Mô hình điểm ở Thăng Bình
- Thứ ba - 12/03/2013 02:53
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chính quyền xã Bình Tú đặc biệt quan tâm đến khâu đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Ảnh: ĐOÀN ĐẠO |
Quy hoạch phát triển sản xuất
Ngay sau lễ phát động xây dựng NTM vào tháng 3.2011, chính quyền xã Bình Tú nhanh chóng tập trung công tác quy hoạch. Bà Phan Thị Thùy Trang - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Nhờ sự tư vấn của Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quảng Nam, chúng tôi đã hoàn thành khâu quy hoạch với tổng kinh phí 357 triệu đồng. Cuối tháng 12.2012, UBND huyện Thăng Bình chính thức phê duyệt đồ án quy hoạch tổng thể do xã trình. Từ đó, Bình Tú có hướng đi cụ thể, bài bản trong việc xây dựng NTM, mà rõ nhất là phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng hạ tầng thiết yếu”.
Bình Tú hiện có 910ha đất lúa và 212ha đất màu, đều chủ động được nước tưới. Để có được điều này, ngoài hỗ trợ của các cấp, ngành, lãnh đạo địa phương tích cực kêu gọi sự chung tay góp sức của toàn thể nhân dân trong việc đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi. Ông Trịnh Xuân A - Phó Chủ tịch UBND xã nói: “Bên cạnh việc chú trọng nâng cấp, bảo dưỡng các đập thủy lợi cũ, những năm qua Bình Tú ưu tiên vốn xây dựng thêm đập Ngọc Phô, Suối Mới, An Ngãi, Cẩm Lũ, Cây Trâm và hoàn thành việc bê tông hóa 9,4km kênh mương, với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng”. Nhờ dồn điền đổi thửa xong từ năm 2007, thực hiện khâu quy hoạch sản xuất tốt, nguồn nước tưới luôn đảm bảo nên 6 năm trở lại đây chính quyền xã chủ động liên kết với các doanh nghiệp hình thành nên nhiều vùng sản xuất lúa giống, lúa thương phẩm chất lượng cao theo hướng hàng hóa tập trung, giúp nhà nông nâng cao hiệu quả kinh tế.
Sau 2 năm phát động, đến nay Bình Tú đã đạt được 7 tiêu chí, gồm: quy hoạch, trường học, nhà ở, giáo dục, y tế, hệ thống chính trị, an ninh trật tự. Nếu năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo của xã là 17,2% thì đến thời điểm này chỉ còn hơn 8%. Theo kế hoạch, năm 2013 này địa phương tiếp tục hoàn thành thêm 7 tiêu chí, và mục tiêu đến năm 2015 xây dựng thành công xã NTM. |
Theo ông A, hiện mỗi vụ xã sản xuất hơn 50ha lúa giống với 180 hộ dân tham gia. Ông Nguyễn Đình Tài (ở thôn Tú Ngọc B) hồ hởi: “Mấy năm gần đây, nhờ sản xuất lúa giống mà cuộc sống gia đình tôi đỡ vất vả hơn trước rất nhiều. Bình quân 1 sào lúa giống cho thu nhập 2,5 triệu đồng, tăng hơn 800 nghìn đồng so với canh tác lúa thường trước đây”. Nông dân Bình Tú cũng rất phấn khởi vì năng suất lúa thương phẩm không ngừng tăng lên. Nếu vụ đông xuân 2006 - 2007 năng suất lúa của địa phương chỉ đạt 52 tạ/ha thì đông xuân 2011 - 2012 đạt 62 tạ/ha. Với diện tích canh tác mỗi vụ hơn 52ha đất, đậu phụng cũng đang trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp ở xã này. Thực tế cho thấy, nhờ năng suất luôn đạt cao nên sau khi trừ chi phí đầu tư, mỗi sào đậu phụng nông dân nơi đây lãi ròng 1,7 triệu đồng.
