Nghệ An: Ngư dân săn ốc cườm thu tiền triệu mỗi ngày ​

Nghệ An: Ngư dân săn ốc cườm thu tiền triệu mỗi ngày ​
Ngư dân Nghệ An, tự chế dụng cụ đơn giản để bắt ốc cườm, thu tiền triệu/ngày.

Để săn được ốc cườm, ngư dân huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An đã tự chế dụng cụ đơn giản, để cào thụt lùi trên cát biển, họ có thể kiếm tiền triệu mỗi ngày.

cuom-93.jpg

 Mỗi ngày, ngư dân săn được hàng tấn ốc cườm tại biển Quỳnh Lưu. Ảnh: Việt Hùng

Nghề cào bắt ốc cườm, mới xuất hiện khoảng 2 năm nay, tại các vùng ven biển Nghệ An. Theo đó, ngư dân thường tập trung thành từng nhóm 2 - 3 người để cào bắt ốc cườm.

Ngư dân Hồ Văn Tình, xã Quỳnh Lương, cho biết, liên tục từ tháng 5 đến nay, ngày nào anh cũng ra biển cào bắt loại ốc này.

“Lúc nào thủy triều xuống khoảng 2/3 bãi triều, là lúc thuận lợi cho việc cào ốc cườm. Chúng tôi chia nhau mỗi người một công việc, người thì cào ốc, người ở phía trên sàng đãi, chọn lọc những con to để cho vào bao.

Khi nào thủy triều lên là chúng tôi ra về. Toàn bộ ốc cườm sẽ được nhập cho đầu mối, có ngày thu hơn 1 triệu đồng, bình quân từ 500 - 700.000/ngày” - ngư dân Tình cho hay.

Dụng cụ của ngư dân săn ốc cườm rất đơn giản, họ chế thanh lưỡi thép thành khung hình chữ nhật, có chiều dài 60 cm, rộng 30 cm; sau đó gắn một túi lưới theo hình khung dài khoảng 3 - 4 m.

Khi ra mép biển, họ cầm dụng cụ này đi thụt lùi, rồi cào xuống lớp cát, toàn bộ ốc sẽ lọt vào lưới, đến khi nặng lưới sẽ đưa lên bờ.

Ngư dân Nguyễn Văn Hưng, xã Quỳnh Bảng, cho biết, nghề này đòi hỏi ngư dân phải nắm được việc thủy triều lên, xuống từng giờ; nếu thủy triều lên cao thì không thể cào được, mà khi thủy triều xuống quá thấp càng khó hơn.

Ốc cườm hay còn gọi là ốc gạo, chỉ nhỏ bằng chiếc cúc áo, và xuất hiện quanh năm, nhưng nhiều nhất từ tháng 11 đến hết tháng 3 âm lịch năm sau

Sản phẩm ốc cườm đánh bắt được, sẽ nhập cho các đầu mối lớn ở thành phố Vinh,  hoặc chuyển sang tỉnh Thanh Hóa, với giá 7.000 - 10.000 đồng/kg.

Ốc cườm sau khi gỡ ruột, được chế biến bằng nhiều cách như: rang sả ớt, lá chanh, ăn kèm với bánh đa, món ăn này rất thích hợp vào mùa hè.

 Nhọc nhằn hạt muối Phú Lộc 

Làng Phú Lộc, xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình), là nơi duy nhất trên địa bàn tỉnh còn duy trì nghề làm muối. Nghề làm muối ở Phú Lộc, có từ những năm 60 của thế kỷ trước.

muoi-69.jpg

 Diêm dân Phú Lộc, luôn đối mặt nguy cơ bị tư thương ép giá

Lúc ấy, nghề muối thủ công chủ yếu phục vụ nhu cầu gia đình, buôn bán nhỏ, sau này mới mở rộng thành một làng nghề truyền thống. Có thời gian làng muối gần như bỏ hoang. Nhưng đến những năm 80 thì làng muối hồi sinh, và phát triển cho đến ngày nay.

Qua bao thăng trầm, biến cố, những diêm dân ở làng muối Phú Lộc, vẫn mặn chát với hạt muối, và loay hoay tìm bài toán phát triển nghề…

Đồng muối xã Quảng Phú, nằm ngay dưới chân cầu Roòn, có diện tích 73ha, sản lượng ước đạt 5.000 tấn, và là nơi nuôi sống 268 hộ, với hàng trăm diêm dân.

