Ngắm vườn mít Thái, mỗi năm lão nông Bình Phước bỏ túi 1 tỷ đồng
- Chủ nhật - 09/04/2017 20:33
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chúng tôi đánh vật với con đường đất đỏ bazan để vào nhà lão nông Trần Minh Chánh (ấp 6, Lộc Hòa, Lộc Ninh, Bình Phước). Từ xa đã nghe giọng nói oang oang, tiếng cười sảng khoái của ông chào khách. Dưới tán cây mít Thái lá bàng đang cho trái trĩu quả, ông kê vội cái bàn tròn, vài đĩa mít, đĩa cua đồng rang bắt vội dưới ao đãi khách.
Từ “nghị quyết” trồng cao su đến quyết định trồng mít
Cây mít Thái của ông Trần Minh Chánh có thể cho tới hơn 100 trái. Ảnh: Trần Đáng
Mới đây trong chuyến thăm mô hình nông nghiệp tại Bình Phước, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn đã đánh giá rất cao mô hình trồng mít Thái lá bàng của ông Trần Minh Chánh. Đây là mô hình được canh tác theo hướng nông sản sạch đang được tỉnh Bình Phước khuyến khích nông dân đầu tư và đem lại hiệu quả kinh tế cao.
|
Còn nhớ, trước khi ghé vườn mít lão nông Trần Minh Chánh, anh Lê Khắc Phú – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lộc Ninh “bỏ nhỏ” vào tai tôi câu chuyện “chọn mít hay cao su” của vợ chồng ông Chánh, nghe khá buồn cười. Đại khái là bà Nguyễn Thị Huệ - vợ ông Chánh (đã nhận Huân chương Lao động hạng Ba) ra “nghị quyết” phải trồng cao su, ông Chánh đành miễn cưỡng chấp hành “nghị quyết” nhưng âm thầm xen canh cây mít Thái lá bàng vào.
Hôm gặp ông Chánh, tôi đem chuyện này ra hỏi, ông cười: “Nói nhỏ bỏ qua, chính làm liều mà bả chịu phép tui”. Rồi ông kể tiếp: “Năm ấy, mấy ông hội nông dân thấy tui muốn trồng mít nên “đốc” thêm bằng cách cho mượn vốn. Tui cảm ơn, nhưng âm thầm lấy tiền nhà mua giống mít về trồng xen canh cao su”. Cũng may, thời điểm ấy cao su tự dưng rớt giá, mít lại đang vào mùa thu hoạch. “Ngày nào bán mít bả cũng tủm tỉm đút tiền vào túi. Từ đó, chịu phép tui luôn, không nói chuyện cao su nữa” - ông cười ha hả.
Cái tính của lão nông Trần Minh Chánh là thế, đã làm thì quyết làm đến cùng. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, năm 1975, ông được ngành giáo dục điều động làm giáo viên bổ túc văn hóa cho vùng dân tộc thiểu số các huyện phía Bắc của tỉnh Sông Bé cũ. Bước chân phổ cập của ông cày nát xã Bù Nho (thời điểm này thuộc huyện Phước Long, tỉnh Sông Bé), qua tận các xã Đăk Nhau, Đồng Nai, Thống Nhất (Bù Đăng), Lộc Quang (Lộc Ninh), Thanh Hòa (Bù Đốp), Tà Lài (Đồng Nai)... “Ở đâu “bễ” chương trình bổ túc thì có tui” - ông quả quyết.
Rời ngành giáo dục, ông bước hẳn vào nghề nông với 1ha đất vừa được cấp vừa dốc tiền túi mua. Cuối năm 1999, ông mua lại hơn 21ha cà phê, xà cừ với giá 5,5 triệu đồng/ha rồi trồng tiêu, bắp, lúa, nuôi cá, dê... với phương châm lấy cây này nuôi cây kia. “Trồng cây tiêu không phải dễ ăn. Bao lần phải bứt từng dây tiêu trồng lại mà xót” - ông bùi ngùi.
Chẳng ai dám chắc rằng, cây mít là cây cuối cùng trong sự chọn lựa của ông sau bao năm lẩn quẩn với mớ bòng bong canh tác cây, con. Thế nhưng, ngồi “trà dư, tửu hậu” mới thấy ông sống chết với cây mít là có lý. Hiện ông đang trồng hơn 10ha mít Thái lá bàng. Ông cho biết, đây là loại cây phát triển nhanh, rất sai trái và có trái quanh năm. Cây trưởng thành nếu đầu tư chăm sóc đúng kỹ thuật có thể cho 1 tấn trái/cây. “Đây là mức lý tưởng nhưng thực chất tại vườn cây tốt nhất của tôi cũng chỉ đạt 500kg/cây” - ông cho biết.
