Mận “trùm mùng” vào siêu thị
- Thứ tư - 19/04/2017 22:28
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Cách đây khoảng 5 năm, huyện Lai Vung là một trong những địa phương có diện tích trồng mận nhiều nhất của tỉnh Đồng Tháp. Tuy nhiên, do dịch ruồi vàng tấn công dữ dội, nhiều nhà vườn buộc phải đốn bỏ cây mận để trồng loại cây khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Vài năm trở lại đây, một vài nông dân sáng tạo ra cách dùng lưới cước may lại thành cái mùng lớn trùm cho cả vườn mận để tránh sự tấn công của ruồi vàng. Mô hình bước đầu đem lại kết quả rất khả quan, đang được nhân rộng nhiều nơi ở Lai Vung.
Áp dụng giải pháp trùm mùng lưới cho mận được 2 năm nay, ông Nguyễn Thanh Sơn ngụ xã Phong Hòa, huyện Lai Vung cho biết, chi phí đầu tư lưới và nhân công khoảng 5 triệu đồng/công, thời gian sử dụng từ 2-3 năm. So với vườn không bao lưới, mỗi năm ông hạn chế được hơn 80% lượng thuốc bảo vệ thực vật phải phun, tiết kiệm được từ 5-6 triệu đồng/công. Như vậy, ngoài giảm chi phí phun xịt thuốc, chất lượng mận an toàn nên mận trùm mùng lưới luôn có giá cao hơn mận trồng thông thường. Trung bình mỗi công mận trùm mùng lưới, nông dân có thể lãi khoảng 40 triệu đồng/năm, cao gấp đôi so với trồng mận bình thường.
Nhờ thực hiện phương pháp trùm mùng lưới mà sản phẩm mận của nông dân Lai Vung khi kiểm tra tồn dư thuốc bảo vệ thực vật đều đảm bảo chất lượng. Hiện tại, Tập đoàn Vingroup đã bao tiêu toàn bộ sản phẩm của Tổ hợp tác (THT) mận xã Phong Hòa với giá cao hơn thị trường.
Ông Nguyễn Văn Nguyên - Tổ trưởng THT mận xã Phong Hòa, cho biết: “Trung bình mỗi ngày THT cung cấp cho Công ty VinEco thuộc Tập đoàn Vingroup khoảng 1 tấn trái, với mức giá hiện tại là 14.500 đồng/kg, trong khi đó, mận thường bên ngoài thương lái chỉ mua giá khoảng 7.000 đồng/kg. Từ 17 thành viên ban đầu, THT mận liên tục nhận được đề nghị cho gia nhập của nhiều nhà vườn khác, từ đó diện tích mận “ngủ mùng” tăng vọt lên hơn 20ha”.
Ông Ngô Văn Năm, Chủ tịch Hội Làm vườn xã Phong Hòa cho biết: “Thời gian gần đây, nhà vườn ở xã Phong Hòa rất phấn khởi khi tìm được giải pháp cho mận trùm mùng lưới. Hiện nhiều diện tích mận ở địa phương đã được khôi phục lại. Xã Phong Hòa cũng xác định mô hình sản xuất trái cây sạch là hướng đi tất yếu giúp nâng cao vị thế cho nông sản. Do đó thời gian tới, xã sẽ phối hợp mở các lớp tập huấn hướng dẫn nhà vườn sản xuất mận theo tiêu chuẩn VietGAP và tiến tới được cấp chứng nhận VietGAP”.
Trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn đối với nông sản sạch, giải pháp trùm mùng lưới cho mận là cách làm giúp người nông dân củng cố niềm tin của người tiêu dùng dành cho nông sản nội địa. Đây cũng là giải pháp thiết thực giúp bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp.
Nguồn: Báo Đồng Tháp Online