Nâng cao chất lượng hồ tiêu Việt Nam
- Thứ sáu - 22/09/2017 18:40
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Sản lượng lớn nhưng giá trị thấp
Trong nhiều năm liền Việt Nam là quốc gia dẫn đầu thế giới về xuất khẩu hồ tiêu. Sản phẩm hồ tiêu của nước ta đã có mặt ở hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, với các thị trường lớn và ổn định là: Mỹ, Xin-ga-po, Ấn Ðộ, Ðức… Theo thống kê của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), hồ tiêu Việt Nam có năng suất cao gấp 2,9 lần so với In-đô-nê-xi-a; cao gấp 8,2 lần so với Ấn Ðộ. Tuy nhiên, hồ tiêu nước ta khi xuất khẩu luôn phải bán với giá thấp. Cụ thể, trong những tháng cuối năm 2016 đầu năm 2017, giá tiêu đen (Malabar) Ấn Ðộ chào bán 9.000 USD/tấn thì tiêu đen của Việt Nam chỉ được chào giá với mức 5.000 USD/tấn. Ðến tháng 7, giá tiêu Malabar của Ấn Ðộ giảm xuống mức giá trung bình 7.706 USD/tấn, tiêu đen của Việt Nam tụt xuống ở mức 4.256 USD/tấn. Tương tự, so với tiêu đen của In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a..., giá tiêu Việt Nam cũng thấp hơn rất nhiều. Với giá bán này, sản phẩm hồ tiêu của các quốc gia khó có thể cạnh tranh với hồ tiêu của Việt Nam. Với sản lượng lớn, giá bán thấp, ngành hồ tiêu nước ta sẽ chiếm lĩnh thị trường. Tuy nhiên, chúng ta không thể tự hào khi lấy những lợi thế đó làm đòn bẩy để cạnh tranh với sản phẩm của các nước, khi giá trị hồ tiêu nước mình thấp hơn những nước khác nhiều lần.
Hiện nay, sản lượng hồ tiêu của các nước như Cam-pu-chia, In-đô-nê-xi-a, chỉ bằng một phần ba so với Việt Nam, nhưng chất lượng lại vượt trội. Các quốc gia nêu trên đang sản xuất hồ tiêu theo xu hướng hữu cơ bền vững, chứ không nôn nóng đòi hỏi phải có hiệu quả ngay, lợi nhuận tức thì như cách thức canh tác của nhiều nông dân Việt Nam. Bên cạnh việc ý thức làm ra sản phẩm chất lượng, ngành hồ tiêu các nước còn rất chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu. Ðơn cử như thương hiệu hồ tiêu Kampot ở Cam-pu-chia, tuy mới phát triển mạnh mẽ trong khoảng 10 năm trở lại đây, nhưng người tiêu dùng thế giới dễ dàng nhận biết thương hiệu của họ. Trong khi đó, hồ tiêu Việt Nam chủ yếu xuất khẩu dưới thương hiệu của đơn vị trung gian.
Chất lượng hồ tiêu Việt Nam là vấn đề được nhắc đến nhiều trong những năm gần đây. Tháng 1-2017, trong thư gửi Bộ NN và PTNT và Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), Hiệp hội Gia vị châu Âu (ESA) cho biết, trong năm 2016, tổ chức này đã lấy mẫu và phân tích 799 mẫu hạt tiêu đen nhập vào Liên hiệp châu Âu (EU) thì chỉ có 17% số mẫu có mức dư lượng tối đa cho phép dưới 0.05 ppm. Ðáng nói, đây là một trong những thị trường xuất khẩu chính của hồ tiêu Việt Nam, tiêu thụ gần 40 nghìn tấn, chiếm 23% tổng lượng xuất khẩu hồ tiêu hằng năm. Hơn 90% sản phẩm của ngành hồ tiêu nước ta phục vụ cho việc xuất khẩu, việc bị các nhà nhập khẩu cảnh báo là lời cảnh tỉnh cần thiết đòi hỏi ngành hồ tiêu trong nước phải thay đổi chất lượng.