Tại cánh đồng muối Quảng Phú những ngày tháng 7, diêm dân Nguyễn Văn Công (62 tuổi) thôn Phú Lộc 1, cho biết, cả gia đình ông sống nhờ vào 7 sào muối này, ngày gặp nắng thì được khoảng 7 tạ muối, cho thu nhập gần 1 triệu đồng.

Từ đầu vụ đến nay, được khoảng 40 triệu đồng. So với năm trước thì năm nay đỡ hơn vì nắng nhiều.

Cũng theo ông Công, mấy năm trước, khi sự cố môi trường biển xảy ra, cả làng Phú Lộc không ai làm muối, cả đồng muối Quảng Phú bỏ hoang, tiêu điều, xơ xác. Để kiếm sống, ông phải làm thêm nhiều nghề như: thợ nề, chặt cây thuê...

“Diêm dân Phú Lộc gặp nhiều khó khan, bởi không chủ động được đầu ra, mua bán mang tính thỏa thuận, nên rất dễ bị tư thương ép giá. Có năm, giá muối đầu vụ tăng cao, nhưng cuối vụ còn một nửa, đành phải chấp nhận”, ông Công bộc bạch.

Diêm dân Phạm Thế Lực (37 tuổi), thôn Phú Lộc 2, mới theo nghề gần 5 năm, cho biết, năm nay, nắng nhiều thu nhập cũng tăng đáng kể. Hiện, anh chỉ trông vào hơn 1ha đất làm muối hiện có, để bảo đảm thu nhập và nuôi con ăn học. Từ đầu vụ đến nay, đã bán được hơn 70 triệu tiền muối (khoảng 60 tấn).

Nghề muối ở Quảng Phú đã giúp người dân thoát nghèo, nhiều hộ giàu lên nhờ muối. Song, theo anh Lực, sản lượng muối năm 2019 đạt mức cao, do thời tiết thuận lợi, nhưng nỗi lo chính của diêm dân vẫn là đầu ra, và giá cả bấp bênh…

“Vì vậy, vào chính vụ, chỉ còn khoảng 180 hộ sản xuất. Để có hạt muối, dù trời nắng như đổ lửa, diêm dân vẫn phải ra đồng muối từ sáng tới trời tối mịt mới về.

Hơn nữa, đang có tình trạng người dân đi vào các tỉnh miền Nam kiếm sống, không kịp về làm muối; một số khác, do diện tích canh tác được cấp quá ít; một số chuyển nhượng lại cho người khác…

Do vậy, diện tích đất không sản xuất muối ở Phú Lộc khoảng hơn 30ha, đã làm giảm sản lượng chung toàn xã…”, ông Tưởng Văn Bình, cán bộ nông nghiệp xã Quảng Phú cho hay.

Tuy nhiên, đối với người dân nơi đây, nghề muối vẫn có thu nhập cao so với làm lúa, nhưng thiếu ổn định và định hướng bền vững. Hơn nữa, hạt muối Phú Lộc luôn đối mặt với nguy cơ bị tư thương ép giá.

Ông Nguyễn Phi Khanh, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phú, cho biết, nghề muối Quảng Phú đã mang lại thu nhập đáng kể cho bà con diêm dân.

Năm nay, có hộ thu nhập khoảng 3 triệu đồng/ngày. Song, bà con chưa vui, vì đầu ra phụ thuộc vào tư thương, chuyện ép giá như thách đố diêm dân.

Ông Khanh cũng cho biết thêm, mới đây, Tổng Công ty muối Việt Nam đã đầu tư hơn 50 tỷ đồng, để cải tạo, xây dựng một số hạng mục tại cánh đồng muối Quảng Phú.

Tuy đã được nâng cấp cơ sở hạ tầng, song, vẫn còn một số tuyến kênh mương cần đầu tư để đáp ứng quy trình sản xuất…

Mặt khác, các hộ chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, không tập trung, tự quản lý, tự tiêu thụ, nên giá không ổn định. Thêm nữa, nghề muối chỉ sản xuất 3-4 tháng/năm, nên gặp rất nhiều khó khăn về kinh phí…ông Khanh nhấn mạnh.

Theo ông Khanh, hiện, bài toán về hạt muối ở Phú Lộc dần được tháo gỡ do đề án thành lập HTX sản xuất dịch vụ muối Quảng Phú, đang tiến hành khẩn trương.

