Người lính doanh nhân làm giàu trên mảnh đất quê hương

Người lính doanh nhân làm giàu trên mảnh đất quê hương
Người lính trẻ năm nào đã trở thành ông chủ của một thương hiệu vận tải tầm cỡ với 13 năm kinh nghiệm trong ngành. Người lính đó chính là doanh nhân Ngô Trần Ngọc Quốc (Trần Quốc) - Giám đốc Công ty TNHH TM-VT-XNK Trần Quốc (H.Hòa Thành, Tây Ninh). Và bây giờ, người ta lại biết đến Trần Quốc nhiều hơn bởi những dự án mang sứ mệnh quê hương, từ rau sạch, trái cây đặc trưng đến du lịch trên chính mảnh đất Tây Ninh.

12 năm xây dựng 1 thương hiệu

Những năm tháng bộ đội gắn chặt với Đồn biên phòng cửa khẩu Xa Mát đã giúp người lính trẻ thấy được quá nhiều tiềm năng của ngành vận tải hàng hóa qua lại biên giới trên chính quê hương mình. Rời quân ngũ với số tiền 10 triệu đồng, Trần Quốc bắt đầu khởi nghiệp bằng nghề bỏ sỉ trà và cà phê cho các quán ở nhiều huyện, thị trong tỉnh Tây Ninh và một số nơi ở nước bạn Campuchia. Những ngày đầu bươn chải đó giúp người lính trẻ trải nghiệm đầy đủ hương vị của thương trường. Và, ý tưởng về một doanh nghiệp chuyên vận tải mang tên mình cũng bắt đầu từ đây.

Năm 2004, anh quyết tâm gom hết tất cả số tiền tích góp được mở doanh nghiệp vận tải tư nhân với chỉ vài đầu phương tiện. 6 năm sau đó (năm 2010), Công ty TNHH TM-VT-XNK Trần Quốc ra đời. Và bây giờ, năm 2017, tức đã 13 năm trôi qua, vài đầu phương tiện cùng với quyết tâm ngày khởi nghiệp đã biến ý tưởng vận tải của người lính trẻ khi ấy trở thành một thương hiệu tầm cỡ, uy tín trong lĩnh vực vận tải ở tỉnh Tây Ninh nói riêng và cả nước nói chung. Với hơn 200 đầu phương tiện đủ chủng loại, kích cỡ và có thể vận chuyển nhiều hàng hóa đa dạng, vận tải Trần Quốc luôn bảo đảm được sự an toàn của hàng hóa từ khâu lưu trữ, vận chuyển đến xử lý. Bên cạnh đó, công ty này cũng có mối quan hệ tốt với nhiều khách hàng và các đơn vị trong tỉnh, vì vậy Trần Quốc luôn nhận được các hợp đồng vận tải dài hạn với số lượng lớn.

“Kinh doanh mình phải liều lĩnh mới được, tôi luôn thích như vậy. 2 năm đầu tôi chấp nhận chạy huề vốn thậm chí bù lỗ để kéo khách về cho mình, tạo dựng mối quan hệ và uy tín của Trần Quốc. Bí quyết là ở chỗ đó, khi họ đã trở thành khách hàng của mình rồi thì sẽ có những hợp đồng xuyên suốt, từ đó tha hồ mà làm. Lấy số nhiều làm lợi nhuận. Khi ai cũng biết đến mình, cứ vận tải thì tìm đến Trần Quốc là mình thành công rồi. Khi đó mình vui, vì mình đã có thương hiệu mà đó là thứ đôi khi người làm kinh doanh phấn đấu cả đời vẫn không có” - ông Quốc tâm sự thêm.

Ông Quốc quan niệm: “Anh em sống tốt thì mình mới khỏe. Tôi luôn cố gắng trả lương thưởng theo thành quả lao động của anh em, ai làm nhiều ăn nhiều, làm ít ăn ít không có chuyện thâm niên ở đây và cũng không trả lương theo bằng cấp. Ở đây tôi tuyển người biết làm việc chứ không mua bằng cấp nên có nhân viên dù chỉ tốt nghiệp 12 vẫn làm trưởng phòng như chơi, miễn là việc trôi chảy”.

xnk-4
Khu sinh thái Long Trung mà doanh nhân này liều lĩnh đầu tư đã thành hình và thu hút một lượng khách ổn định.

