Miền núi phía Bắc: Đẩy mạnh chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa

Miền núi phía Bắc: Đẩy mạnh chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa
Theo nhận định của các chuyên gia nông nghiệp, chăn nuôi đại gia súc sẽ trở thành ngành mũi nhọn trong phát triển nông nghiệp ở các tỉnh miền núi phía Bắc (MNPB). Riêng tại Hà Giang, do địa hình hiểm trở, nhiều núi đá, khó chăn thả trâu, bò nên người dân nghĩ ra cách “nuôi bò trên lưng”, tức là nhốt bò trong chuồng, rồi trồng cỏ khắp các sườn núi đá, hàng ngày gùi cỏ về cho bò ăn.

Nuôi bò trên lưng 

Lên huyện Mèo Vạc (Hà Giang), ấn tượng đầu tiên đập vào mắt tôi là bốn bề chất ngất núi đá sừng sững, đâu đâu cũng chạm phải những vách núi dựng đứng kề bên vực sâu thăm thẳm. Thế nhưng giữa màu xám của đá, người ta vẫn thấy nổi bật lên màu xanh của ngô và cỏ VA06 mọc xen lẫn. Trong khi ở miền xuôi, đất đai màu mỡ nhưng không ít cánh đồng bị bỏ hoang hóa thì ở đây, dù mảnh đất chỉ bé bằng bàn tay, bà con cũng tìm cách cho cây ngô, cây lúa mọc lên bằng được. Thấp thoáng giữa những bãi đá, cánh đồng ngô là vài chuồng bò làm theo kiểu nhà sàn, ở đó, những con bò béo tròn đang nhai cỏ ngon lành...

Anh Vương Minh Tuấn, người Mông, ở xóm Pả Vi Thượng, xã Pả Vi khoe: Nhờ được sự vận động và hướng dẫn tận tình của cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Mèo Vạc, cộng với đồng vốn hỗ trợ ban đầu từ Nhà nước, gia đình tôi đã thực hiện chăn nuôi bò hàng hóa từ mấy năm nay. Hàng tháng, gia đình đến các chợ tìm mua những con bò gày, nhỏ đem về nuôi vỗ béo. Sau khoảng 3 - 4 tháng, khi bò béo, đạt trọng lượng cần thiết thì dắt ra chợ trung tâm huyện bán. 

Hiện, trong chuồng của gia đình anh Tuấn lúc nào cũng duy trì khoảng 10-20 con bò, mỗi phiên chợ bán 2-5 con đã vỗ béo, bình quân lãi 2-5 triệu đồng/con. 

Chị Phạm Kim Thoa, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Giang cho biết, tại các huyện vùng cao núi đá của Hà Giang, người dân đã biết cách trồng cỏ phân tán ở mọi chỗ, mọi nơi nhằm tạo nguồn thức ăn để phát triển chăn nuôi đại gia súc, với cách làm sáng tạo là “nuôi bò trên lưng” (nuôi nhốt bò trong chuồng, hàng ngày lên núi gùi cỏ về cho bò ăn). 

Từ năm 2008, ngành nông nghiệp Hà Giang đã đưa giống cỏ VA06 vào trồng thử nghiệm, năng suất vượt trội, đạt 200-250 tấn/ha/năm. Đến nay, tổng diện tích cỏ ở Hà Giang đã lên tới 15.910ha, tập trung ở các huyện vùng cao núi đá như Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ, Hoàng Su Phì... Nhờ phát triển trồng cỏ mà ngành chăn nuôi đại gia súc được đẩy mạnh. Đến năm 2012, tổng đàn trâu của tỉnh đạt 164.000 con, chiếm 12% toàn vùng MNPB; đàn bò đạt 111.000 con, chiếm khoảng 10% tổng đàn toàn vùng; tổng sản lượng thịt trâu, bò đạt trên 4.000 tấn/năm. 
 

Chăn nuôi bò hàng hóa ở Mèo Vạc (Hà Giang).


Bà Phạm Thị Hà, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hà Giang cho biết: “Nhận thức rõ chăn nuôi đại gia súc là thế mạnh trong phát triển kinh tế địa phương nên Hà Giang đã có nhiều chính sách hỗ trợ bà con. Theo đó, mỗi hộ nghèo được hỗ trợ 1 lần tiền mua giống trâu, bò nếu nuôi lần đầu; hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay trong 36 tháng cho hộ nghèo có nhu cầu vay vốn tại các tổ chức tín dụng để phát triển chăn nuôi trâu, bò. Mỗi con trâu, bò đực của hộ gia đình nếu được bình tuyển, đạt chất lượng làm trâu, bò sinh sản sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng. Các hộ chăn nuôi trâu, bò cái nếu phối giống từ những trâu, bò đã bình tuyển được hỗ trợ 80.000 đồng/lượt”. 

