Mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao ở bắc ninh: Trồng dưa lê xuân hè
- Thứ ba - 10/06/2014 23:16
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thời điểm này, người dân xóm Thanh Lê, thôn Lũng Sơn, thị trấn Lim (Tiên Du - Bắc Ninh) đang tất bật thu hoạch rộ vụ dưa lê xuân hè. Những năm trước, khi diện tích đất nông nghiệp còn nhiều, người dân chủ yếu trồng lúa, nếu thời tiết thuận lợi, ít sâu bệnh thì có lãi chút ít nhưng chăm sóc vất vả nên bà con mạnh dạn chuyển sang trồng dưa lê trên đất lúa năng suất thấp. Bà Nguyễn Thị Nga cho biết, với 2 sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2) dưa lê, sau 3 tháng trồng, gia đình thu được 700 – 800kg dưa/sào. Với giá thị trường 12.000 - 15.000 đồng/kg, bà dự tính vụ này có thu khoảng 8 - 9 triệu đồng/sào (tương đương 216 - 243 triệu đồng/ha). “Vài năm trước, khi người trồng giống dưa lê siêu ngọt còn ít thì giá bán khá cao, bà con có thu 15 - 20 triệu đồng/sào”, bà Nga nói.
Cũng theo bà Nga, trồng dưa lê không khó, tốn ít công chăm sóc, điều quan trọng là phải chú ý phòng trừ dịch bệnh. Với chi phí đầu tư cho 1 sào khoảng 1,2 - 1,4 triệu đồng, cuối vụ cho lãi khoảng 5 - 7 triệu đồng/sào, cao gấp 5 - 6 lần so với trồng lúa. Bên cạnh đó, khi trồng dưa lê vào thời kỳ đầu vụ (cuối tháng 1, đầu tháng 2), việc điều tiết nước phù hợp rất quan trọng cho quá trình phát triển và làm quả cuối vụ, cần làm giàn cẩn thận để quả có mẫu mã đẹp, đặc biệt cần tưới nhiều kali để tăng độ ngọt cho quả.
Ngoài 2 sào dưa lê, bà Nga trồng thêm 1 sào dưa bở dài. “Trồng dưa bở không khó, chi phí đầu tư thấp hơn trồng dưa lê, không cần làm giàn, ít phải phun thuốc trừ sâu, nếu có thì cũng chỉ cần phun thuốc phòng trừ sâu xám ở giai đoạn cây con. Thời vụ trồng dưa bở muộn hơn, từ giữa hoặc cuối tháng 2, đầu tháng 3 và thu hoạch cùng thời điểm với dưa lê”, bà kể. Năng suất dưa bở dài khá cao, đạt 1,1 - 1,2 tấn/sào, với giá bán 6.000 - 8.000 đồng/kg, trừ chi phí, bà thu lãi 5 - 6 triệu đồng/sào.
Dưa lê và dưa bở là loại quả dễ tiêu thụ, thời gian sinh trưởng ngắn, khoảng 2,5 - 3 tháng là cho thu hoạch. Với ưu điểm dễ trồng, dễ chăm sóc, hiệu quả kinh tế khá cao nên một số địa phương trong tỉnh Bắc Ninh có thể đưa hai giống cây này vào cơ cấu luân canh trồng màu nhằm chuyển đổi cây trồng cho những vùng sản xuất nông nghiệp hiệu quả thấp, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới.
Nguyễn Quỳnh Trang
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn