Nâng cao giá trị ngành phụ phẩm tôm Việt Nam

Hằng năm, hơn 320 nghìn tấn phụ phẩm tôm chưa được các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp quan tâm đầu tư, ứng dụng khoa học - công nghệ cao vào sản xuất ra những sản phẩm giá trị gia tăng cao.
Nông dân Cà Mau thu hoạch tôm sú.

Trên đây là nhận định tại hội thảo quốc tế: Công nghệ và giải pháp nâng cao giá trị ngành phụ phẩm tôm Việt Nam do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức vào chiều 3-10, tại TP Cần Thơ.

Hàng năm, sản lượng tôm cả nước đạt hơn 650 nghìn tấn, trong đó lượng phụ phẩm tôm (chủ yếu đầu và vỏ) hơn 320 nghìn tấn nhưng chỉ được xem là phế thải mà chưa tận dụng nguồn phụ phẩm này để sản xuất ra những sản phẩm giá trị gia tăng cao như chitin, chitosan, protein thủy phân… ứng dụng vào thực phẩm chức năng, vật liệu sinh học, y tế, nông nghiệp. Nguyên nhân do các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp chưa quan tâm đầu tư, ứng dụng khoa học - công nghệ cao vào chế biến phụ phẩm tôm nhằm tăng giá trị sản phẩm.

Tại hội thảo, các nhà quản lý, nhà khoa học thông tin về công nghệ và giải pháp nâng cao giá trị ngành phụ phẩm tôm Việt Nam; chia sẻ về thị trường và chính sách hỗ trợ phát triển ngành phụ phẩm tôm Việt Nam; kinh nghiệm và chiến lược phát triển của doanh nghiệp trong và ngoài nước; ứng dụng của các chế phẩm chế biến từ phụ phẩm tôm vào cuộc sống…

Dịp này, Công ty Cổ phần Việt Nam Food công bố thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển phụ phẩm ngành tôm Việt Nam nhằm hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong việc tận dụng nguồn phụ phẩm dồi dào này.

Theo Thanh Tâm/nhandan.com.vn