Ngựa bạch

Do có giá trị kinh tế cao nên ngựa bạch không được lai tạo với bất kỳ giống ngựa nào khác. Ngựa thuơng phẩm có giá rất đắt, trong khi quy trình nuôi cũng như kỹ thuật sinh sản không khắt khe. Những năm gần đây, mô hình nuôi ngựa bạch phát triển rộng khắp cả nước, giúp nhiều người dân thoát nghèo vươn lên làm giàu.

Nhận diện

Một con ngựa bạch tốt và chuẩn có mắt thau đồng, môi trắng hồng, không có đốm đen, buổi tối soi trước bóng đèn thì thấy hai mắt ngựa đỏ rực như than lửa. Bộ phận sinh dục, mũi, mõm có màu hồng đỏ, bốn chân có móng sừng, màu cước ánh bạc. Ngựa bạch là giống ngựa quý hiếm, có thể dùng thịt và xương để làm thuốc chữa bệnh, giống ngựa này ít bệnh tật, không mất nhiều công chăm sóc. Tập tính của ngựa bạch chậm hơn ngựa thường nhưng đi lì hơn và cũng hiền hơn. Ngựa bạch rất dễ ăn, chúng ăn tất cả những thứ cây cỏ mà ngựa thường ăn được, thậm chí ăn được cây chuối, chuối băm trộn lẫn cám.

Tại Việt Nam, ngựa bạch phân bố chủ yếu ở 3 tỉnh Đông Bắc là Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Giang. Khoảng 70 - 80% ngựa tại đây sinh sản tự nhiên. Ngựa bạch Cao Bằng nhỏ, con trưởng thành chỉ nặng khoảng 150 - 180 kg, rất ít bệnh tật, thường chỉ mắc các bệnh như đầy hơi, chướng bụng, hoàn toàn dễ chữa khỏi. Tuy nhiên, ngựa bạch không chịu được thời tiết quá nóng.

Những năm gần đây, nhiều vùng đã nhập giống ngựa bạch Tây Tạng của Trung Quốc, hoặc loài ngựa bạch to lớn của Mông Cổ để phát triển nuôi thương phẩm hoặc phối giống với ngựa bạch của Việt Nam.

 

Phát triển nuôi thương phẩm

Việc chăm sóc giống ngựa bạch không quá cầu kỳ, chỉ tốn thời gian chuẩn bị thức ăn. Hàng ngày ngựa ăn cỏ lúc 10 giờ và 17 giờ, tầm 14 giờ cho ngựa ăn cám; mùa đông lạnh hạn chế tắm và thả rông. Ngựa nuôi 10 tháng là trưởng thành, nuôi thêm 1 năm có thể sinh sản. Ngựa bạch thương phẩm có giá cao hơn hẳn những loại ngựa khác. Với những ưu điểm đó, mô hình nuôi ngựa bạch nhanh chóng phát triển rộng khắp ở các tỉnh, thành trên cả nước.

Tại xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội, có trang trại Vạn An nuôi ngựa bạch lớn nhất cả nước. Chủ trang trại là chị Nguyễn Thị Hằng. Năm 2006, chị Hằng mua 20 con ngựa bạch về nuôi. Sau một thời gian nhận thấy ngựa bạch Việt Nam nhỏ nhưng sinh sản tốt, ngựa bạch Tây Tạng to nhưng sinh sản chậm nên đầu năm 2008, chị đã mua thêm 20 con ngựa bạch Tây Tạng về lai giống. Đến nay, trang trại Vạn An đã có 100 con ngựa bạch giống; Trung bình một năm ngựa bạch Vạn An sinh sản được 20 - 40 con. Chu kỳ sinh sản của ngựa bạch khoảng 11 - 13 tháng. Hiện giá bán một ngựa con sau khi vỗ béo khoảng 7 - 8 tháng là 25 - 30 triệu đồng, ngựa bình thường có giá 50 - 120 triệu đồng.

ngựa bạch - chăn nuôi

Ngựa bạch có giá trị kinh tế cao   Ảnh: CTV

 

Ngoài ra, những con ngựa không còn khả năng sinh sản, đủ tiêu chuẩn nấu cao, trang trại đã xin phép Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Bộ Y tế cho sản xuất cao ngựa bạch và các thực phẩm chức năng. Tháng 8/2007, cao ngựa bạch Vạn An được Bộ Y tế chứng nhận sản phẩm đủ tiêu chuẩn bán ra thị trường.

 

Hướng thoát nghèo hiệu quả

Vốn được biết đến là một trong những bản xa nhất và khó khăn nhất của xã vùng cao Tân Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), những năm qua, tận dụng lợi thế đất đồi rừng rộng, nhiều hộ dân ở bản Khuôn Kén đã mạnh dạn đầu tư nuôi ngựa bạch theo hướng hàng hóa. Nhờ thị trường đầu ra ổn định nên mô hình này đã mở ra một hướng mới trong phát triển kinh tế ở địa phương.

Điển hình là gia đình chị Hoàng Thị Lá. Với nguồn vốn ban đầu ít ỏi, chị Lá chỉ mua 2 con ngựa bạch gây giống. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật và chủ động phòng bệnh nên ngựa bạch của chị Lá phát triển khá nhanh. Hiện nay, gia đình chị Hoàng Thị Lá duy trì đàn ngựa với 16 con giống bố mẹ, trong đó có 14 con cái. Đầu năm 2015, gia đình chị thu trên 160 triệu đồng từ việc bán 10 con ngựa bạch giống 5 tháng tuổi với giá trung bình 16 triệu đồng/con. Học theo cách làm của chị Lá, rất nhiều hộ ở bản Khuôn Kén mạnh dạn vay vốn đầu tư chăn nuôi ngựa bạch. Cùng với đó, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, xã Tân Sơn đã có chính sách hỗ trợ bà con tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi, đồng thời phối hợp với cơ quan chuyên môn mở các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi ngựa bạch để giúp bà con yên tâm tham gia mô hình mới.

>> Hiện, bản Khuôn Kén, xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đã có 131/165 hộ dân đầu tư nuôi ngựa bạch với tổng đàn trên 300 con. Nguồn thu từ ngựa bạch đã giúp nhiều hộ nâng cao chất lượng cuộc sống và đầu tư cho việc học tập của con cái.

Nguồn: nguoichannuoi.vn