Ngành chăn nuôi hướng đến quy trình sản xuất chuyên sâu

Ngành chăn nuôi hướng đến quy trình sản xuất chuyên sâu
Năm 2018, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi dự báo sẽ tăng khoảng 3,8% đến 4% so với năm 2017. Đây là những mục tiêu cụ thể và nằm trong tầm kiểm soát của ngành chăn nuôi, nhưng từ diễn biến trong những tháng đầu năm, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu không giải quyết tốt bài toán cung - cầu thì mục tiêu hướng đến quy trình sản xuất chuyên sâu, hạn chế tăng trưởng “nóng” sẽ khó trở thành hiện thực.

Chăn nuôi gà ri ở xã An Bình, huyện Lạc Thủy (Hòa Bình) đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: HOÀNG ANH

Giải bài toán cung vượt cầu

Năm 2017 là một năm khó khăn của ngành chăn nuôi khi phải đối mặt với biến động bất thường của thị trường thức ăn chăn nuôi, dịch bệnh và đặc biệt là sự “vỡ trận” trong chăn nuôi lợn năm 2016, nửa đầu 2017, khiến cho sản phẩm đầu ra gặp khó khăn.

Song có một nghịch lý, trong khi thị trường trong nước đang khủng hoảng thừa thịt lợn và một số sản phẩm thịt khác thì Việt Nam vẫn phải nhập khẩu một số sản phẩm thịt gia súc, gia cầm và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Chính điều này đã đẩy ngành chăn nuôi trong nước phải chịu áp lực cạnh tranh về giá và chất lượng.

Theo Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thanh Vân, để giải quyết những bất cập trong chăn nuôi, Cục đã xây dựng báo cáo đánh giá thực trạng và đề xuất những vấn đề liên quan “chuyển đổi sinh kế bền vững phát triển chăn nuôi cho các tiểu vùng tại đồng bằng sông Cửu Long”, “công tác phòng, chống thiên tai cho cây trồng, vật nuôi khu vực trung du miền núi phía bắc”… Ngoài ra, Cục chủ trì tổ chức hội nghị bàn về giải pháp nghiên cứu, thử nghiệm những loại vật nuôi chịu được điều kiện biến đổi khí hậu cho các vùng chịu ảnh hưởng nặng nề. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án quy hoạch các cơ sở giết mổ tập trung trên toàn quốc.

Tính đến hết năm 2017, 56 trong số 63 tỉnh, thành phố đã được phê duyệt đề án quy hoạch cơ sở giết mổ động vật tập trung; 58 trong số 63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt quy hoạch phát triển ngành chăn nuôi (hoặc quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp, trong đó có lĩnh vực chăn nuôi). Đây được xem là những tiền đề tốt để công tác kiểm tra, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm được thực hiện triệt để, đồng thời chủ động hơn trong kế hoạch sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi hiện nay.

Nội lực của ngành chăn nuôi

Mặc dù đã có những bước đi cụ thể nhằm hướng đến một quy trình sản xuất chuyên sâu, không tăng trưởng “nóng” nhưng thực tế vẫn chưa đem lại những chuyển biến tích cực. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ tính ba tháng đầu năm 2018, tổng đàn lợn cả nước đã giảm khoảng 6,2% so cùng kỳ năm 2017. Cụ thể, tại một số tỉnh có mức giảm tổng đàn lợn cao như: Thừa Thiên - Huế giảm 16,1%; Trà Vinh giảm 15,4%; Vĩnh Long giảm 15,1%; Hà Tĩnh giảm 11,3%; Hòa Bình giảm 10,9%. Do đó, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng cũng giảm 1,2%. Sự sụt giảm có nhiều nguyên nhân: do chăn nuôi chịu ảnh hưởng của các đợt rét đậm, rét hại hồi đầu năm khiến gia cầm chết hàng loạt, và một phần do giá thịt lợn xuống quá thấp khiến người chăn nuôi e ngại.

Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thanh Vân cho rằng: Chỉ phương thức tổ chức chăn nuôi theo chuỗi mới khắc phục được tình trạng bấp bênh, thiếu ổn định và chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm để người tiêu dùng yên tâm sử dụng. Do vậy, cần có thêm cơ chế đặc thù để hỗ trợ các chuỗi phát triển theo hướng gắn với sản xuất, chế biến theo công nghệ cao cũng như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm; tuyên truyền cho người dân về sử dụng thực phẩm an toàn. Đồng thời, huy động sức mạnh của các sở, ngành, đơn vị liên quan quản lý tốt thị trường, xử lý nghiêm vi phạm về an toàn thực phẩm, tạo niềm tin cho xã hội về thực phẩm an toàn, qua đó thúc đẩy thị trường cho các sản phẩm tham gia chuỗi liên kết.

Bên cạnh việc khơi dậy nguồn nội lực trong nước, ngành chăn nuôi cũng đã tích cực hợp tác với các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các cơ quan chính phủ một số nước (Mỹ, Đan Mạch, Hà Lan, Nga, Nhật Bản, các nước Đông - Nam Á…) để tiếp cận tiến bộ kỹ thuật, khảo sát đánh giá thị trường, tìm kiếm cơ hội xuất khẩu cho sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam.

Có mặt tại huyện Đông Anh, TP Hà Nội, chúng tôi bị thuyết phục bởi mô hình chăn nuôi đang được triển khai. Đông Anh hiện có tổng đàn gia cầm là hơn hai triệu con, tổng đàn lợn khoảng 85.330 con, tổng đàn trâu, bò là 6.400 con. Theo Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, năm 2017 được coi là thắng lợi của ngành chăn nuôi Đông Anh, bởi huyện đã làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, kiểm soát tốt khâu giết mổ tập trung tại các chợ đầu mối bắc Thăng Long và 18 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tại các xã như: Hải Bối, Nam Hồng, Dục Tú... Do đó, không phát hiện và phát sinh tình trạng ngộ độc thực phẩm, từ đó kích thích sản xuất.

Chọn hướng đi đúng, bài bản trong quy hoạch chăn nuôi gắn với thị trường và tổ chức sản xuất theo các chuỗi liên kết, trong đó vai trò của các doanh nghiệp kết nối đầu ra với từng phân khúc thị trường đang được xem là mắt xích quan trọng trong cân đối cung cầu và tiêu thụ nông sản cho nông dân. Nếu làm tốt, rất có thể Việt Nam sẽ sớm trở thành nước xuất khẩu thịt lợn lớn trong khu vực và trên thế giới.

Theo Minh anh/Báo Nhân Dân.vn