Năm gà kể chuyện Tỷ phú vịt trời

Năm gà kể chuyện Tỷ phú vịt trời
Nhận thấy vịt trời là loài vật bổ dưỡng và có giá trị kinh tế cao, đặc biệt nhu cầu thị trường rất lớn, với ước muốn làm giàu bằng chính sức lao động của mình, ông Phạm Tuấn Hoàng (51 tuổi) ngụ xã Long Hưng, Biên Hòa, Đồng Nai đã mạnh dạn đầu tư nuôi vịt trời đem lại nguồn thu nhập nửa tỷ đồng/tháng, nơi đây bà con gọi ông là "tỷ phú vịt trời".

IMG_20161129_151641
 

Bỏ Sài Gòn về quê chăn... vịt

Để có đủ nguồn hàng cung ứng cho các nhà hàng và bán cho thương lái ổn định với số lượng hàng ngàn con như hiện nay, ông Hoàng đã bỏ công nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi trong thời gian khá dài, ông cho biết: "Tôi phải bỏ ra thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu về đặc tính sinh trưởng của loài này. Sau đó, mới quyết định nuôi và cuối cùng mới cho kết quả thuận lợi”.

Theo ông Hoàng, vịt trời là một loài thích sống ở bưng biền hoặc những cánh đồng hoang vắng, nơi có nhiều lung, bàu, đầm lầy, nhất là các khu yên tĩnh ít có bóng người lui tới. Vịt trời biết bay, bơi lội và lặn rất tài tình. Với đặc tính đó nơi ở phải thoáng, có bóng mát, giữa có hồ nước, xung quanh trồng nhiều cỏ dại như sậy, lục bình để tạo môi trường hoang dã.

Kể chúng tôi nghe vì sao lại chọn vịt trời, ông không ngần ngại kể ông vốn là dân kinh doanh hàng điện tử, do thường xuyên sang Trung Quốc mua hàng về bán nên nhìn thấy nông dân Trung Quốc nuôi loài lông vũ hoang dã phổ biến như nuôi loài gia cầm, thủy cầm nhà. Sẵn máu đam mê thuần dưỡng gà rừng, chim rừng, ông Hoàng tiếp cận tìm hiểu kỹ thuật cũng như pháp luật Trung Quốc cho phép nông dân họ nuôi động vật hoang dã. Điều ông khoái nhất vẫn là quan điểm nuôi động vật hoang dã của nông dân Trung Quốc đưa ra: “Càng nằm trong sách đỏ, họ càng phải nuôi dưỡng để duy trì nguồn gen, tăng nhanh số lượng giống loài để khỏi bị tuyệt chủng". Trên quan điểm đó, dân Trung Quốc nuôi loài lông vũ hoang dã nhiều đến mức như dân Việt Nam nuôi gà, vịt trong nhà.

Thấy hay thì ông Hoàng bắt chước, năm 2010, ông giao công việc kinh doanh hàng điện tử cho vợ và tìm đường về cố hương để thuần dưỡng loài chim trĩ đỏ, gà rừng, vịt trời. Đến năm 2013, ông lên mạng internet đọc được bài báo viết về mô hình nuôi vịt trời ở tỉnh Bắc Giang và bắt đầu theo nghề “lạ” từ đó.

Năn nỉ mãi mới được vợ đồng ý cho về lại quê gầy dựng đàn vịt trời, ông Hoàng liên doanh với Hợp tác xã (HTX) Thương mại - Dịch vụ Long Biên (TP.Biên Hòa) cùng khai thác du lịch tại cù lao Ba Xê. Tại đây, HTX cho phép ông sử dụng 3 ha diện tích mặt nước và đất để nuôi vịt trời. Ông Hoàng đã lặn lội ra tận Bắc Giang mua 400 con vịt trời giống với giá 400.000 đồng/con và 50.000/quả trứng. Sau chục ngày nuôi nhốt, ông thử mở cửa chuồng cho đàn vịt trời ra ao. Bất ngờ, đàn vịt tung cánh bay vút lên trời cao, ông tiếc rẻ ngước cổ nhìn theo vì tưởng tiêu tùng bầy vịt. Một lúc sau, đàn vịt trời mới rủ nhau lao xuống hồ nước, tung tăng ngụp lặn. Chiều xuống, chúng mới lúp ló leo lên bờ nghỉ ngơi, tìm thức ăn. Lúc này, ông Hoàng thấm ra một điều, đàn vịt trời vẫn còn hoang dã, cần thời gian thuần dưỡng thêm và phải cư xử nhẹ nhàng, tránh làm chúng bị hoảng loạn, sợ hãi.

Thêm mấy ngày nữa theo dõi, ông Hoàng thấy đàn vịt trời vẫn giữ quy luật cũ. Từ đó, ông Hoàng mới an tâm là đàn vịt trời đã xem cái ao đó là nhà. Tuy vậy, mỗi lần ra cho vịt ăn, ông Hoàng chỉ dám đi rón rén, bỏ thức ăn đúng chỗ cũ chúng thường tập trung lại ăn. Ông Hoàng nói: “Vịt trời cảnh giác bị săn bẫy rất cao độ. Chúng chỉ ăn loại thức ăn và tại một chỗ quen thuộc mà mình đã tập từ lúc nhỏ. Ngay cả nơi cho chúng ăn, nếu mình để một vật lạ hoặc dời chỗ khác chúng cũng sợ không dám tới”.

