Mô hình hết sức thiết thực

Nhìn chung, đây là một mô hình hết sức thiết thực. Hiệu quả và sự lan tỏa của nó ai cũng nhìn thấy. Người dân rất phấn khởi.

 

 Để hiểu rõ hơn sự thành công của mô hình nuôi bò sinh sản giảm nghèo bền vững ở Sóc Trăng, PV NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Thuấn (ảnh), Chi cục trưởng Chi cục PTNT, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG về xây dựng NTM tỉnh Sóc Trăng.  

08-29-56_ong-thun-chi-cuc-truong

Thưa ông, qua 3 năm Cục KTHT- PTNT hỗ trợ vốn cho Sóc Trăng thực hiện các mô hình giảm nghèo nói chung và mô hình nuôi bò sinh sản nói riêng, đến nay đã đạt được kết quả như thế nào?

Ba năm qua, Cục KTHT-PTNT đã hỗ trợ tổng cộng 600 triệu đồng (trung bình 200 triệu đồng/năm) cho các hộ nghèo của tỉnh để thực hiện các mô hình giảm nghèo bền vững.

Chi cục PTNT Sóc Trăng đã triển khai hỗ trợ cho 66 hộ nghèo ở huyện Mỹ Tú nuôi bò sinh sản và cho 28 hộ ở huyện Châu Thành trồng nấm bào ngư.

Sau 3 năm, 2 mô hình này đã mang lại hiệu quả lớn, giúp cho người nghèo có thu nhập, có tài sản, thoát nghèo và nhiều hộ đang vươn lên khá giả. Đặc biệt là mô hình nuôi bò sinh sản. Từ những mô hình này, đàn bò của các địa phương đã tăng rất nhanh.

Sự lan tỏa của mô hình là rất lớn. Nhiều hộ nghèo và cận nghèo chưa được hỗ trợ vốn nhưng đã chủ động tìm mọi cách để học hỏi cách nuôi bò, vay mượn vốn để phát triển đàn bò của mình. Nhìn chung, đây là một mô hình hết sức thiết thực.

Hiệu quả và sự lan tỏa của nó ai cũng nhìn thấy. Người dân rất phấn khởi. Hiệu quả của mô hình nuôi bò sinh sản giảm nghèo bền vững có tác động như thế nào trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo và xây dựng NTM, thưa ông?

Đến nay, những hộ dân được hỗ trợ vốn nuôi bò năm 2013 đã có lợi nhuận khá lớn. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo. Không hộ nào bán bò mà giữ để tăng đàn. Đó là điều rất đáng mừng. Đàn bò phát triển rất tốt. Có được kết quả đó, ngoài sự nỗ lực vươn lên của các hộ nghèo, chúng tôi cũng tập trung hỗ trợ người dân hết mức về kỹ thuật trong xây dựng chuồng trại, cách theo dõi, chăm sóc, trồng cỏ…

Các mô hình này đã góp phần lớn trong việc kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo ở các xã thuộc huyện Mỹ Xuyên để phấn đấu đến năm 2016 Mỹ Xuyên đạt huyện NTM.

Ông có đề xuất gì với Trung ương để tiếp tục thực hiện mô hình giảm nghèo bền vững?

Tôi kiến nghị Cục KTHT-PTNT tiếp tục hỗ trợ và tăng thêm nguồn kinh phí lên, ít nhất gấp 2 - 3 lần so với hiện nay để sớm giúp được nhiều hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Với nguồn vốn 200 triệu đồng/năm như hiện nay là rất hạn hẹp. Chưa thể đáp ứng được đòi hỏi và nhu cầu xóa nghèo bền vững tại Sóc Trăng.

Nếu tăng được nguồn vốn, mỗi năm đầu tư cho khoảng 100 hộ nghèo chăn nuôi bò sinh sản thì sau 3 năm chắc chắn 100 hộ này sẽ thoát nghèo và kéo theo hàng trăm hộ khác thoát nghèo theo vì sức lan tỏa của mô hình là rất lớn. Phát triển mạnh đàn bò là phù hợp với định hướng của Sóc Trăng. Góp phần tích cực vào giảm nghèo bền vững và xây dựng NTM.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!    

THANH PHONG

 Theo Nông nghiệp Việt Nam