Mát tay nuôi con đặc sản

Mát tay nuôi con đặc sản
Sở hữu chưa đầy 2ha đất, nhưng ông Vũ Cao Thăng ở xóm 2, xã Ân Hòa (Kim Sơn, Ninh Bình) thu tiền tỷ mỗi năm nhờ chuyên nuôi con đặc sản. Ông Thăng cũng nổi tiếng là người đã nuôi hơn 30 con đặc sản khác nhau, mà toàn là những loài chưa ai nuôi…

 

Ông Vũ Cao Thăng giới thiệu những con ba ba gai do ông tự nhân giống. Thiên Hương

Ông Vũ Cao Thăng giới thiệu những con ba ba gai do ông tự nhân giống. Thiên Hương

 

Học đại học về làm nông dân

Từ Quốc lộ 10, chúng tôi rẽ vào đường bê tông liên thôn khoảng 500m là tới nhà ông Thăng. Ngôi nhà hai tầng nổi bật hẳn lên giữa xóm với vuông ao rộng mênh mông trước cửa, xung quanh bờ là đu đủ, bưởi diễn sai trĩu quả. Bước vào nhà, tôi không khỏi choáng ngợp trước hàng chục bằng khen, giấy khen treo kín trên tường. Mời khách ngồi uống nước, ông Thăng nói: “Những tấm bằng khen này là thứ tôi đặc biệt trân trọng, bởi nó không chỉ ghi nhận quá trình phấn đấu, chuyển đổi cơ cấu kinh tế của gia đình mà còn là động lực để tôi tiếp tục phát triển sản xuất, đóng góp nhiều hơn cho quê hương”.Ông Thăng từng học ngành chăn nuôi tại Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam), có bằng kỹ sư loại ưu hẳn hoi nhưng lại không đi làm nhà nước mà quyết định gắn bó với ruộng vườn. Khởi nghiệp bằng 1 cây vàng của hồi môn, vợ chồng ông vừa cấy lúa, vừa mở lò ấp trứng vịt. Thời đó (khoảng năm 1985) chưa có lò ấp trứng công nghiệp, mọi thứ phải làm thủ công rất vất vả, tỷ lệ hao hụt cao, nên ai làm được là thắng. Vợ chồng ông Thăng ngày nào cũng tất bật bên lò ấp quây bằng cót, bên ngoài phủ trấu, bên trong dùng đèn dầu, than để cung cấp nhiệt cho trứng nở. Có lúc nhu cầu vịt giống tăng cao, ông Thăng vào lò ấp tới 1 vạn quả, quy mô lớn nhất vùng thời bấy giờ. Tiền cứ thế thu về ào ào. Nhiều người thấy nghề ấp trứng vịt của vợ chồng ông lãi quá nên đua nhau mở lò ấp, chỉ một thời gian ngắn cung đã vượt cầu, khiến giá vịt giống nhanh chóng sụt xuống.

 

Nhìn thấy rõ nghề ấp trứng vịt không còn thịnh, ông Thăng quay sang trồng nấm mỡ. “Dù học chuyên ngành chăn nuôi, nhưng khi còn trong nhà trường tôi cũng thích tìm hiểu về nấm nên nắm được kỹ thuật trồng, nhờ vậy nấm cho năng suất rất cao. Mỗi khi thu hoạch, tôi đều sơ chế, đóng gói rồi chở sang một doanh nghiệp bên Nam Định tiêu thụ. 1kg nấm mỡ thời ấy giá bằng 1kg thịt lợn nạc, bán chạy vèo vèo nên vợ chồng ham lắm. Có vốn rồi, chúng tôi bắt đầu cải tạo vườn tạp, đào ao nuôi ếch, ba ba. Lúc đó, tôi thấy người dân thường đi lùng bắt rắn, ếch ngoài tự nhiên bán sang Trung Quốc giá rất cao nên quyết định nuôi thử” – ông Thăng kể.

Cái ngày gia đình ông đào hết mấy sào ruộng chuyên cấy lúa tám thơm quanh nhà lên để nuôi ếch, làng xóm cứ bàn ra tán vào. Ai cũng bảo vợ chồng ông liều quá vì ếch nhái ngoài đồng đầy ra, ai thèm mua ếch nuôi, khéo có ngày chết đói. Mặc kệ, ông cứ hì hục múc ao, đắp bờ, chia ô rồi bắt đầu thả nuôi ếch thịt. Chỗ nào còn đất trống thì làm chuồng nuôi kỳ đà, rắn, nhím... Mấy lần vợ ông cầm sổ đỏ chạy ngược chạy xuôi vay tiền, ai cũng nghĩ nhà ông vỡ nợ với mấy loài vật nuôi hoang dã khó tính này. Nhưng ông tin chắc vào hướng đi của mình và luôn tâm niệm, lửa thử vàng gian nan thử sức, muốn thành công thì không được sợ thất bại.

Ông Thăng dẫn tôi ra bể ương ba ba giống, vớt lên mấy chục con bằng 2 đầu ngón tay rồi nói: “Đây là giống ba ba gai đen. Trông bé vậy thôi nhưng giá bán hiện là 250.000 đồng/con 15 ngày tuổi, sau 3 - 5 năm nuôi có thể đạt trọng lượng 5 – 6kg/con, còn ba ba thường chỉ 12.000 đồng/con. Ngoài ra, tôi còn có ba ba gai Nam Bộ, ba ba Nhật, cứ theo ngày tuổi mà tính tiền, con càng to càng đắt”. Ông Thăng cũng cho biết, năm vừa qua nhà ông xuất bán khoảng 150.000 ba ba giống các loại; 1,3 triệu ếch giống, giá bình quân 1.000 – 1.200 đồng/con. Chỉ riêng 2 loại này, ông đã thu về trên 5 tỷ đồng. Ông còn bán cho các nhà hàng vài trăm tấn ếch và ba ba thương phẩm; nuôi hơn 200 con nhím; chục cặp cá sấu bố mẹ, mỗi năm bán 250 cá sấu giống, giá bình quân 700.000 đồng/con 30 ngày tuổi...

