Một hội viên phụ nữ làm kinh tế giỏi
- Thứ năm - 12/04/2018 03:10
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Từng chậu cà chua nhót đỏ hồng, căng mọng được chuyển lên bờ, chờ thương lái đến mua. Mặc dù năm 2017 là một năm thời tiết bất thuận đối với các gia đình trồng rau màu trong xã bởi đợt mưa lớn kéo dài khiến nhiều diện tích bị ngập úng khi sắp đến ngày thu hoạch song nhờ được giá, chị vẫn rất vui vì công sức bỏ ra đã có được thành quả xứng đáng.
Chị Phạm Thị Ngát, xã Nghĩa Hồng (Nghĩa Hưng) thu hoạch cà chua nhót xuất khẩu. |
Chị Ngát là hội viên của chi hội có tới 95% phụ nữ theo đạo Thiên chúa. Trước đây, bản thân chị rất ngại tham gia các hoạt động xã hội, chỉ tham gia các buổi lễ của tôn giáo. Bên cạnh đó, chị lại thiếu kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng trọt, do vậy phần nào ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của gia đình. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM và nghị quyết của Đảng bộ, HĐND, UBND xã Nghĩa Hồng về chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, Hội Phụ nữ xã Nghĩa Hồng đã tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho hội viên, phụ nữ trong toàn xã. Cũng như nhiều chị em khác, chị Ngát đã mạnh dạn tham gia các lớp tập huấn về chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi do Hội Phụ nữ xã phối hợp với HTX nông nghiệp tổ chức. Từ kiến thức học được, thông qua lao động thực tiễn, chị nhận thấy, muốn có hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp phải nắm bắt kịp thời những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới và mạnh dạn áp dụng vào thực tế. Chị chủ động bàn với gia đình quyết định đầu tư sản xuất lúa đặc sản Bắc thơm số 7 thâm canh theo mô hình mới với diện tích 1,5 mẫu cho năng suất cao, từ 180-200 kg/sào/vụ. Ngoài ra, gia đình chị còn cải tạo vườn tạp để trồng ngô, rau và thả cá để tăng thu nhập và tạo nguồn thực phẩm sạch cho gia đình. Không chỉ dừng ở đó, gia đình chị tiếp tục áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng 8 sào cà chua nhót, dưa chuột bao tử trên đất 2 lúa. Đặc biệt, năm 2015, gia đình chị đã mạnh dạn chuyển đổi trồng 2 vụ lúa/năm sang trồng 1 vụ lúa, 2 vụ màu với diện tích là 5 sào ruộng, tập trung trồng cây cà chua quả to cho thu hoạch đạt từ 2,5-3 tấn/sào. Với mô hình kinh tế như trên, trừ các khoản chi phí, tổng thu nhập của gia đình đạt 200-250 triệu đồng/năm. Từ hiệu quả của chính gia đình mình, chị Ngát đã tuyên truyền, vận động chị em trong chi hội cùng tham gia phát triển kinh tế, nhất là trồng cây vụ đông trên đất 2 lúa. Gia đình chị đã tổ chức chuyển giao, hướng dẫn tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng các loại cây màu cho trên 100 hộ nông dân trong xã. Đã có 40-50 hộ thường xuyên trồng cây vụ đông trên đất 2 lúa. Vụ xuân năm 2016, có 4 hộ trong thôn đã mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng màu với diện tích hơn 2 mẫu (cho thu nhập từ 3-5 triệu đồng/sào). Trong vụ đông 2017, riêng gia đình chị Ngát trồng 1,5 mẫu cà chua nhót và dưa bao tử. Đến nay, chi hội Phụ nữ số 1 là một trong những chi hội có diện tích trồng cây vụ đông cao trong toàn xã. Đặc biệt, để tìm đầu mối tiêu thụ sản phẩm ổn định, giúp chị em yên tâm sản xuất, gia đình chị Ngát đã đứng ra ký hợp đồng với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, mỗi năm tiêu thụ từ 200-250 tấn sản phẩm. Bên cạnh đó, chị chủ động đầu tư các loại giống, vật tư, phân bón phục vụ cho các gia đình chị em có nhu cầu. Với thu nhập ổn định đã giúp gia đình chị mua sắm được các trang thiết bị phục vụ cuộc sống và tạo điều kiện tốt nhất cho các con, đến nay các cháu đã thành đạt và có việc làm ổn định. Chị Ngát còn là hội viên tích cực tham gia các phong trào thi đua của Hội, của địa phương, gương mẫu đi đầu trong các phong trào và vận động chị em trong chi hội tích cực tham gia thực hiện, nhất là phong trào xây dựng NTM. Hằng năm, chị thường xuyên giúp đỡ các gia đình hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, ủng hộ quỹ "Khuyến học khuyến tài", quỹ “Mái ấm tình thương”... trong thôn, xóm với số tiền từ 1,5-2 triệu đồng.
Bằng sự nỗ lực của bản thân và sự quan tâm hỗ trợ của Hội Phụ nữ xã, chị Phạm Thị Ngát đã trở thành hội viên tiêu biểu làm kinh tế giỏi, khẳng định vai trò của phụ nữ trong xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc, tiến bộ và đóng góp tích cực cho xã hội. Chia tay chúng tôi, chị mong muốn thời gian tới, các cấp Hội Phụ nữ tiếp tục tổ chức các hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, thúc đẩy các mô hình phát triển kinh tế để giúp đỡ hội viên phụ nữ, đặc biệt là hội viên phụ nữ nghèo vươn lên trong cuộc sống. Bên cạnh đó, chú trọng phát động thực hiện các phong trào thi đua tại các địa bàn có đông phụ nữ Công giáo để chị em được học tập, có điều kiện tiếp cận những kiến thức mới về mọi mặt của đời sống, đóng góp một phần nhỏ bé sức mình vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.
Bài và ảnh: Lam Hồng/baonamdinh.com.vn