Một xã có 340 hộ nuôi cá nước ngọt

Một xã có 340 hộ nuôi cá nước ngọt
Ông Trần Văn Mười, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) cho biết, hiện nay trên địa bàn xã Hòa Khương, nông dân nuôi cá nước ngọt rất phong phú, đa dạng, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn trồng lúa.
08-59-14_mo_hinh_nuoi_c_nuoc_ngot_cu_nong_dn_x_ho_khuong
Mô hình nuôi cá nước ngọt của nông dân xã Hòa Khương.

Xã Hòa Khương có khoảng 340 hộ nuôi cá với tổng diện tích mặt nước hơn 60ha. Nhờ có hệ thống kênh mương kiên cố từ hồ Đồng Nghệ cung cấp nguồn nước tự nhiên cho các cánh đồng nên rất thuận lợi trong việc nuôi cá.

Được biết, từ năm 2016, Hội Nông dân xã Hòa Khương cùng với Trung tâm Khuyến ngư nông lâm thành phố phối hợp xây dựng mô hình “Nuôi thủy sản nước ngọt theo hướng an toàn sinh học” cho một số hộ ở địa phương để từng bước giúp bà con tiếp cận kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, hạn chế tối đa dịch bệnh, giảm thiểu rủi ro, bảo vệ môi trường…

Ông Cao Văn Mễ, nông dân ở thôn Phú Sơn 2, người tham gia nuôi cá tại mô cho biết, các hộ tham gia được Trung tâm Khuyến ngư nông lâm hỗ trợ 100% con giống, 30% thức ăn, hỗ trợ men vi sinh, kiểm nghiệm phân tích môi trường nước, mẫu cá, mẫu thức ăn. Việc ứng dụng chế phẩm sinh học trong nuôi cá nước ngọt rút ngắn thời gian nuôi, tăng kích cỡ thương phẩm, hạn chế dịch bệnh, giảm chi phí nuôi, nâng cao giá trị sản phẩm và đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Mô hình nuôi cá nước ngọt ở Hòa Khương đa phần chuyển từ nuôi cá trê sang các loại cá trắng để đảm bảo môi trường, đồng thời nhân rộng mô hình theo hướng an toàn sinh học, bền vững. Nghề nuôi cá nước ngọt đã khẳng định được hiệu quả kinh tế, các cấp chính quyền cần hỗ trợ việc “dồn điền, đổi thửa”, quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản để người dân yên tâm sản xuất.

Theo ĐĂNG BÌNH/nongnghiep.vn