Muốn ếch, ba ba đẻ bao nhiêu cũng được

Trò chuyện với tôi, ông Thăng cứ nhắc đi nhắc lại rằng, muốn nuôi con gì, nhất định phải tìm hiểu sách vở cho kỹ. Sách vở không có thì hỏi cán bộ khuyến nông, chuyên gia. Hồi ông bắt tay vào nuôi con đặc sản, cái gì cũng lạ lẫm bởi tìm mỏi mắt cũng không có tài liệu nào hướng dẫn nuôi ba ba, nhím hay don, kỳ đà… Tìm đến chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng, ông bảo muốn nuôi thành công, phải hiểu rõ tập tính sinh hoạt của chúng, vậy là ông Thăng về áp dụng. Có năm, mùng 3 tết ông Thăng ra tận Hà Nội gõ cửa nhà ông Nguyễn Lân Hùng nhờ “cấp cứu” vì mấy ao ba ba cả bố mẹ lẫn con giống bỗng nhiên lăn ra chết hàng loạt, sắp trắng tay đến nơi. Thương mến anh nông dân chịu khó học hỏi, ông Hùng về tận nơi tìm hiểu, thì ra ba ba bị nấm thủy mi, rồi thối mai. Khi hiểu rõ nguyên nhân rồi, ông Thăng tách riêng những con nhiễm bệnh ra rồi tìm thuốc chữa trị, vệ sinh khử trùng toàn bộ ao. Nhờ vậy mà thoát cảnh lỗ nặng.

 

Đến nay, những bệnh thường gặp trên vật nuôi ông Thăng đã hoàn toàn khống chế, không những vậy còn bắt chúng sinh con đẻ cái. Chẳng hạn, với con ba ba, ông bảo sách vở nói mỗi năm ba ba chỉ đẻ 2 lứa, nhưng ông có thể cho chúng đẻ tới dăm bảy lứa. Ông còn cho lai thành công giữa ba ba sông Hồng với ba ba gai Đài Loan để cho ra thế hệ ưu việt hơn, nhanh lớn hơn. Ông Thăng cũng tự tin khẳng định, hiện nhà ông là địa chỉ cung cấp ba ba giống lớn nhất miền Bắc, vì ông có “bí quyết” cho trứng ba ba nở lúc nào cũng được, nhờ áp dụng các yếu tố nhiệt độ, độ ẩm... Hễ thấy loài nào hay là ông nuôi thử, thấy phù hợp mới nhân rộng, nhưng ông “kết” nhất vẫn là ếch và ba ba. Hiện chi phí đầu tư cho 2 loại này đã lên tới 1 tỷ đồng/năm.

 

Trong khi ông Thăng thả mấy con ba ba xuống bể, tôi đếm thử mấy ao nuôi nằm san sát nhau. Thấy vậy ông cười bảo: “Riêng bể xi măng hiện tôi có 35 bể, ngoài ra còn có hơn 100 bể lót bạt. Với gia đình tôi, vốn đầu tư giờ không còn là vấn đề, khó nhất là đất để mở rộng sản xuất. Tôi rất muốn thuê thêm ruộng của bà con rồi lót bạt nuôi ếch, tuy nhiên địa phương chưa cho chuyển đổi mục đích sử dụng nên đành chịu”.

Mặc dù kinh nghiệm đầy mình, nhưng ông Thăng cũng thừa nhận, cái khó trong nuôi con đặc sản, động vật hoang dã hiện nay là chưa có nhiều tài liệu kỹ thuật hướng dẫn. Bản thân ông đã trải qua không ít thất bại nên đến giờ, có bao nhiêu cái hay ông sẵn sàng san sẻ với bà con. Năm 2013, ông Thăng đã phối hợp với Sở NNPTNT Ninh Bình, Phòng Nông nghiệp huyện tổ chức 7 lớp tập huấn cho nông dân, còn năm 2014, một số lớp gia đình ông tổ chức miễn phí.

Thành công với mô hình nuôi con đặc sản, vốn liếng trong tay lên tới mấy chục tỷ đồng nhưng với ông Vũ Cao Thăng, điều ông tự hào nhất vẫn là con cái. Anh con trai lớn từng học ngành công an, sau đó sang nước ngoài học và hiện đã đi làm, còn cô con gái cũng thi đỗ vào Đại học Ngoại thương, hiện đang du học tại Anh.

  Thời điểm năm 2005, có lẽ ông Thăng là nông dân đầu tiên ở Ninh Bình dám chi 400 triệu đồng sắm ô tô. Nhiều người lúc ấy nhìn ông ngưỡng mộ lắm, nhưng ông bảo sắm ô tô không phải để cho oai mà chủ yếu tiện chở hàng đi bán, giao dịch với khách. Hơn chục năm nay, ông không phải đi lại nhiều như trước mà chỉ việc ngồi nhà bán hàng đếm tiền- bởi đã có thương lái, nông dân đến tận nơi thu mua.  
 
Theo Dân Việt