Thêm nữa, lão nông này tính, một năm mỗi cây chỉ đầu tư phân bón, công cán khoảng 30.000 đồng. Năm ngoái, sau khi trừ chi phí, ông lời hơn 1 tỷ đồng từ vườn mít. “Cây mít cho lời nhiều lắm mà không đầu tư tốn kém bao nhiêu” -ông thổ lộ.
Dù mít ít sâu bệnh nhưng ông cho rằng không nên chủ quan, mít càng ngọt càng dẫn dụ nhiều loại sâu hại, phải theo dõi từng cây xem sâu đẻ trứng chỗ nào rồi dùng thuốc sinh học xịt ngay, không để chúng phát triển. Khi xịt phải trộn thêm thuốc bám dính để hạn chế sự di chuyển của sâu bệnh.
Câu chuyện “chọn mít hay cao su” thi thoảng lại chen ngang cuộc trò chuyện của chúng tôi. Ông bảo, 10 năm trước khi chọn cây mít không phải giản đơn. Vợ con phản đối kịch liệt trước quyết định không giống ai của ông trong khi hầu hết nông dân huyện vùng biên này lao vào những cây đang cho xây nhà lầu, sắm xe hơi, như: Cao su, hồ tiêu... Thế nhưng, với quyết tâm và sự phán đoán thị trường, ông đang thành công cùng cây mít.
Vững nghề không lo bị ép giá
Ông Trần Minh Chánh (trái) trao đổi với Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn về kỹ thuật trồng mít sạch. Ảnh: Trần Đáng
Dẫn chúng tôi đi xem vườn mít Thái lá bàng đang trong thời kỳ thu hoạch, ông Chánh cho biết, từ đầu vụ đến giờ đã bán ra thị trường khoảng 300 tấn mít. Nghe tôi hỏi, có bao giờ bị thương lái ép giá chưa? Ông cười khà khà: “Không bị ép giá bất thành nông dân”. Ông kể, vụ đầu trồng mít, do không nắm được giá mít trên thị trường nên mít của ông bị thương lái trong vùng ép giá te tua. Có lúc, thương lái chỉ mua mít với giá 1.000 đồng/kg, ông năn nỉ ỉ ôi, thương lái vẫn ngó lơ. “Giờ thương lái chơi trò đó với tui là cũ rồi. Chả ông nào ép giá được tui nữa. Tới mùa thu hoạch, ông nào trả giá cao nhất thì xin mời vô vườn” - ông lại cười sảng khoái.
“Làm thế nào chống bị ép giá?” - tôi hỏi. “Nông dân bây giờ phải am tường thông tin, giá cả thị trường thông qua báo đài, internet... Như tui đây, ngày nào cũng mò lên internet xem giá cả ra sao, nhất là giá liên quan đến nông sản mình đang trồng. Bên cạnh đó, mở rộng kênh tiêu thụ, càng nhiều thương lái càng nhiều quyền chọn lựa. Hiện, tui có hơn chục thương lái luôn sẵn sàng thu mua mít với giá cao nhất có thể” - ông cho biết.
Với ông, việc tận dụng phương tiện truyền thông để bảo vệ quyền lợi cũng đáng để học. Anh bạn đồng nghiệp của báo địa phương kể, mỗi khi thấy giá mít lao dốc, ông “la làng” với báo, đài địa phương để kêu gọi chính quyền, doanh nghiệp hỗ trợ tiêu thụ. Nhờ báo chí mà hiện ông có hơn chục địa chỉ thương lái lớn nên không sợ bị làm giá hay lo đầu ra của sản phẩm.
Theo ông, thị trường cho trái mít đang rộng mở. Nhiều lò sấy sản phẩm nông sản đang mọc lên ở các tỉnh thành, như: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Phước.
Đưa chúng tôi tham quan vườn mít, ông cho biết, vụ tới sẽ mở rộng thêm 5ha đất để trồng mít Thái lá bàng. Vấn đề hiện nay là giá cây giống đang tăng kỷ lục, từ vài nghìn đồng/cây, giờ lên 75.000 đồng/cây. “Giống cây này chủ yếu được ươm ở Bến Tre. Thương lái đang đổ dồn về đây mua giống rồi xuất sang Trung Quốc. Cứ cây vừa nhú đọt là họ mua” - ông cho biết.
Để chủ động nguồn giống mít Thái lá bàng, ông đang hợp tác Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam Bộ sản xuất giống cây này. “Cán bộ Viện đã đến vườn lấy giống rồi. Sắp tới họ sẽ ương đại trà giống này” - ông cho biết. Trước khi chia tay, lão nông Trần Minh Chánh lấy đĩa mít Thái lá bàng mời chúng tôi. Từ lâu tôi đã nghe vị ngon tuyệt của loại mít này, nhưng khi cắn ngập múi mít mới cảm nhận thực sự vị ngọt đậm, giòn, thơm của nó. |
Theo Trần Đáng/ Dân Việt