Người làm vườn Tân Kỳ cần cù trên đất cằn
- Thứ hai - 18/12/2017 06:10
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thu hoạch cam tại vườn của ông Nguyễn Văn Hữu, xã Giai Xuân.
Chinh phục đất bạc màu
Ông Nguyễn Văn Hữu ở thôn Vạn Xuân (xã Giai Xuân) cho biết, vì đam mê nghề vườn nên cứ thấy bà con bỏ hoang những khu đồi cằn cỗi do canh tác không hiệu quả là ông “ôm” hết. Vì vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, từ 2004 - 2008, ông Hữu đã gom được 26ha đất đồi rừng. Theo đó, chỗ nào cải tạo được thì ông trồng cam, quýt, thanh long, sắn dây. Trên đồi dốc nhiều đá cuội chỉ có keo mới sống được, ông trồng cây sưa, cây dó. Sau nhiều năm chăm sóc, cung cấp dưỡng chất cho đất, đầu năm 2017, ông Hữu mạnh dạn trồng 1ha cây mắc ca. Để lấy ngắn nuôi dài, ông trồng xen cây dong riềng, ngô, sắn và đang thử nghiệm trồng những cây có giá trị kinh tế cao khác.
Do đất đồi rộng nên thu nhập hàng năm của ông Hữu khá phong phú: năm 2016, thu hoạch được 7 tấn cam (khoảng 100 triệu đồng); năm 2017 dự kiến thu 8-10 tấn (150 triệu đồng); quýt thu hoạch 9 -10 tấn, bán với giá bình quân 12.000 - 13.000 đồng/kg… Tính riêng trong năm 2017, ông Hữu thu lãi 300 - 400 triệu đồng.
Thời gian tới, ông Hữu dự định thu hẹp diện tích trồng keo, đồng thời tiếp tục cải tạo đất để trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn.
Cũng thuộc vùng đất cằn cỗi như Giai Xuân, ông Hoàng Bá Luyện ở xã Nghĩa Hoàn có trang trại 8ha, chủ yếu là đất đá ong. Gia đình ông nuôi 20 con bò sữa, bán sữa cho Nhà máy sữa Vinamilk tại địa phương. Ngoài trồng cỏ nuôi bò, ông Luyện còn trồng mía, bán nguyên liệu cho Nhà máy đường Sông Con và trồng ngô nuôi bò và gia cầm. Để cải tạo vùng đất này thành trang trại cây ăn trái không hề dễ, do nền đất mặt mỏng. Sau hàng chục năm kiên trì tôn tạo, bón phân chuồng ủ hoai để trồng cỏ, ngô, mía; chăn nuôi gia súc, gia cầm, trang trại của ông Luyện mới có cơ ngơi như ngày nay. Hiện, thu nhập của gia đình ông đạt 300-400 triệu đồng/năm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Tử Bá, Chủ tịch Hội Làm vườn Tân Kỳ, cho biết: “Nhờ những chính sách cụ thể về phát triển VAC của chính quyền địa phương từ huyện đến tỉnh, sự cần cù, chăm chỉ và nỗ lực không ngừng của người dân, nhiều năm trở lại đây, đời sống của nhiều hội viên nâng lên rõ rệt. Các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi đã phát triển theo hướng hàng hóa; nông dân chủ động ứng dụng khoa học công nghệ vào nghề vườn. Nhờ vậy, năng suất, sản lượng, giá trị sản phẩm từ VAC được nâng lên rõ rệt; kinh tế hộ gia đình chiếm tới 75 -85% giá trị sản xuất nông, ngư nghiệp. Thu nhập của hội viên cao gấp 2-2,5 lần so với bình quân chung của địa phương; đã xuất hiện hàng trăm hộ gia đình có thu nhập từ 500 - 700 triệu đồng/năm”.