Qua đó, HTX sẽ khắc phục tình trạng manh mún ruộng sản xuất muối, tập trung trên cánh đồng lớn, đáp ứng quy trình sản xuất của địa phương, nâng cao sản lượng muối trên đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho bà con.

Quảng Bình: Làm giàu trên vùng biển bãi ngang  

Ở vùng biển bãi ngang xã Hải Ninh (Quảng Ninh), có những phụ nữ vượt qua gian truân, nỗ lực hết mình làm giàu cho quê hương và gia đình.

bien-333.jpg

Chị Đoàn tham dự Diễn đàn doanh nghiệp hành lang kinh tế Đông Tây, tại Thái Lan

Đó là chị Nguyễn Thị Đoàn, hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Cừa Thôn, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) sản xuất, mua bán, chế biến thủy sản Vương Đoàn. Sinh ra trong một gia đình ngư dân, vùng biển bãi ngang Hải Ninh, 14 tuổi chị đã mồ côi mẹ.

Do phải thay mẹ cùng cha kiếm sống và nuôi các em, vì vậy, khi cha đi biển về, chị có nhiệm vụ đi chợ, để bán hải sản, lấy tiền mua gạo.

Những buổi biển mất mùa, chị Đoàn thu mua thêm cá, tôm của các anh, các chú trong xóm về chợ bán, kiếm thêm đồng lời. Cũng từ đó, tình yêu kinh doanh, buôn bán đã dần ngấm sâu vào máu chị.

Thế nên, sau khi trở thành giáo viên, niềm đam mê kinh doanh, buôn bán trong chị chưa bao giờ nguôi...

Nhận thấy Hải Ninh là xã vùng biển bãi ngang, có nguồn thủy hải sản tươi ngon, dồi dào, nhưng lại khó tiêu thụ, thương lái mua ít, ép giá, nhiều khi được mùa nhưng giá vẫn quá thấp.

Vì vậy, chị vay mượn, quyết định đầu tư thu mua và chế biến hải sản, để giúp bà con tiêu thụ sản phẩm, bình ổn giá.

“Hàng ngày, ngoài giờ dạy học, tôi phải lên kế hoạch, sắp xếp các công đoạn cho việc thu mua, chế biến hải sản theo trình tự, bản thân tôi tập trung quảng cáo, liên hệ thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm”, chị Đoàn chia sẻ.

Sản phẩm làm ra dần có chỗ đứng, quy mô chế biến ngày càng lớn, lượng hàng ngày càng nhiều. Sau khi suy nghĩ, năm 2018, sau 18 năm dạy học, chị Đoàn quyết định chia tay nghề giáo, để chuyên tâm  việc buôn bán, chế biến thủy hải sản.

Đồng thời, vận động thành lập HTX sản xuất, mua bán, chế biến thủy sản Vương Đoàn, với số vốn điều lệ: 500 triệu đồng, cùng 11 thành viên.

Qua gần một năm hoạt động, nhờ chủ động sáng tạo, HTX phát triển tốt, tiêu thụ khá nhanh; phân phối tại các siêu thị, nhà hàng trong tỉnh và các địa phương phía Bắc; gần đây, còn phát triển sang Nhật Bản, Thái Lan, Lào.

Theo chị Đoàn, khách đến nhập hải sản, chủ yếu là ngư dân trong xã và các xã biển của huyện Lệ Thủy. Những lúc cao điểm, được mùa, mỗi ngày HTX thu mua 20-30 tạ mực tươi, 5 tấn cá các loại, 4 tấn tôm.

Nhờ phát triển ổn định, bền vững, mỗi xã viên thu nhập 10-15 triệu đồng/tháng, lao động cố định 4-5 người, khoảng 5 triệu đồng/người/tháng. Những lúc vào vụ, phải thuê thêm lao động, có khi lên đến 50 người, bình quân 200.000 đồng/người/ngày.

Theo đó, lao động thời vụ, đa số là bà con trong thôn, xã, đặc biệt còn có cả người tàn tật, hộ nghèo, người già neo đơn. Hiện, ngoài thu mua chế biến hải sản, chị còn có mô hình nuôi tôm ở Bố Trạch, với 3 hồ, thu nhập 150 triệu đồng/năm.

Với những đóng góp về phát triển kinh tế làng chài, chị Đoàn được UBND huyện Quảng Ninh tặng giấy khen “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”, giai đoạn 2016-2019.

Theo Dương An Như (tổng hợp)/kinhtenongthon.vn