Phó Cục trưởng Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Trần Văn Công cho rằng: Bên cạnh vấn đề về chất lượng, ngành công nghiệp chế biến hồ tiêu nước ta còn nhiều hạn chế. Hiện nay thị trường thế giới đang ưa chuộng tiêu trắng (giá tiêu trắng cao hơn tiêu đen rất nhiều), thì tỷ trọng tiêu trắng của nước ta chiếm sản lượng không đáng kể. Trong khi đó, tiêu đen lại chiếm tới 90% lượng xuất khẩu. So sánh với In-đô-nê-xi-a, tỷ trọng tiêu trắng của quốc gia này chiếm tới 80% lượng xuất khẩu. Ngành công nghiệp chế biến tiêu của họ hiện nay rất phát triển với các sản phẩm tiêu cao cấp đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Ðiều chỉnh quy hoạch và phương thức sản xuất
Hằng năm, ngành hồ tiêu nước ta xuất khẩu một lượng tiêu chất lượng cao sang các thị trường khó tính, với giá cao. Tuy nhiên, nguyên liệu làm nên những sản phẩm này chủ yếu phải nhập từ các quốc gia như Cam-pu-chia, In-đô-nê-xi-a. Chúng ta buộc phải nhập hồ tiêu từ nước ngoài vì hồ tiêu của các quốc gia nêu trên được sản xuất theo hướng hữu cơ, không có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Còn tại Việt Nam, người trồng tiêu ồ ạt chạy theo số lượng, ồ ạt mở rộng diện tích, trong khi không ý thức được việc nâng cao chất lượng, nâng cao giá trị trong mỗi sản phẩm mình. Việc mở rộng diện tích vượt quá quy hoạch, chạy theo sản lượng đã khiến người trồng tiêu phải trả giá đắt. Liên tiếp từ cuối năm 2016 đến nay, giá hồ tiêu xuống dốc không phanh. Nhiều thời điểm giá hồ tiêu giảm xuống dưới 80 nghìn đồng/kg (giảm gần 50% so với năm 2016). Với mức giá chạm đáy trong vòng 5 năm trở lại đây, trên thực tế người trồng tiêu vẫn có lãi, tuy nhiên, chúng ta không thể đợi đến lúc không còn lợi nhuận mới thay đổi cách thức trồng tiêu. Trong bối cảnh giá hồ tiêu tụt dốc chưa xác định được điểm dừng thì việc nâng cao chất lượng là vấn đề sống còn.
Ông Nguyễn Bá Thịnh, ở ấp 4, xã Lộc An, huyện Lộc Ninh (Bình Phước), người vinh dự được Hiệp hội Hồ tiêu thế giới (IPC) bình chọn là một trong những người trồng tiêu giỏi nhất thế giới cho rằng: Nông dân là người trực tiếp làm ra sản phẩm, quyết định chất lượng của sản phẩm. Sau nhiều bài học mất giá, đã đến lúc người trồng tiêu phải thay đổi nhận thức và làm ra những sản phẩm chất lượng. Tuy nhiên, chỉ có một vài hộ trồng tiêu theo hướng hữu cơ, chất lượng cao chẳng khác nào "muối bỏ bể", không thể làm thay đổi được cả ngành hồ tiêu trong nước. Do vậy, người nông dân phải đoàn kết, cùng làm ra những sản phẩm chất lượng mang thương hiệu Việt Nam, để khi nhắc đến hồ tiêu Việt Nam người tiêu dùng thế giới liên tưởng ngay đến những sản phẩm chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, từ đó, giá trị xuất khẩu sẽ tự nâng lên.
Tiến sĩ Trương Hồng, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên cho rằng, với diện tích hồ tiêu vượt quy hoạch gấp đôi như hiện nay, trước mắt, các địa phương cần khẩn trương rà soát lại diện tích tiêu trên từng địa bàn, chỉ sản xuất hồ tiêu theo quy hoạch, khẩn trương điều chỉnh những bất cập; phổ biến rộng rãi cách thức sử dụng hóa chất đúng và các loại hóa chất không nằm trong danh mục được phép sử dụng đến từng hộ trồng tiêu; người trồng tiêu và các đơn vị liên quan tránh lạm dụng hóa chất trong khâu chăm sóc cũng như bảo quản; hoàn thiện và đẩy mạnh quy trình canh tác hồ tiêu theo mô hình thực hành nông nghiệp tốt (GAP), hỗ trợ ngành sản xuất hồ tiêu đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế; khuyến cáo nông dân không mở rộng thêm diện tích, mà tập trung chăm sóc, thâm canh diện tích hiện có, hạn chế sâu bệnh để nâng cao năng suất, chất lượng; các địa phương cần tạo cơ chế thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, xây dựng nhà máy chế biến để bảo đảm đầu ra ổn định cho cây hồ tiêu...
Theo Chí Vinh/Báo Nhân Dân.vn