Người dân tộc thiểu số N'Thol Hạ làm giàu từ trồng dâu nuôi tằm
- Thứ năm - 15/11/2018 19:35
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo chân cán bộ Hội Nông dân xã N’Thol Hạ, chúng tôi tìm đến thôn Đoàn Kết, xã N’thol Hạ và được chứng kiến tận mắt nghề trồng dâu nuôi tằm đang phát triển rầm rộ nơi đây. Gia đình chị Ka Nghiều nuôi tằm từ hơn 10 năm nay, tuy nhiên do trồng giống dâu cũ và cách thức nuôi truyền thống nên năng suất không được là bao. Năm 2015, chị đã mạnh dạn chuyển đổi 5 sào dâu cũ sang trồng giống dâu mới, sau 5 tháng đã cho thu hoạch. Chỉ 1 sào dâu đã có thể nuôi được 1 hộp tằm do lá dâu to, dày, năng suất gấp 2 - 3 lần giống dâu cũ. Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ 20 triệu đồng của Nhà nước, chị đã dùng số tiền trên để đầu tư mua khung sắt trượt nuôi tằm thay cho bộ nong đã cũ và né 1 con công nghệ Nhật thay cho giàn né tre trước đây. Chị Ka Nghiều cũng cho hay, nuôi tằm trên khay sắt hiệu quả vượt trội, nhàn hơn rất nhiều so với cách nuôi truyền thống. “Tôi nuôi tằm từ lâu rồi, nhưng từ khi chuyển sang trồng dâu giống mới và mua các dụng cụ nuôi thì hiệu quả lắm, không phải lo cái ăn cái mặc như trước nữa” - chị Ka Nghiều nói.
Chị Ka Nghiều nói thêm, sau mỗi lứa tằm, cần phải vệ sinh các dụng cụ nuôi sạch sẽ, rắc vôi khử trùng thì tằm mới khỏe mạnh, không bị nhiễm bệnh. Trong quá trình nuôi phải thật am hiểu đặc tính của từng tuổi tằm, bổ sung thêm các loại thuốc bổ cho tằm nhanh lớn, tạo chất lượng kén tốt. Bên cạnh đó, sau khi tằm chín, gia đình chị còn tận dụng được nguồn phân tằm, đem ủ để bón cho vườn dâu, cà phê… Có như vậy, nghề nuôi tằm mới duy trì được lâu dài. Với 5 sào dâu giống mới, gia đình chị Ka Nghiều nuôi được 4 hộp tằm/lứa; năng suất bình quân đạt 45 - 50 kg kén/hộp tằm. Với giá bán hiện nay dao động từ 140 - 180 ngàn đồng/kg, gia đình chị thu về gần 30 triệu đồng mỗi lứa tằm là chuyện khá thường. Nhờ đó, gia đình chị có cuộc sống sung túc hơn, con cái được học hành đầy đủ hơn.
Ngoài gia đình chị Nghiều, còn khá nhiều hộ trong thôn có thu nhập cao từ nghề này. Chúng tôi tiếp tục đến thăm gia đình bà Ka Nghêu cùng sinh sống tại thôn Đoàn Kết. Bà cho biết lứa này, tằm nhà bà đã chín và bắt lên né được một hôm, nhưng vẫn phải hái dâu để tiếp tục nuôi gối đầu gần 1 hộp tằm đang ở lứa tuổi ăn 5. Cũng nhờ học hỏi kinh nghiệm của bà con chòm xóm và sự hỗ trợ của Nhà nước, bà cũng đã nuôi tằm trên khay sắt và dùng né gỗ 1 con. Ưu điểm của bộ né này là không phải bắt kén đôi, tằm không quặn tơ nhiều nên kén có chất lượng tốt. Cũng vì vậy mà giá kén của né gỗ công nghệ Nhật cao hơn từ 3 - 5 giá so với né tre truyền thống. Bà Ka Nghêu chia sẻ, năm nay tuổi đã hơn 60, nhưng nhờ áp dụng cách thức nuôi tằm ngày càng hiện đại này, vợ chồng bà cũng vẫn đủ sức nuôi được 1 hộp tằm mỗi tháng, cuộc sống khá ổn định. Bà nói: “Nhà có 2 ông bà già túc tắc tháng 1 hộp tằm cũng đủ ăn rồi, không phải lo nghĩ nhiều”.
Theo chị Ka Mai Ly - Chủ tịch Hội Nông dân xã N’Thol Hạ, hiện nay, toàn xã có 95 ha dâu, tăng gần 10 ha so với năm trước, trong đó, chủ yếu được bà con trồng giống dâu lai, cho năng suất cao. Riêng thôn Ðoàn Kết, có 24 ha trồng dâu và 20 hộ dân làm nghề nuôi tằm.
Chị Mai Ly cũng cho biết thêm, trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục khuyến khích bà con mở rộng diện tích, quy mô chăn nuôi tằm, giúp bà con từng bước ổn định, vươn lên thoát nghèo. “Hy vọng mô hình này sẽ càng ngày càng phát triển, nhân rộng để bà con trong thôn cũng như trong xã thoát cảnh nghèo, có cuộc sống ổn định” - chị Mai Ly nói.
Có thể thấy, tuy là một xã vùng đồng bào dân tộc, việc trồng dâu nuôi tằm không phải là nghề truyền thống của bà con, nhưng nhờ nhận thức về trồng dâu nuôi tằm của bà con đã dần thay đổi nên nghề này đã và đang giúp nhiều hộ đồng bào có thu nhập khá ổn định. Điều mà bà con đang băn khoăn hiện nay, đó là chất lượng giống tằm từ nguồn cung ứng còn hạn chế. Hy vọng rằng, vấn đề này sớm được tháo gỡ trong thời gian tới, có như vậy nghề trồng dâu nuôi tằm mới thực sự phát triển bền vững, người dân có niềm tin tiếp tục đầu tư sản xuất để nâng cao chất lượng cuộc sống.