Mặc mít Thái "rớt cái bịch", vùng hạn trồng vẫn lãi 300 triệu/4ha
- Thứ hai - 28/05/2018 09:32
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Là người tiên phong đưa cây mít về trồng tại địa phương, ông Đỗ Thanh Toàn, ở thôn Nhị Hà 2 cho biết: Hiện tại gia đình tôi đang trồng 4 ha giống mít Thái Lan và giống mít ruột vàng, qua các đợt thu hoạch đều cho thu nhập ổn định. Theo ông Toàn, mít là loại cây trồng thích nghi khá tốt với vùng đất đồi, ít tốn công chăm sóc, đậu trái quanh năm, giá trị kinh tế mà cây mít mang lại khá cao lại được thị trường ưa chuộng; được thương lái thu mua với giá dao động từ 12-15 ngàn đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình thu về trên 300 triệu đồng/năm...
Hiệu quả kinh tế từ cây mít Thái, góp phần nâng cao đời sống của người dân xã Nhị Hà.
Thấy được hiệu quả của cây mít, hiện nay một số nông dân ở các thôn khác cũng đưa vào trồng, anh Nguyễn Thanh Tưởng, ở thôn Nhị Hà 3 chia sẻ: Nhận thấy các hộ lân cận trồng mít cho hiệu nên gia đình tôi mạnh dạn trồng thử nghiệm 1 ha. Hiện nay mít đang phát triển tốt, khoảng 1 năm nữa có thể cho thu hoạch, hứa hẹn sẽ đem lại thu nhập cao hơn so với cây trồng khác…
Nhằm đa dạng hóa các sản phẩm cây trồng có giá trị kinh tế cao, vài năm trở lại đây, nông dân xã Nhị Hà (Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) đã mạnh dạn đưa nhiều loại cây trồng mới vào sản xuất. Trong đó, cây mít dù mới “bén rễ” trên đồng đất địa phương khoảng hơn 5 năm nay, nhưng đã khẳng định ưu điểm vượt trội, mang lại thu nhập ổn định cho các nông hộ trồng.
Với đặc điểm địa hình đồi núi, việc lựa chọn giống cây trồng thích hợp luôn là giải pháp quan trọng được chính quyền và người dân xã Nhị Hà quan tâm. Ngoài việc duy trì cây trồng chủ lực như lúa trên 400 ha và một số loại hoa màu khác, nông dân địa phương còn tích cực mở rộng diện tích trồng cây ăn quả với nhiều loại, chất lượng thơm ngon, có giá trị kinh tế cao như thanh long, bưởi da xanh…, trong đó cây mít được người dân lựa chọn để thay thế cho những cây trồng chịu hạn kém, năng suất thấp. Được biết, cây mít được trồng nhiều tại thôn Nhị Hà 2, ban đầu chỉ có vài hộ trồng thí điểm, đến nay trên địa bàn xã đã có trên 10 hộ tham gia trồng loại cây này, với diện tích khoảng 12 ha.
Theo đánh giá của lãnh đạo địa phương, qua thực tế sản xuất, mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng việc phát triển cây mít Thái trên địa bàn hiện nay vẫn còn mang tính tự phát, chưa khai thác hết tiềm năng đất đai, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều. Mặt khác, đầu ra cho cây mít Thái hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái nên thường dao động, không có tính ổn định...
Để cây mít phát triển bền vững trong thời gian tới, theo ông Lê Quyết Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Nhị Hà, địa phương đang tập trung phối hợp với các ngành chức năng mở lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ giúp nông dân đầu tư mở rộng quy mô diện tích, chủ động liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm; tăng thu nhập cho người trồng mít, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo ở địa phương.