng, đồng thời xuất khẩu sang một số nước.

Như Yến/thoibaokinhdoanh.vn