Nghệ An: Cách làm giàu của người dân ở một xã nghèo
- Chủ nhật - 09/11/2014 21:18
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Là một xã bãi ngang vùng ven biển, Diễn Trung có diện tích đất nông nghiệp là 530 ha, trong đó có 70 ha đất lúa, 50 ha đất nuôi trồng thủy sản, còn lại là đất hoa màu…Toàn xã có 2370 hộ, với 10.377 nhân khẩu. Trước năm 2011, số hộ nghèo của xã chiếm 61%, đến năm 2014, số hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 21%. Trước đây, khi về xã thì những con đường làng vừa chật hẹp, vừa lầy lội khi mưa đến, nhưng bây giờ các con đường đó đã được đổ bê tông, đổ nhựa trở nên rộng, sạch, đẹp, rất thuận tiện cho việc đi lại. Có được sự thay đổi đó phần lớn là do người dân ở đây đã biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp để vươn lên làm giàu.
Ông Đậu Ngọc Hòa - Cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Diễn Trung cho biết: Năm 2014 toàn xã có 130 hộ chăn nuôi gà, 30 hộ chăn nuôi lợn với quy mô lớn và có 40 hộ nuôi tôm. Với tổng số hơn 116.200 con gà thịt và 69.400 con gà đẻ, xã Diễn Trung trở thành địa phương có tổng đàn gà thịt và gà đẻ lớn nhất tỉnh Nghệ An. Đặc biệt, xã có 7 trang trại nuôi gà thịt với quy mô từ 7.000 – 15.000 con, điển hình như trang trại anh: Phạm Văn Cần, có 15.000 con gà thịt/lứa, trang trại của anh Hồ Sỹ Sinh có 12.000 con/lứa, trại gà của anh Lê Ân có 12.000 con/lứa, anh Nguyễn Sỹ có 9.000 con/lứa, anh Hồ Sỹ Cường 8.000 con/lứa, anh Phạm Tư có 7.000con/lứa, anh Cao Cừ có 7.000 co/lứa….Đó là nguồn cung cấp rất lớn sản phẩm thịt, trứng cho thị trường trong nước. Các hộ nuôi đã có hơn 10 năm kinh nghiệm trong nghề chăn nuôi gà, nên mặc dù nuôi với số lượng đàn gà lớn nhưng chưa có dịch bệnh lớn nào xảy ra. Người nuôi tuân thủ rất nghiêm ngặt các quy trình về phòng bệnh, chăm sóc, vệ sinh cho đàn gà nuôi.
Toàn xã đã thành lập được 6 tổ liên gia (mỗi tổ có 20 người trong khu vực chăn nuôi gà) và 4 nhóm cộng đồng trong nuôi tôm. Mục đích của tổ liên gia cũng như nhóm cộng đồng là liên kết các hộ gia đình nhằm thực hiện các quy chế phối kết hợp về chăn nuôi theo VietGAP, đảm bảo an toàn sinh học: an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường, an toàn thực phẩm và an sinh xã hội. Thông qua đó, người nuôi cũng học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau, giúp nhau sản xuất có hiệu quả và vươn lên làm giàu.
Từ một xã nghèo, giờ đây, người dân ở Diễn Trung có những hộ thu nhập hàng trăm triệu đồng, thậm chí có hộ thu nhập tiền tỷ như: hộ Ông Ngô Xuân Đại thu nhập từ nuôi tôm 3 - 3,5 tỷ đồng/năm, hộ ông Nguyễn Cường, Hồ Sáu nuôi tôm thu nhập từ 900 triệu – 1 tỷ đồng/năm; hộ ông Phạm Văn Cần, Lê Ân, Phạm Tư thu nhập từ 700 – 800 triệu đồng/năm, ngoài ra có hàng trăm hộ nuôi gà và nuôi tôm thu nhập từ 100 – 200 triệu đồng/năm.
Có được những kết quả đó, một phần là nhờ đến công lao của ông Đậu Ngọc Hòa - Cán bộ phụ trách nông nghiệp của xã. Ông Hòa là người nhiệt tình, năng nổ, tích cực tham gia tất cả các lớp tập huấn về nông nghiệp, chăn nuôi cũng như nuôi trong thủy sản ở trong tỉnh và ngoài tỉnh. Từ những kiến thức học tập được ông trao đổi, hướng dẫn kỹ thuật tận tình đến từng hộ dân nuôi. Ngoài ra, ông còn hướng dẫn thành lập các tổ liên gia, nhóm cộng đồng để cùng nhau phát triển hiệu quả và bền vững.
Thông qua cách làm giàu của người dân xã Diễn Trung chúng tôi muốn giới thiệu tới các bạn đọc tham khảo và áp dụng vào địa phương mình để người dân không còn cảnh nghèo đói, vươn lên làm giàu cho gia đình, cho quê hương, cho đất nước.
Cao Thị Hà
Nguồn Trung tâm Khuyến nông Việt Nam