Nâng VAC lên tầm cao mới
Ông Bá cho biết, nhiệm kỳ qua, Hội đã tổ chức 47 buổi tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ cho hội viên, với 3.569 lượt người tham dự. Về nội dung, đã chuyển giao các kỹ thuật phù hợp với nhiệm vụ trồng trọt, chăn nuôi, chăm sóc cây trồng, phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, Hội còn có phong trào sản xuất phân hữu cơ vi sinh, làm đệm lót sinh học nuôi lợn, gà. Năm 2015, sau khi tham quan mô hình đệm lót sinh học ở Hà Nam, Hội đã vận động được 8 hộ/8 xã, thị trấn làm thử để rút kinh nghiệm, kết quả đã làm được 300m2 đệm lót nuôi lợn, được tỉnh hỗ trợ kinh phí. Cũng trong năm này, Hội đã sản xuất được 1.520 tấn phân hữu cơ vi sinh; 6 tháng đầu năm 2017 là 1.100 tấn. Việc sử dụng chế phẩm xử lý tồn dư thuốc BVTV trong đất trồng rau; áp dụng tưới nhỏ giọt; xây dựng mô hình trồng quýt V2, cam Xã Đoài,... cũng thành công và đều được hỗ trợ từ ngân sách huyện.
Đáng ghi nhận là, trong 3 năm (2013 -2015), Hội đã thực hiện thành công đề án trồng sắn dây trên đất gò đồi ở Nghĩa Hợp. Năm 2014, mở rộng thêm ở các xã Nghĩa Bình, Kỳ Tân, Nghĩa Phúc, Giai Xuân, với diện tích 20ha. Năm 2015, tổng kết đề án, được UBND huyện hỗ trợ 5 hộ sản xuất lớn 50% tiền mua máy chế biến, để khuyến khích phát triển bền vững. Một thành công nữa của Hội là, đã nghiên cứu thành công đề tài khoa học: “Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả vùng mía nguyên liệu Tân Kỳ”, kết quả là năng suất mía đạt trung bình 90 -115 tấn/ha. Giai đoạn 2016 – 2020 và những năm tiếp theo, Hội được Sở Khoa học và Công nghệ đưa vào danh mục đề tài nghiên cứu, và đã được UBND tỉnh phê duyệt. Từ đà thắng lợi đó, năm 2017, Hội tiếp tục nghiên cứu đề tài “Sản xuất cây nghệ răm màu đỏ trên đất Tân Kỳ”, với mục tiêu đạt 300ha, giá trị sản xuất đạt trên 100 tỷ đồng đến năm 2020.
Cùng với việc phát triển kinh tế, các hoạt động xã hội của HLV huyện Tân Kỳ cũng đáng được ghi nhận như: tự giác thu nộp quỹ; ủng hộ người nghèo, thiên tai lũ lụt, nạn nhân chất độc da cam, cứu trợ xã hội. Bình quân mỗi năm 1 hội viên đóng góp 225.000 đồng vào các quỹ nhân đạo. Ngoài ra, các hội viên còn tham gia xây dựng nông thôn mới; việc đóng góp công sức, tiền bạc của hội viên cao hơn mức trung bình của xã hội, do đời sống của hội viên cao hơn mặt bằng chung. Hiện, có 86% gia đình hội viên đạt danh hiệu gia đình văn hóa cấp cơ sở trở lên, 85% hội viên được công nhận sản xuất, kinh doanh giỏi từ cấp chi hội trở lên.
Mặc dù nỗ lực của HLV Tân Kỳ thời gian qua rất đáng ghi nhận, song Hội vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: hoạt động của các cấp Hội còn lúng túng, cấp cơ sở chưa chủ động tìm kiếm, thực hiện các hoạt động của Hội mà còn trông chờ cấp trên giao nhiệm vụ, nên hoạt động còn nghèo nàn, hiệu quả chưa cao. Tổ chức Hội đã có ở hầu hết các xã, thị trấn, xóm, bản, hội viên đông, song chất lượng tổ chức Hội chưa mạnh, chưa đủ để nâng cao vị thế Hội. Hầu hết các cấp Hội đều thiếu nguồn lực tài chính để tự trang trải hoạt động, chủ yếu trông chờ vào Nhà nước nên thiếu “bứt phá”. Nguyên nhân thì có nhiều, song, tựu trung lại là do chưa tạo được nguồn lực tài chính để lấy “hội nuôi hội”, nên hoạt động không thường xuyên, thiếu vững chắc. Chưa chủ động tham mưu, đề xuất những ý kiến hay, đóng góp cho sự lớn mạnh của địa phương để có kinh phí hoạt động.
Hy vọng, nhiệm kỳ tới, với sự nỗ lực, tận tâm của cán bộ, hội viên, HLV Tân Kỳ sẽ đưa hàm lượng khoa học công nghệ, trình độ sản xuất VAC lên một tầm cao mới.
Dương An Như/kinhtenongthon.com.vn