Nắm “bí quyết” trồng rau màu, lão nông thu gần 100 triệu đồng/năm

Nắm “bí quyết” trồng rau màu, lão nông thu gần 100 triệu đồng/năm
Từ ruộng vào nhà với túi bí rợ mới thu hoạch trên vai, ông Chạy cho biết: “Đang vô vụ thu hoạch bí rợ nên phải thu hoạch từ 1 giờ sáng đến trưa mà vẫn chưa xong việc. Vụ này tôi trồng bí rợ, bí đao, khổ qua, loại nào cũng trúng mùa và bán được giá cao nên phấn khởi lắm”.

Nằm lọt thỏm giữa cánh đồng lúa xanh rì là mảnh ruộng 5.000 m2  của ông Chạy với đủ loại rau màu, không còn một chỗ trống nào. Dưới ruộng là 500 dây dưa hấu và 300 dây bí rợ, trên bờ liếp quanh ruộng ông trồng khổ qua, bầu và bí đao, bí rợ. Nhìn ruộng màu xanh tốt, có lẽ ai cũng hiểu đó là thành quả lao động cần mẫn của đôi vợ chồng quyết chí thoát nghèo bằng chính sức lao động của mình.

Từ 5.000 m2 đất ruộng cho lợi nhuận thấp, ông Nguyễn Văn Chạy (xã Tân An, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang) đã mạnh dạn chuyển sang trồng rau màu các loại, dù vấp phải sự ngăn cản của nhiều người. Nhờ đó, mỗi năm ông Chạy thu về gần 100 triệu đồng.
Từ 5.000 m2  đất ruộng cho lợi nhuận thấp, ông Nguyễn Văn Chạy (xã Tân An, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang) đã mạnh dạn chuyển sang trồng rau màu các loại, dù vấp phải sự ngăn cản của nhiều người. Nhờ đó, mỗi năm ông Chạy thu về gần 100 triệu đồng. Trong ảnh: Ông Chạy (bên trái) đang giới thiệu mô hình trồng màu theo hướng an toàn tại ruộng của gia đình.

20 năm trước, gia đình ông Chạy thuộc diện hộ nghèo trong xã. Với ý chí thoát nghèo, vợ chồng ông chuyển đổi hơn 1.000 m2  đất lúa sang trồng rau màu. Thấy vợ chồng ông siêng năng, bà con gần nhà cho mượn đất bờ mẫu để trồng dưa hấu. Những lần chở dưa hấu sang An Giang bán, ông Chạy “học lỏm” được kỹ thuật trồng màu của bà con nơi đây, rồi về áp dụng trên đồng đất nhà mình. Chăm chỉ làm lụng lại biết tiết kiệm nên mấy năm sau ông mua thêm được đất ruộng, tiếp tục trồng màu.

Nhiều năm trồng màu đã cho ông Chạy không ít kinh nghiệm trong sản xuất. Theo ông, trồng màu sợ nhất bệnh chết nhanh, thán thư, nhưng biết cách vẫn trị được như thường. Không lên liếp mặt ruộng để trồng màu vào mùa nước nổi, bí quyết của ông là để ruộng ngập nước đón phù sa, vừa diệt sâu bệnh còn tồn dư trong đất, mặt khác giúp đất có thời gian phục hồi độ phì nhiêu để vụ sau trồng sẽ ít sâu bệnh và đỡ tốn phân bón.

Theo ông Chạy, trồng màu quan trọng nhất khâu chuẩn bị đất, phải xới, bón lót vôi, nấm trichodecma để diệt mầm bệnh trong đất, khi sử dụng thuốc trị sâu bệnh ưu tiên sử dụng các chế phẩm sinh học nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Ngoài ra, để bầu, bí, dưa các loại có trái sai và thu hoạch liên tục, ngoài sử dụng các phân bón vi sinh hữu cơ, ông còn bắt ốc bươu vàng ở ruộng xung quanh bỏ vào gốc cây làm nguồn phân cho cây.

Thấy mọi người ngạc nhiên vì bí rợ, bí đao leo giàn chứ không để bò lan trên mặt đất như cách trồng truyền thống, ông Chạy nói: “Trồng bí leo giàn ưu điểm là tiết kiệm được đất và năng suất tăng gấp đôi trên cùng diện tích. Quan trọng là chọn hướng giàn để cây dưa nhận được ánh nắng nhiều nhất, tăng hiệu suất quang hợp. Bên cạnh đó, khi leo giàn, bộ lá và trái bí không chạm đất, lúc gặp mưa lá ít bị tổn thương, ráo nước nhanh, hạn chế nhiều nguồn lây bệnh từ trong đất. Ngoài ra, việc phun thuốc bảo vệ thực vật sẽ ít hao hụt và dây bí hấp thụ thuốc tốt hơn”.

Mỗi năm ông Chạy trồng 4 vụ màu, hết vụ củ cải trắng, dưa leo, dưa hấu, ông chuyển sang trồng hành, cà chua, bắp. Quần quật với liếp dưa, giàn bí khi trời còn chưa sáng đến tối mịt, vậy mà hễ ngơi tay ông Chạy lại thu gom bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật rồi để vào nơi tập trung chờ tiêu hủy.

Theo Ngọc Quyên/Báo TTV.vn