Thời điểm này, nông dân xã Thịnh Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) đang vào mùa thu hoạch hạt sở, bà con phấn khởi bởi mùa sở năm nay cho năng suất cao, bán được giá và thị trường đầu ra rất ổn định.
Người dân xã Thịnh Thành (Yên Thành) phấn khởi trước vụ sở trĩu quả, được mùa, được giá.
Đi dọc tuyến đường Khùa qua xã miền núi Thịnh Thành, xen giữa bạt ngàn cánh rừng trồng là cây sở sai quả, đang vào mùa thu hoạch. Với ông Thái Khắc Hải ở xóm Đông Thịnh, năm nay niềm vui đến với gia đình khi thu nhập từ hạt sở đạt khoảng 120 triệu đồng.
Ông Hải cho biết: Cách đây hơn 10 năm ông đã mạnh dạn trồng cây sở trên gần 2 ha đất đồi rừng. Đây là vụ thứ 5 cây cho quả đại trà, dự kiến năng suất năm nay đạt 6 tấn /ha. Những ngày này, ông phải thuê hơn 10 nhân công lao động thu hái; quả sở tươi được thương lái đến thu mua tại rừng với giá 15 triệu đồng/ tấn, cao hơn so với các vụ trước.
Theo bà con ở đây, trồng sở ít phải đầu tư chăm sóc, bón phân, chỉ bỏ công chăm sóc khi cây còn nhỏ chưa khép tán, sau 5 năm trồng cây bắt đầu cho quả, mỗi năm thu hoạch một lứa vào những tháng cuối năm; sau thu hoạch, cây sẽ ra hoa ngay để cho quả cho vụ sau.
Năm nay, cây sở ở xã Thịnh Thành cho năng suất bình quân 5 tấn/ha, đạt tổng sản lượng 250 tấn quả sở tươi; ở những vườn đồi có chất đất tốt, có sự đầu tư chăm sóc, năng suất có thể đạt khoảng 7 tấn/ha.
Đặc biệt, hạt sở luôn có đầu ra ổn định; với giá bán hiện tại, sau khi trừ chi phí mỗi ha cho thu lãi khoảng 70 triệu đồng. Nhờ đó, những hộ trồng sở đều có thu nhập khá.
Ngoài giá trị kinh tế, cây sở còn có nhiều ưu điểm là, cây xanh tốt quanh năm, rễ bám sâu vào lòng đất, không bị đổ gãy và rụng quả khi có tố, lốc, gió bão. Vì thế, còn có tác dụng chống xói mòn khi mưa lũ, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái tại các khu rừng phòng hộ đầu nguồn.
Ông Nguyễn Ngọc Ánh - Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Yên Thành, cho biết: Với nhiều ưu điểm của cây sở, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch mở rộng diện tích, trồng sở tại những khu vực rừng phòng hộ. Hiện, ở vườn của đội sản xuất số 3 đã ươm được trên 2 vạn cây giống, phục vụ cho trồng mới 20 ha sở vụ xuân 2018.
Hậu Giang: Trồng ấu mùa nước nổi thu nhập 15 triệu đồng/công
Ấu Đài Loan từ khi trồng đến thu hoạch, chỉ mất khoảng 3 tháng. Sau đó, thời gian thu hoạch kéo dài trong 2 tháng. Thời điểm này, thương lái vào tận ruộng thu mua với giá từ 9 -10.000 đồng/kg, tùy chất lượng củ. Với giá bán này, cộng với năng suất 3 tấn/công, trừ hết chi phí đầu tư, người trồng ấu ở huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), thu nhập trên 15 triệu đồng/công.
Bên cạnh việc cung cấp ấu cho thương lái theo đơn đặt hàng, anh Linh còn bán lẻ cho khách đi đường.
Anh Dương Duy Linh, xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, cho biết gia đình anh hiện trồng 10 công ấu Đài Loan, trong đó khoảng 50% diện tích đang cho thu hoạch. Trung bình thời điểm này, mỗi ngày anh giao cho thương lái từ 150-300kg với giá cố định, đồng thời anh còn sáng tạo bán lẻ tại nhà, mỗi ngày từ 70-100kg ấu cho khách đi đường, với giá dao động 12 -13.000 đồng/kg.
