Mô hình ghép cải tạo nhãn ở Yên Bái: Thành công bước đầu

Mô hình ghép cải tạo nhãn ở Yên Bái: Thành công bước đầu
Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái phối hợp với Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam triển khai mô hình ghép cải tạo nhãn thuộc dự án “Xây dựng mô hình ghép cải tạo nhãn tại các tỉnh miền núi phía Bắc” giai đoạn 2017 - 2019.
nhan_ghep_ybai.jpg
Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Trung tâm Khuyến nông Yên Bái kiểm tra mô hình ghép cải tạo nhãn (cây ghép năm 2018) tại huyện Văn Chấn (Yên Bái).

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái phối hợp với Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam triển khai mô hình ghép cải tạo nhãn thuộc dự án “Xây dựng mô hình ghép cải tạo nhãn tại các tỉnh miền núi phía Bắc” giai đoạn 2017 - 2019 tại 2 thôn Văn Thi 3 và Văn Thi 4, xã Sơn Thịnh (Văn Chấn - Yên Bái).

Mô hình thực hiện trong 3 năm, Nhà nước hỗ trợ hộ tham gia 100% mắt ghép (sử dụng giống nhãn chín muộn PH-M99-1), 50% vật tư phân bón. Hộ tham gia được tập huấn kỹ thuật ghép cải tạo nhãn; đối ứng 50% vật tư phân bón còn lại và công lao động, cắt tỉa chăm sóc…

Quy mô triển khai 7ha với 23 hộ dân được hưởng lợi (năm 2017 là 2ha, 7 hộ tham gia; năm 2018 là 4ha, 9 hộ; năm 2019 là 1ha, 7 hộ).

Qua theo dõi kết quả sinh trưởng và phát triển sau ghép của từng năm thấy:

Diện tích ghép năm 2017: Sau 2 năm ghép, cây nhãn sinh trưởng, phát triển tốt, thể hiện qua các chỉ tiêu như đường kính cành ghép đạt 1,5 - 2cm, chiều dài cành ghép 1,4 - 1,9m, cây phân tán mạnh, chiều rộng tán cây 2,5 - 3m. Đối với những cành ghép to, có sức sống mạnh, cành cấp 1, cấp 2, cấp 3 phát triển nhiều. Trong quá trình chăm sóc, cán bộ kỹ thuật hướng dẫn các hộ cắt bớt cành nhỏ để tạo độ thông thoáng, cho cây có bộ khung tán khoẻ.

Dự kiến cây ghép năm 2017 cho thu quả với năng suất 30 - 40kg/cây, giá bán khoảng 25.000 đồng/kg, 1ha nhãn ghép cải tạo (mật độ quy đông đặc 400 cây/ha) cho quả bói đạt thu nhập 300 - 400 triệu đồng.

Diện tích ghép năm 2018: Sau 1 năm ghép, nhãn sinh trưởng, phát triển tốt, thể hiện qua các chỉ tiêu như: Đường kính cành ghép đạt 1 - 1,5cm, chiều dài cành ghép 1,2 - 1,5m; số cành cấp 1 đạt  6,4 - 7,2 cành/cây; số cành cấp 2 bắt đầu xuất hiện nhiều; chiều rộng tán đạt trên 1,8m, chỉ có ít cây chiều rộng tán dưới 1,5m.

Năm 2019, có trên 90% số cành ra hoa, cán bộ kỹ thuật hướng dẫn các hộ tỉa bớt mầm hoa để cho cây tập trung dinh dưỡng nuôi quả và phát triển tán cho những năm sau.

Từ những kết quả trên, bước đầu đánh giá mô hình ghép cải tạo nhãn tại xã Sơn Thịnh đạt được các chỉ tiêu đề ra, mắt ghép phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương nên cây sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh hại, các mắt ghép đều lấy ở cây mẹ đạt độ tuổi thuần thục nên nhanh ra hoa (sau ghép 1 năm đã ra hoa).

Việc ghép cải tạo giúp rút ngắn thời gian kiến thiết cơ bản (so với trồng mới), cây nhanh ra hoa quả và đạt năng suất cao nhờ có bộ tán phát triển nhanh và cây gốc ghép có bộ rễ khoẻ.

Mô hình là nơi tham quan học tập cho các hộ vùng lân cận, làm cơ sở cho việc nhân rộng ở các xã và địa phương khác trong tỉnh Yên Bái, góp phần đa dạng hoá sản phẩm, tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Theo  Trần Ngọc Sơn/kinhtenongthon.vn