Mùa xuân mới của những người trồng cây ăn trái Sơn La

Mùa xuân mới của những người trồng cây ăn trái Sơn La
Sẽ không còn loay hoay tìm đầu ra cho nông sản, được làm giàu bằng chính đôi bàn tay trên mảnh đất quê hương mình… Đó là bức tranh rất gần mà người trồng quả ở Sơn La có quyền kỳ vọng khi bắt tay liên kết cùng doanh nghiệp, tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm công nghệ cao.
 

Dù mới thử nghiệm nhưng vườn chanh leo rộng một ha của anh Tráng A Cao đã mang lại doanh thu hơn 100 triệu đồng/năm.
 

Loay hoay tìm lối thoát cho nông sản

Trên dải đất rộng chừng một héc-ta, Tráng A Cao, anh chàng bí thư trẻ của bản Hua Tạt, xã Vân Hồ (Vân Hồ, Sơn La) hồ hởi thu hái mẻ chanh leo cuối cùng trước khi nghỉ Tết Nguyên đán. Dù mới trồng thử nghiệm và cho “bói quả” song theo nhẩm tính của Tráng A Cao, vụ mùa năm nay, gia đình anh đã thu về hơn 100 triệu đồng. Con số này gấp ba đến năm lần so với việc trồng các loại cây phổ biến trước đây như ngô, lúa.

“Trước đây, thu nhập của mỗi người dân trong bản chỉ đạt mức trung bình là 700-800 nghìn đồng/tháng, tức chưa tới 10 triệu đồng/năm. Mỗi năm hai vụ mùa nên hầu hết thời gian rảnh rỗi còn lại trong năm bà con thường chỉ ngồi chơi, dễ nảy sinh tệ nạn xã hội”, Tráng A Cao chia sẻ.

Mặc dù có thể nhìn thấy rõ hiệu quả kinh tế khi trồng cây ăn trái, nhưng không phải người dân nào cũng mạnh dạn chuyển đổi. Theo thống kê tại bản Hua Tạt, hiện còn khoảng 40-50 ha đất trồng trọt vẫn đang bị bỏ trống. Tráng A Cao từng đi vận động nhiều hộ dân cùng tham gia để thành lập các tổ, nhóm sản xuất hoặc làm việc theo mô hình hợp tác xã trồng cây ăn trái, nhưng kết quả chỉ nhận được nhiều cái lắc đầu.

“Câu đầu tiên mà bà con thường trả lời là “trồng ra thì bán cho ai”. Bà con không sợ vất vả, không ngại học những kỹ thuật mới mà chỉ lo lắng nhất “đầu ra” cho sản phẩm”, Bí thư bản Hua Tạt thở dài.

Còn tại bản Suối Quanh, xã Chiềng Xuân (Vân Hồ, Sơn La), nhiều người dân đã tham gia vào mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới và đang dần phủ xanh vùng đồi núi trọc bằng những vườn cây ăn trái. HTX Tiến Thành có 10 thành viên và đạt khoảng 80 tấn quả trong năm 2017. Nhờ canh tác theo tiêu chuẩn VietGap nên các loại cam, xoài, nhãn đều bán được giá, mang lại nguồn thu từ 200-300 triệu đồng/năm cho mỗi xã viên.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Tiến, Chủ tịch HĐQT HTX Tiến Thành vẫn băn khoăn: “Với diện tích cây trồng đang được mở rộng, tính tới năm 2020, sản lượng của hợp tác xã có thể lên tới 500 tấn quả/năm. Lúc đó chúng tôi không biết sẽ bán cho ai? Thương lái liệu có lợi dụng chuyện được mùa mà ép giá hay không?”.

Vừa vui mừng, ông Nguyễn Văn Tiến vừa lo lắng đầu ra khi diện tích cây trồng đang được mở rộng và nâng cao năng suất.

Giấc mơ làm giàu từ cây ăn trái

Câu chuyện của ông Nguyễn Văn Tiến hay Tráng A Cao cũng là thực tế của những người nông dân trên mảnh đất từng là “thủ phủ” trồng cây thuốc phiện. Ông Nguyễn Thế Phương, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Sơn La cho hay, việc các hộ gia đình đang tự sản xuất, không theo nhu cầu của thị trường luôn là bài toán khó, đặc biệt trong việc ổn định đầu ra.

Chính vì vậy, sự kiện Nhà máy chế biến quả và đồ uống nước hoa quả công nghệ cao Sơn La, do Tập đoàn TH đầu tư chính thức khởi công ngày 25-1 vừa qua là một tín hiệu vui mừng đối với mảnh đất còn nhiều khó khăn, thách thức.

Với tổng mức đầu tư của dự án lên tới 1.200 tỷ đồng, ngay ở giai đoạn 1, Nhà máy có thể chế biến với công suất 100 tấn quả/ngày, tương đương 30 nghìn tấn/năm. Đây là Nhà máy chế biến hoa quả có quy mô lớn nhất Việt Nam tới thời điểm hiện tại và được thực hiện trên dây chuyền công nghệ hàng đầu thế giới đến từ Đức, Italy.

Dự kiến, dự án sẽ tạo công ăn việc làm cho gần 200 lao động làm việc trực tiếp tại nhà máy và hàng nghìn lao động gián tiếp trên địa bàn tỉnh Sơn La - những người nông dân sẽ tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm thông qua các mô hình hợp tác xã. Ở đó, doanh nghiệp sẽ đóng vai trò dẫn dắt, đưa ra kế hoạch sản xuất, quy chuẩn kỹ thuật và chất lượng sản phẩm. Được biết, ở giai đoạn đầu dự án, Tập đoàn TH cho biết sẽ tập trung chế biến nước ép, nước cô đặc từ cam, nhãn, xoài, chanh leo và sơn tra (táo mèo). Đây là những loại quả thế mạnh trên địa bàn và phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của thị trường.

“Khi có nhà máy, người dân sẽ có định hướng rõ ràng hơn, bà con không phải lo lắng nhiều tới đầu ra mà có thể yên tâm sản xuất, bảo đảm chất lượng sản phẩm”, ông Nguyễn Thế Phương nhận định về cơ hội mới mà người nông dân Sơn La có thể “đón gió”.

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cũng khẳng định, dự án của Tập đoàn TH được kỳ vọng là một “cú hích” để tỉnh Sơn La khai thác tốt hơn tiềm năng kinh tế trên địa bàn. Được biết, tỉnh Sơn La đã có chủ trương quy hoạch lại cây ăn quả với mục tiêu đạt 100 nghìn ha vào năm 2020. “Chúng tôi sẽ củng cố các hợp tác xã đã hình thành và nhân rộng mô hình này để liên kết giữa các hộ trồng cây với nhà máy, tạo lực phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội người dân”, ông Nguyễn Quốc Khánh chia sẻ.
Theo Anh Thư/Báo Nhân Dân.vn