Người nông dân trẻ quyết chí làm giàu

Người nông dân trẻ quyết chí làm giàu
Nhờ ý chí và quyết tâm làm giàu, anh nông dân trẻ Trần Quang Hòa (sinh năm 1976) ở thôn An Lộng, xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đã có nguồn thu nhập hơn 450 triệu đồng mỗi năm từ mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp cung ứng các dịch vụ tổng hợp.
Gặp chúng tôi, anh Hòa cho biết: “Trước đây, khi tôi chưa lập gia đình, vì đời sống kinh tế khó khăn nên cũng không ít lần dự định theo bạn bè đi vào miền Nam lập nghiệp. Năm 1999, tôi lập gia đình và quyết chí ở lại làm giàu ngay trên quê hương mình”. 

Anh Hòa đang kiểm tra máy cày để xuống đồng mùa vụ mới


Với 30 triệu đồng vay được từ Ngân hàng Chính sách xã hội, anh bàn với vợ thuê đấu ba mẫu ruộng để canh tác và mở thêm trang trại chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm. Mặc dù chịu khó, chăm chỉ làm ăn nhưng năng suất lao động thấp và hiệu quả kinh tế không cao nên gia đình anh Hòa vẫn chưa khấm khá được. Đã thế, vào năm 2004, hoạt động sản xuất của vợ chồng anh bị thất thu bởi ảnh hưởng của dịch bệnh, mất mùa và rớt giá. 

Sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, anh Hòa quyết định vay mượn thêm để chuyển sang sản xuất, kinh doanh theo hướng mới. Từ nguồn vốn 100 triệu đồng vay được của ngân hàng, mượn thêm từ bạn bè, người thân, anh đầu tư mua sắm máy nông nghiệp, trước là để hỗ trợ việc canh tác, sau là làm dịch vụ cho người dân quanh vùng. 

Ban đầu vì nguồn vốn còn ít nên anh chỉ mua được một máy cày Kubota L2202M trị giá 60 triệu đồng. Sau một thời gian hoạt động và thấy được hiệu quả rõ rệt của việc cơ giới hóa, năng suất lao động tăng, năm 2008 anh mua thêm một máy cày Kubota nữa để canh tác và làm dịch vụ cho người dân. Tích lũy được một số vốn, vợ chồng anh lại tiếp tục mở rộng làm ăn. 

Đầu năm 2009, anh mua một xe vận tải làm dịch vụ vận chuyển hàng hóa và kết hợp đúc bờ lô để bán. Không dừng lại ở đó, để mở rộng và nâng cao hoạt động kinh tế, năm 2011 anh lại sắm thêm một máy gặt đập liên hợp Kubota DC60 trị giá 560 triệu đồng. Đến nay, gia đình anh lại sở hữu thêm một chiếc máy gặt đập liên hợp khác. Nhờ vậy, công việc làm ăn của anh ngày càng phát huy hiệu quả, tăng thêm nguồn thu nhập, trả được các khoản nợ vay và vươn lên giàu có. 

Anh cho biết: “Mỗi năm, vợ chồng tôi thu được khoảng 20 tấn lúa từ dịch vụ máy cày, sau khi trừ các chi phí còn khoảng 80 triệu đồng; thu từ máy gặt cũng gần 400 triệu đồng, trừ các khoản chi phí còn lại hơn 240 triệu đồng. Riêng dịch vụ vận tải hàng hóa và đúc bờ lô, trung bình mỗi năm cũng được trên dưới 130 triệu đồng”. 

Không chỉ vươn lên làm giàu cho mình, anh Hòa còn động viên, tạo điều kiện để mọi người cùng làm ăn và giải quyết thêm việc làm cho nhiều người dân trong vùng. Hiện nay, ngoài việc thuê ba nhân công cùng đúc bờ lô với vợ chồng anh, vào mùa vụ thu hoạch, anh còn thuê thêm bốn thợ lái máy gặt đập liên hợp với tiền công hơn 250.000 đồng/người/ngày. Ngoài ra, gia đình anh còn tích cực ủng hộ, tham gia các hoạt động xã hội từ thiện và xây dựng nông thôn mới ở địa phương. 

Với những kết quả đạt được, năm 2014 anh vinh dự được UBND huyện Triệu Phong biểu dương và tặng giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh, dịch vụ giỏi giai đoạn 2011- 2013.
 
Theo baoquangtri.vn