Quảng Nam: Cây atiso đỏ đã cho thu nhập khá
Hơn 2 năm nay, tại thị xã Điện Bàn (Quảng Nam), nhiều nông dân đưa loài cây atiso đỏ, từ TP.Đà Lạt về trồng trên đất pha cát. Mô hình trồng cây dược liệu theo hướng an toàn này, từng bước mang lại hiệu quả cao, giúp nông dân phát triển kinh tế ổn định.
Vườn atiso đỏ của anh Vương Hùng Hiếu năm nay cho nhiều quả
Anh Vương Hùng Hiếu, phố Hà Quảng Tây, phường Điện Dương, cho biết, năm 2016, một lần ra TP.Đà Nẵng, thấy người ta bày bán quả atiso đỏ, anh đã mua về ngâm si rô uống giải nhiệt. Số hạt loại bỏ từ quả atiso, anh thử ươm giống cây và chăm sóc, không ngờ cây phát triển và cho ra hoa tốt. Hiếu chia sẻ: “Tôi khá bất ngờ khi loài cây vốn thích hợp ở Đà Lạt, nay lại sinh sôi nảy nở tốt trên đất Quảng Nam. Tuy đợt trồng thử nghiệm, hoa cho ra búp khá nhỏ, nhưng tôi cứ hy vọng và đam mê theo đuổi đến cùng, việc nghiên cứu giống hoa này”. Sau đó, Hiếu bắt đầu tìm nơi phân phối giống và trồng lần thứ hai, lúc này kết quả khả quan hơn, lượng quả trên cây nở nhiều, búp to. Đầu năm 2018, anh mạnh dạn khai hoang 3 sào đất, đào hố lớn rồi trồng cây atiso đỏ, mỗi cây cách nhau từ 1 - 1,5m.
Atiso rất dễ trồng trên đất cát pha, cách trồng rất đơn giản. Chỉ cần chăm tưới nước và bón phân chuồng dưới gốc cây, sau 4 tháng, kể từ ngày trồng, cây sẽ cho đợt quả đầu tiên. Cứ cách nhau 5 ngày thì hái, trung bình một tháng có thể thu hoạch 100 kg/sào. Giá bán dao động 25 – 30 nghìn đồng/kg. Nhận thấy atiso đỏ dễ trồng, thu nhập khá, nhiều nông dân tận dụng đất vườn nhà để trồng.
Bà Phan Thị Thiệu, phường Điện Nam Trung, cũng xin hạt giống về ươm rồi trồng quanh vườn nhà. Việc chăm sóc không quá khó, chủ yếu đảm bảo lượng nước, và sau mỗi lần hái quả phải bón phân chuồng. Nhờ thế, bà Thiệu có thêm thu nhập từ việc bán atiso, mỗi lứa thu hoạch bà kiếm được từ 3 – 5 triệu đồng.
Chị Trần Thị Ái Trinh, trú tại khối phố Cổ An 3, vốn bị nóng gan nên thường đặt mua quả atiso đỏ từ TP.Đà Lạt về uống. Nghe bảo cây này có thể trồng trên đất cát pha, chị liền mua giống về trồng, vừa dùng vừa bán suốt mấy năm qua. Chị Trinh cho biết: “Atiso sau khi thu hoạch khoảng 1 năm thì sẽ giảm dần năng suất, quả ở giai đoạn sau nhỏ hơn và có màu nâu đỏ. Khi đó tôi sẽ chặt bỏ và thay cây mới”.
Nghe tin nhiều người trồng atiso đỏ theo hướng nông nghiệp sạch tại Điện Bàn, nhiều khách hàng ở TP.Đà Nẵng tìm đến các vườn nhà trồng loài dược liệu này để thu mua. Đôi khi phải đặt trước, đến kỳ thu hoạch mới đến tận vườn hái quả.
Anh Hà Ngọc Huy (TP.Đà Nẵng) chia sẻ: “Gia đình tôi thường có thói quen ngâm hoa quả atiso làm si rô uống quanh năm. Nghe nói ở Điện Bàn nhiều người trồng atiso đỏ, nên tôi đến mua, quả tươi và to, nhiều nước hơn so với các nơi khác”.