Những năm gần đây, ngành chăn nuôi của Bình Tú cũng đã đi theo hướng sản xuất hàng hóa nhờ sự hỗ trợ tích cực từ phía chính quyền địa phương. Đầu năm 2009 đến nay, với 4 con bò nái lai sinh sản, mỗi năm vợ chồng ông Nguyễn Thành (trú thôn Phước Cẩm) thu được gần 50 triệu đồng từ tiền bán bò con. Ngoài ông Thành, hiện nay tại Bình Tú còn có rất nhiều mô hình chăn nuôi bò khác mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Trịnh Xuân A nói: “Để khuyến khích phát triển mạnh đàn bò theo phương thức lai sind hóa, chính quyền xã dành nguồn ngân sách hỗ trợ người dân 150 nghìn đồng cho mỗi bò con ra đời. Bây giờ, tổng đàn bò của Bình Tú là 700 con, hy vọng với cơ chế này thời gian tới số lượng bò sẽ tăng nhanh”. Nhằm tạo điều kiện cho nhân dân nhanh chóng nhân rộng các mô hình chăn nuôi heo siêu nạc, xã Bình Tú cũng đang hỗ trợ cho hàng loạt hộ nhiều đàn heo giống chất lượng cao...
Giao thông đi trước một bước
Về Bình Tú hôm nay, hẳn những người con xa quê sẽ ngạc nhiên khi tất cả những con đường ở các thôn xóm đều đã được bê tông chắc chắn, thông thoáng. Ông Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng thôn Tú Cẩm phấn khởi nói: “Ngoài một số con đường đã được thi công các năm trước, năm 2012 vừa qua, thôn Tú Cẩm có thêm 2 tuyến giao thông được bê tông hóa với chiều dài gần 1km. Trong tổng vốn đầu tư hơn 600 triệu đồng, người dân đóng góp 300 triệu đồng”. Bà Phan Thị Thùy Trang cho hay, hơn 12 năm nỗ lực thực hiện, đến nay toàn bộ 70km đường liên xã, liên thôn, liên xóm của Bình Tú đã được xây dựng xong với tổng số tiền hơn 18 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 50%. Thời gian tới, mục tiêu của xã là tiếp tục mở rộng các tuyến giao thông trên địa bàn để đạt chuẩn NTM.
Hai năm gần đây, Bình Tú cũng đã dành hơn 4 tỷ đồng (trong đó, nông dân địa phương đóng góp 1,8 tỷ đồng) bê tông hóa 6km giao thông nội đồng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, sản xuất, thu hoạch các loại nông sản. Theo bà Trang, năm 2013 này Bình Tú sẽ tiếp tục đầu tư 900 triệu đồng xây dựng thêm một số tuyến giao thông nội đồng và kiên cố hóa hệ thống kênh mương tại các cánh đồng Đồng Chùa (thôn Phước Cẩm), Đồng Bằng (thôn Tú Cẩm). Bà Trang nói: “Hạ tầng giao thông đi trước một bước chính là điều kiện tốt nhất để Bình Tú thay đổi bộ mặt nông thôn, mở ra nhiều cơ hội phát triển trong tương lai”.
Giải quyết việc làm cho lao động nông thôn
Chuyện nhiều lao động nông thôn ở Bình Tú hiện nay có được công việc ổn định khi đã ly nông không phải là hiếm vì lãnh đạo xã luôn khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp nhằm giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Công ty May Nguyên Bình, Cơ sở Mây tre đan Kim Thu, Xưởng Sản xuất đũa tre Phan Thị Thu... đóng chân trên địa bàn Bình Tú đang thu hút 200 người vào làm việc ổn định với mức lương 2 - 4 triệu đồng/tháng. Để giải quyết tốt việc làm cho lao động nông thôn, chính quyền xã luôn chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể chủ động phối hợp với những trường dạy nghề trong tỉnh mở các lớp nghề phù hợp như mây tre, may mặc, sản xuất nấm… Tuy nhiên, ông Trịnh Xuân A vẫn trăn trở: “Thời gian qua xã đã quy hoạch một điểm công nghiệp ở thôn Trường An với diện tích 8ha. Theo tính toán, nếu hoàn thành sẽ bố trí khoảng 4 - 5 doanh nghiệp hoạt động, thu hút 500 - 700 lao động địa phương vào làm việc. Vậy nhưng, do ngân sách xã quá eo hẹp nên không thể đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh. Vì thế, rất mong cấp trên sớm quan tâm hỗ trợ một phần kinh phí để xã hoàn thiện điểm công nghiệp này”.
VĂN SỰ - ĐOÀN ĐẠO