Sứ mệnh quê hương

Thành công trong lĩnh vực vận tải và có cuộc sống ổn định, người doanh nhân đất biên giới này bắt đầu đắn đo về những thế mạnh của đất Tây Ninh. Người lính năm xưa lại bắt đầu rạo rực những dự án làm giàu từ những gì quê hương đang sở hữu. Với tư cách Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Tây Ninh, ông bắt đầu cùng các bạn trẻ trong chương trình khởi nghiệp thành lập các dự án dựa trên thế mạnh có sẵn mà bao năm qua người dân ở đây chỉ quanh quẩn không lối thoát.

 

Ông cùng một số đồng nghiệp là doanh nhân trẻ của tỉnh bắt tay đầu tư xây dựng hệ thống vườn công nghệ cao để trồng dưa lưới và một số loại rau củ quả khác. Ông còn phát triển liên kết hợp tác xã trồng rau sạch ở nhiều địa phương thuộc tỉnh Tây Ninh và thu mua của nông dân với giá cao, cung cấp cho thị trường sản phẩm đạt chất lượng cao, an toàn. Từ dự án này, ngày 27/10/2015, cửa hàng rau sạch mang tên Tani G.A.P đầu tiên đã ra đời, giới thiệu và bày bán những sản phẩm sạch chính gốc phục vụ người tiêu dùng tỉnh Tây Ninh. Đến nay, hệ thống đã phát triển thành mạng lưới rộng khắp, phục vụ tối đa nhu cầu người tiêu dùng Tây Ninh, và cung cấp cho thị trường TP.HCM.

Không chỉ có vậy, ông Quốc còn tổ chức những chuyến đi tham quan, tìm hiểu công nghệ và thị trường cho quả mãng cầu của vùng núi Bà Tây Ninh. Ông tâm sự: “Mãng cầu Tây Ninh có đặc thù riêng, ngọt, dai và ngon không nơi nào bằng và trái mẫu mã cũng rất đẹp. Cái duy nhất còn hạn chế là không thể bảo quản để vận chuyển được lâu vì thế trái mãng cầu của quê hương mình chỉ quanh quẩn trong tỉnh, cùng lắm là xuất hiện ở TP.HCM. Còn cái tôi muốn là thị trường nước ngoài kìa”. Nghĩ là vậy, tưởng khó khăn chồng chất nhưng mới đây ông Trần Quốc hồ hởi thông báo “Đã có giải pháp bảo quản lâu để xuất khẩu và có sẵn thị trường, trồng thí điểm rồi nhé!”.

Cũng trong năm 2015, ông Quốc liều lĩnh đổ một “đống tiền” vào một khu đất ao hồ vắng người ở huyện Hà Thành để thành lập Khu sinh thái Long Trung (Long Trung Quán) để phục vụ nhu cầu ăn uống, câu cá giải trí. Cú đầu tư tưởng chừng thua sẵn vì không ai làm dịch vụ ăn uống lại chọn một nơi ao hồ lại chẳng có ai qua lại mà làm. Vậy mà ngay khi đưa vào hoạt động Long Trung Quán còn không đủ chỗ ngồi, phục vụ không kịp cho nhu cầu người dân từ khắp nơi trong tỉnh đổ về, đặc biệt là dịp cuối tuần. Bây giờ nghĩ lại, ông Quốc vẫn cười xuề: “Ai nói gì nói, mình làm cứ làm thôi. Tầm nhìn mình đến đâu thì làm đến đấy, kết quả chứng minh hết, khỏi phải nói vòng vo”.

Không dừng lại ở đó, mới đây ông Quốc cũng bắt tay với một nhóm bạn trẻ khởi nghiệp bằng một dự án du lịch phượt. Việc này được nhiều người làm du lịch dự đoán là bước đi đầy khôn ngoan của chính những người con Tây Ninh trên mảnh đất của mình.

 
Theo Võ Nguyễn/nguoitieudung.com.vn