Ngoài ra, Hà Giang cũng trợ giá mua giống cỏ cho người dân với mức 1,8 triệu đồng/ha, đồng thời tỉnh cũng triển khai chương trình xây dựng hai thương hiệu là bò vàng vùng cao Hà Giang và trâu Hà Giang. 

Đưa chăn nuôi gia súc thành ngành kinh tế mũi nhọn

Tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp chủ đề “Phát triển chăn nuôi đại gia súc an toàn khu vực MNPB” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với UBND tỉnh Hà Giang tổ chức mới đây, Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, hiện khu vực MNPB có 1,45 triệu con trâu, chiếm 55,27% tổng đàn trâu cả nước; sản lượng thịt liên tục tăng lên qua từng năm (năm 2010 đạt 84.214 tấn, năm 2011 đạt 87.789 tấn, năm 2012 đạt 88.469 tấn). Trong chăn nuôi bò thịt, tuy là nghề truyền thống của nông dân Việt Nam, nhưng giống bò ở nước ta vốn có tầm vóc nhỏ, tỷ lệ thịt xẻ thấp nên ngành nông nghiệp đã triển khai nhiều chương trình cải tạo giống. Theo đó, đàn bò Việt Nam đã dần được cải thiện về tầm vóc, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. 

Hiện, tổng đàn bò ở khu vực MNPB có 904.600 con, sản lượng thịt năm 2012 đạt 29.400 tấn; đàn bò sữa ở MNPB tập trung ở Sơn La, Tuyên Quang với số lượng hơn 11.000 con, sản lượng sữa 40.235 tấn (năm 2012). 

TS. Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhận định: “Vùng MNPB có diện tích đất đai rộng lớn, mật độ dân số thấp nên có nhiều tiềm năng để phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ. Hiện, khu vực này đang sở hữu nhiều giống gia súc chất lượng tốt như bò sữa Mộc Châu; trâu mốc Tuyên Quang, Yên Bái; bò Mông Hà Giang; dê cỏ Hà Giang; ngựa bạch Lạng Sơn... Vì vậy, phát triển chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gia súc ăn cỏ nói riêng vừa là thế mạnh, vừa là nghề chính để giải quyết việc làm, tạo nguồn thu nhập và giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu. 

“Tuy nhiên, phát triển chăn nuôi gia súc ở khu vực MNPB hiện chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh. Phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ với tập quán lạc hậu, chăn thả tự do vẫn còn khá phổ biến ở các vùng núi cao, hiểu biết về kỹ thuật chăn nuôi của bà con còn hạn chế nên năng suất và hiệu quả chăn nuôi chưa cao. Thiếu vốn, thiếu thông tin thị trường cũng là nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của ngành chăn nuôi. Do đó, để thay đổi tập quán chăn nuôi từ phương thức lạc hậu, kém hiệu quả sang hướng thâm canh tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả, ngành nông nghiệp các tỉnh MNPB cần thực hiện các giải pháp một cách đồng bộ về giống, thức ăn, phòng trừ dịch hại và thị trường”, ông Thông nhấn mạnh. 

Cũng theo ông Thông, Nhà nước đã và sẽ triển khai nhiều chính sách đặc thù cho chăn nuôi đại gia súc ở MNPB, theo đó, công tác đào tạo, tập huấn kỹ thuật sẽ được hỗ trợ 100% kinh phí; hỗ trợ 100% vật tư đối với thụ tinh nhân tạo, kinh phí tiêm phòng. Các hộ đồng bào dân tộc thiểu số sẽ được hỗ trợ 100% tiền mua giống cỏ năm đầu, được hỗ trợ kỹ thuật và máy thái cỏ (1 máy/3 hộ chăn nuôi). Đồng thời, Nhà nước sẽ dành nguồn vốn tín dụng cho các hộ chăn nuôi vay để cải tạo chuồng trại, mua con giống ban đầu nhằm phát triển sản xuất, sẽ hỗ trợ 100% hoặc 50% lãi suất cho các gói vay này; cùng với đó, sẽ hỗ trợ tối thiểu 50% kinh phí cho các hộ chăn nuôi xây dựng hầm biogas hoặc các thiết bị xử lý chất thải chăn nuôi.

 

Chu Khôi
Nguồn:kinhtenongthon.com.vn