Luân canh lúa - tôm càng xanh: Mô hình cũ, cách làm mới

Luân canh lúa - tôm càng xanh: Mô hình cũ, cách làm mới
Người dân huyện Tam Nông (Đồng Tháp) đã quen với mô hình luân canh một vụ lúa - một vụ nuôi tôm càng xanh. Tận dụng lợi thế mùa nước lũ, người dân thả tôm trên những cánh đồng sau khi đã thu hoạch xong vụ lúa đông - xuân.

Với cách làm này, đất ruộng sẽ được lên đê bao thấp 1 - 1,2 m. Tháng 11 - 12 dương lịch xuống giống vụ lúa đông xuân; tháng 3 - 4 dương lịch thu hoạch. Khi thu hoạch lúa, cắt gốc rạ và vệ sinh đồng ruộng xong thì bơm nước vào với mực nước 0,7 - 1 m, sau đó thả giống tôm càng xanh. Tháng 7 - 8, bắt đầu dùng lưới cước rào chắn cẩn thận xung quanh, chờ nước lũ về chảy tràn qua ao nuôi. Năm nào nước lũ lớn, chất lượng nước tốt, tôm mau lớn, sáng, đẹp, bán được giá cao, lợi nhuận cả trăm triệu đồng/ha. Những năm nước lũ nhỏ, tôm không phát triển, năng suất thấp, nhiều hộ có thể thua lỗ.

Vì vậy, thời gian gần đây, một số hộ nuôi tôm chuyển sang hình thức luân canh lúa - tôm khác hơn. Đê bao được tu sửa cao và chắc chắn hơn, đảm bảo luôn giữ được mực nước trong ao 1,5 - 1,7 m. Ao nuôi cũng được thiết kế lại, chia làm 2 phần, phần nhỏ hơn làm ao ương, diện tích 20 - 25 % tổng diện tích ao nuôi. Phần đê ngăn giữa hai ao được thiết kế có cống hở có thể đóng mở dễ dàng. Đến thời điểm xuống giống lúa, sẽ xạ lúa trên phần ao lớn và chăm sóc bình thường; tuy nhiên hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật để tránh gây ảnh hưởng đến vụ nuôi tôm. Sau khi xuống giống khoảng 2 tháng, tiến hành diệt tạp và cấp nước vào ương với mực nước 1 - 1,2 m. Tiếp theo, sẽ gây màu nước, kích thích thức ăn tự nhiên phát triển và cuối cùng là thả tôm giống với mật độ trong ao ương 40 - 50 con/m2.

Đến giai đoạn 3 tháng sau xạ, lúa bắt đầu chín đều thì thu hoạch, sau đó cắt gốc rạ và vệ sinh ao trước khi bơm nước vào. Giai đoạn này khoảng nữa tháng, là giai đoạn rất quan trọng; ao nuôi cần được dọn sạch, có thể dùng máy xới một lớp đất mỏng trên mặt ruộng để loại bỏ gốc rạ, bơm nước và xả ra vài lần trước khi giữ nước lại để gây màu. Lúc này tôm trong ao ương đã được 1,5 tháng tuổi; người nuôi mở cống ngăn và thả tôm ra toàn bộ diện tích nuôi, mật độ tôm trong ao lúc này khoảng 10 con/m2. Thời điểm này, nước lũ thượng nguồn bắt đầu về; nếu nước lũ lớn có khả năng tràn qua ao nuôi, người nuôi cần đăng lưới cẩn thận và chăm sóc tôm theo quy trình bình thường đến khi thu hoạch; nếu nước lũ nhỏ, người nuôi chủ động bơm nước vào và giữ mức 1,5 - 1,7 m; như vậy tôm có thể phát triển bình thường đến khi thu hoạch. Cứ như vậy, đến khi lũ rút, bắt đầu thu hoạch tôm, cải tạo ao và chuẩn bị xuống giống vụ mới.

Cách làm mới có nhiều ưu điểm hơn trước:

- Do người nuôi có thể chủ động điều tiết được mực nước trong ao nên không còn phụ thuộc nước lũ hằng năm; dù lũ nhỏ hay lớn, tôm vẫn phát triển tốt, năng suất cao, bán được giá.

- Tận dụng được ưu thế từ mô hình luân canh lúa - tôm truyền thống. Lúa phát triển tốt, chi phí thấp do tận dụng được chất hữu cơ từ thức ăn và chất thải sau vụ tôm nuôi. Đến vụ tôm, ít dịch bệnh xảy ra do hầu hết các tác nhân gây bệnh trên tôm đều bị cắt vòng đời, không thể phát triển sau một vụ trồng lúa. Từ đó giảm giá thành nuôi, tăng lợi nhuận.

- Do chủ động được nguồn nước nên người nuôi có thể điều chỉnh mùa vụ sản xuất cho phù hợp thị trường. Có thể nuôi tôm vụ nghịch, bán được giá hơn.

- Đây là cách làm thân thiện môi trường và mang tính bền vững. Lúa được hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật; và tương tự, tôm ít dùng thuốc, hóa chất điều trị bệnh nên giảm tác động đến môi trường. Sản phẩm làm ra đạt chất lượng và an toàn cho người sử dụng, cả tôm càng xanh và lúa đều phát triển tốt.

>> Cách làm mới trong mô hình luân canh lúa - tôm càng xanh khắc phục được những hạn chế từ cách làm truyền thống, giúp nông dân bớt phụ thuộc thiên nhiên; điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tình hình biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng phức tạp.

Nguồn: Tạp chí Thủy sản Việt Nam