Nuôi giống vịt hoang dã nên ông cũng có cách chăm sóc rất đặc biệt. Hàng ngày, ông để đàn vịt tự bay tìm nguồn thức ăn. Theo ông, thức ăn khoái khẩu của vịt trời là lục bình nên rất dễ tìm. Ông cho biết, nếu thiếu lục bình, ông sẽ bổ sung lúa, hến chứ nhất quyết không áp dụng thức ăn công nghiệp, vì không muốn đàn vịt mất đi tính hoang dã.

Thu tiền tỷ

 

Nói là trang trại, nhưng thực chất, toàn bộ đàn vịt hơn hàng chục ngàn con này đều được chăn thả hoàn toàn trong môi trường tự nhiên. Theo chủ trại, toàn bộ 3 ha đất ở cù lao Ba Xê (phường Long Bình Tân, Biên Hòa) và 5 ha đất ở cù lao Long Hưng này đều được giữ nguyên vẹn từ những đầm nước, cây cối um tùm và kể cả những bãi sình lầy như trước khi được ông thuê lại.

Thức ăn của đàn vịt chủ yếu là thóc ngâm, hến, lục bình và những sinh vật do vịt trời tự đi kiếm ăn, hạn chế cho ăn cám công nghiệp. Hiện tại, mỗi tháng ông Hoàng bán hơn 3.000 con vịt thương phẩm, gần 8.000 con vịt giống, giá thành mỗi con vịt thương phẩm nặng 1,2 kg nuôi trong vòng 2 tháng chỉ tốn khoảng 60 ngàn đồng. Với giá bán bình quân 180 ngàn đồng/kg, mỗi tháng chủ trại thu lãi trên 700 triệu đồng từ đàn vịt trời.

Ông Hoàng cho biết: “Nuôi vịt trời công nghiệp rất tốn kém về chi phi chuồng trại mà vẫn không phù hợp với môi trường hoang dã của vịt thiên nhiên. Nuôi hoang dã không tốn phí về chuồng trại và rất phù hợp với môi trường thiên nhiên, chính vì vậy vịt rất khỏe. Khách hàng của ông đều là những “mối ruột” đến từ các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam bộ và số lượng vịt họ đặt mua từng tháng khá ổn định. Nhận thấy con vịt trời đang cho siêu lợi nhuận, chi phí đầu tư chuồng trại không lớn, đầu ra lại thuận lợi... nên có rất nhiều nông dân đã đầu tư nuôi.

Chia sẻ kinh nghiệm nuôi vịt, ông cho biết, vịt con nở bóc trứng thì phải chuẩn bị chuồng trại kín gió có độ ấm từ 36-37 độ. “Không cho vịt tắm sớm, sau 12 ngày mới cho tắm mỗi ngày. Sau 15 ngày thì cho vịt xuống nước tự uống nước và cho ăn. Ngày đầu tiên nở ra cho vịt ăn cám gà vì họng vịt nhỏ, sau 1 tuần thì cho ăn cám vịt con. Từ 1 tuần đến 20 ngày tuổi thì ngâm lúa 2 ngày và cho ăn lúa, lục bình và hến đổ xuống ao” - ông nói thêm, vịt trời có bản năng định cư nên người nuôi không phải lo sợ. "Lúc chúng mới nở, mình đưa về đầm thả thì chúng sẽ sống và gắn bó với nơi đó đến hết cuộc đời. Nếu có sự đe dọa, chúng sẽ bay đi nơi khác tạm lánh một thời gian rồi sẽ quay về. Do vậy, tôi để đàn vịt tự do bơi lội, tự do bay mà không sợ mất”.

Ông Hoàng cho biết vịt trời đẻ liên tục mỗi ngày một trứng. Để bảo vệ nguồn trứng đẻ ra không bị thất thoát, ông Hoàng thử nghiệm làm một dãy tổ nhân tạo gần nơi cho vịt ăn. Thấy ổ sạch, đàn vịt trời cứ vậy vào đẻ, lâu ngày thành quen không đẻ bờ bụi nữa.

Với cái tâm giúp người dân cùng cải thiện kinh tế, ông Hoàng đã không ngần ngại chỉ dẫn cách nuôi và cung cấp con giống miễn phí cho hàng trăm hộ dân từ Bình Định trở vào, chưa kể là tạo đầu ra cho các bà con nếu chưa có nơi bán. Tại đâu ông cũng khuyến cáo bà con nên nuôi vịt thành phẩm đến trên 3 tháng để thịt ngon, chắc thịt hơn.

Ông Hoàng lưu ý. “Vịt trời có sức đề kháng cao, ít dịch bệnh, không phải can thiệp các biện pháp phòng ngừa dịch. Chi phí thức ăn ít, chi phí chuồng trại không cần thiết nên nông dân rất dễ làm. Cách làm của tôi hoàn toàn trái ngược với những trang trại chăn nuôi vịt trời thường bỏ một lượng vốn lớn để xây dựng chuồng, trại. Tôi chỉ đem về thả rông trên đầm và chờ chúng sinh đàn, đẻ đống”.
Theo Cao Tuấn/nguoitieudung.com.vn