Nâng chất tiêu chí môi trường nông thôn mới

Việc H. Hòa Vang (TP Đà Nẵng) được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015 chỉ sau 5 năm triển khai thực hiện đã có phần đóng góp không nhỏ của các cấp Hội Phụ nữ (PN) trên địa bàn. Chính những việc làm ngay tại gia đình của hơn 23 ngàn hội viên PN đã có sự tác động rất lớn đến người dân trong ý thức bảo vệ môi trường.

Hình ảnh những người PN ở các khu dân cư, thôn xóm cùng nhau quét dọn vệ sinh, khơi thông cống rãnh, dọn cỏ ven đường vào ngày Chủ nhật hằng tuần đã quá quen thuộc với người dân địa phương. Theo chị Đinh Thị Hương (thôn La Châu, xã Hòa Khương), công việc này đã trở thành thói quen của chị em. Tham gia dọn vệ sinh thôn xóm là việc làm thiết thực, vừa bảo vệ sức khỏe cho gia đình và cộng đồng, vừa giữ vệ sinh môi trường khu dân cư. "Trước đây, chúng tôi chỉ biết về tác hại của ô nhiễm môi trường một cách chung chung, nhưng từ khi tham gia các buổi truyền thông do Hội LHPN xã tổ chức, chúng tôi không những hiểu được vấn đề này mà còn biết cách thu gom rác thải, biết phân biệt thế nào là rác vô cơ, rác hữu cơ để xử lý hiệu quả", chị Hương chia sẻ.

Ở thôn Bồ Bản 2 (xã Hòa Phong), hằng ngày, nhiều chị ra chợ sớm. Khi đi, lúc nào các chị cũng mang theo chiếc làn nhựa để đựng các loại thức ăn, rau củ quả mua ở chợ thay cho túi nilon như trước đây. Chị Trần Thị Sa cho biết: "Tôi đã hạn chế sử dụng túi nilon từ nhiều năm nay. Không chỉ thực hiện mà tôi còn vận động người dân trong xóm bỏ dần thói quen sử dụng túi nilon và giữ gìn môi trường từ chính trong gia đình mình. Tôi nghĩ, mỗi việc làm như vậy, tuy nhỏ nhưng cũng góp phần bảo vệ môi trường".

Nang chat tieu chi moi truong nong thon moi - Anh 1

Phụ nữ xã Hòa Phong lao động "Ngày Chủ nhật xanh-sạch-đẹp".

Hưởng ứng "Năm Văn hóa, văn minh đô thị 2016" gắn với phong trào "Phụ nữ Đà Nẵng-cử chỉ đẹp sống văn minh", Hội LHPN H. Hòa Vang tiếp tục có nhiều sáng tạo trong các hoạt động của hội nhằm nâng chất tiêu chí môi trường xây dựng nông thôn mới, nổi bật là việc phát huy mô hình "3 không, 3 có" và nhân rộng mô hình "Mỗi hố rác một cây xanh". Điểm nhấn của các mô hình này là thực hiện các tiêu chí "3 không" là không để rác trước mặt tiền nhà, không phơi quần áo trước nhà, không đổ nước thải ra đường; "3 có" là có trồng cây xanh, có giỏ đi chợ, có theo dõi điện nước đối với hội viên vùng đồng bằng, trung du.

Còn với miền núi, vùng sâu vùng xa, các hội viên tiếp tục duy trì mô hình "Mỗi gia đình một hố rác hữu cơ" để trồng chuối ghép mô, vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa bảo vệ môi trường. Ngoài ra, các cấp Hội cơ sở còn phát động, cam kết thực hiện tốt các mô hình, như "3 xanh, 3 sạch" ở xã Hòa Liên; "Thùng rác văn minh" ở xã Hòa Phước; "Đi chợ cầm giỏ và phân loại rác thải tại nhà" ở xã Hòa Nhơn; "Thu gom rác tái chế hỗ trợ PN nghèo và xây dựng nhà tình thương cho PN nghèo" ở xã Hòa Ninh… Bên cạnh đó, các cấp Hội còn thành lập 75 chi hội thường xuyên ra quân "Ngày Chủ nhật xanh-sạch-đẹp".

Trong những năm qua, Hội LHPN H. Hòa Vang đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực bảo vệ môi trường sống, tích cực tham gia phong trào trồng cây, thường xuyên làm vệ sinh đường phố, thu gom rác thải trong các khu dân cư; hạn chế việc sử dụng túi nilon. Đặc biệt, Hội còn vận động các hộ gia đình hội viên trên các tuyến đường trồng hoa, cây kiểng trước nhà tạo cảnh quan… Mỗi kỳ sinh hoạt, các cấp Hội đều tổ chức lồng ghép tuyên truyền về vệ sinh môi trường gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư"; phong trào "Chung tay xây dựng nông thôn mới", bảo vệ môi trường sống xung quanh.

Giờ đây, có dịp về các vùng nông thôn, chúng tôi nhận thấy việc tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường của Hội PN các cấp đã chuyển biến tích cực. Hình ảnh đường làng, ngõ xóm sạch sẽ, thoáng mát ngày càng nhiều. Từ chỗ đổ rác thải tự do ở bờ ao, ven đường hay góc vườn gây ô nhiễm môi truờng, ô nhiễm nguồn nước..., đến nay, các thói quen đó đã dần ít đi, các chị em cũng như người thân trong gia đình đã dần hình thành thói quen không vứt rác bừa bãi, thực hiện đổ rác đúng nơi quy định theo đúng tiêu chí sạch nhà, sạch ngõ, sạch làng quê. Có được những đổi thay đó là nhờ sự vào cuộc tích cực của các cấp Hội, cũng như ý thức trách nhiệm của các hội viên PN, nhằm mang lại một môi trường sống thân thiện, sạch đẹp, an toàn trong tương lai.

An Dương
theo 
CAĐN