Luân canh lạc trên đất lúa
- Thứ tư - 18/04/2018 04:09
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhằm mục tiêu chuyển đổi cơ cấu giống - mùa vụ theo hướng sản xuất nông nghiệp bền vững, từ năm 2016, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Bình Thuận đã thực hiện mô hình luân canh 2 lúa + 1 lạc (đậu phộng) vụ ĐX trên đất 3 vụ lúa tại xã Hồng Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc.
Kết quả, lợi nhuận của mô hình tăng thêm gần 19 triệu đồng/ha so với canh tác 3 vụ lúa. Trong vụ ĐX 2017 - 2018, mô hình tiếp tục thực hiện tại xã Hồng Liêm, cụ thể tại thôn Liêm An và Liêm Thuận với diện tích 9,5ha.
Giống lạc sử dụng trong mô hình là LDH 01, do Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ cung ứng. Đây là giống có tỷ lệ phân cành hữu hiệu cao, tỷ lệ quả 3 hạt đạt từ 55 - 60%, vỏ quả rắn, vỏ lụa màu hồng, chủ yếu là để ăn tươi. Qua đánh giá của cán bộ kỹ thuật theo dõi mô hình và hộ nông dân thực hiện, năng suất lạc tươi trung bình đạt 43 tạ/ha; một số hộ đầu tư tốt phân bón, chăm sóc đồng bộ cho năng suất đạt từ 48 - 50 tạ/ha.
Trồng lạc vụ ĐX, nông dân phải đầu tư hơn 40 triệu đồng/ha (do chi phí công lao động nhiều hơn), trong khi đó trồng lúa chỉ đầu tư hơn 26 triệu đồng/ha. Tuy nhiên với năng suất và giá bán của lạc, lợi nhuận từ trồng lạc thu về hơn 21 triệu đồng/ha, so với trồng lúa cùng vụ chỉ thu được 6,9 triệu đồng/ha.
Bên cạnh đó, việc chuyển đổi một vụ lúa sang trồng cây màu sẽ tiết kiệm được nguồn nước tưới, giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật, cải thiện đất canh tác, tăng độ phì cho đất, hạn chế sâu bệnh hại cho vụ sau và tăng lợi nhuận.
Theo chị Phạm Thị Thơm, cán bộ kỹ thuật theo dõi mô hình, qua 2 năm thực hiện mô hình đã giúp người nông dân thay đổi nhận thức trong canh tác, đó là việc luân canh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt luân canh lạc đã cải tạo được đất nghèo dinh dưỡng, giúp đất màu mỡ hơn, đem lại thu nhập cao hơn so với SX độc canh cây lúa. Với năng suất và lợi nhuận đạt được khá cao, cho thấy giống lạc LDH 01 thích hợp với điều kiện canh tác tại địa phương.
Theo Nguyễn Minh Sơn/nongnghiep.vn