Người “thuần hóa” vùng đất khô cằn

“Phải yêu đất lắm mới sống được trên đất này, đất mới nhận mình”. Đó là lời tâm sự của chị Phùng Thị Thơ (trong ảnh) khi đưa chúng tôi đi tham quan trang trại rộng 12 ha trên vùng đất đồi đầy sỏi ở xã Vật Lại, huyện Ba Vì, Hà Nội.
Người “thuần hóa” vùng đất khô cằn

Nhìn trang trại xanh mướt được quy hoạch theo mô hình VAC của gia đình chị Thơ, khó có thể tưởng tượng gần 20 năm trước, khu đất này là đồi trọc đầy sỏi đá, cỏ dại. Năm 2000, khi gia đình chị mới nhận đấu thầu, khu đồi cỏ mọc lút đầu người. Sau mỗi trận mưa lớn, đất thịt bị xối sạch, chỉ còn lại đá và sỏi, chẳng có cây trồng nào sống nổi. Mày mò, tìm hiểu kinh nghiệm, gia đình chị Thơ đã trồng cây đậu đen và củ đậu, nhưng năng suất và thu nhập không cao, không đủ tiền nhân công. Cuộc sống bộn bề khó khăn, vất vả. Để chống xói mòn cho vùng đất đồi, cùng với việc tìm các loại cây trồng giữ đất, gia đình chị đã kiên trì sàng lọc sỏi để lấy đất thịt. Vất vả không kể xiết, nhưng đất không phụ người. Vùng đồi trọc được cải tạo, đất nhiều “thịt” hơn, cây cối bắt đầu bén rễ, đâm chồi.

Sau khi “thuần hóa” mảnh đất khô cằn, gia đình chị Thơ chuyển sang chuyên canh 1.000 cây bưởi Diễn. Tận dụng địa hình đồi núi, gia đình chị dùng 1 ha mặt nước để nuôi cá, 11 ha vườn trồng cây ăn quả, hoa màu và chuồng trại, 250 nghìn cây dứa, gần 200 con lợn gồm cả lợn thịt và lợn rừng, 20 nghìn con gà thả đồi... Mọi quy trình được xây dựng khép kín. Dứa trồng cho thu hoạch quả, còn lá dùng để nuôi lợn. Lợn được nuôi bằng bã bia và lá dứa, gà chỉ ăn ngô cho nên thịt bảo đảm ngon và sạch; hằng tuần đều có khách đến đặt hàng. Hiện tại, trang trại của gia đình chị Thơ thường xuyên tạo việc làm cho 25 người lao động. Dù cuộc sống đã khấm khá, nhưng hằng ngày chị Thơ vẫn thăm vườn, chăm từng gốc bưởi, từng vạt dứa. Xòe đôi bàn tay chai sạn, chị bảo: “Công nhân làm như thế nào, tôi làm như thế ấy. Có như vậy họ mới nể phục và gắn bó với mình. Bây giờ, tôi thực hiện tự động hóa, đầu tư máy đào gốc, chặt rễ cây, máy bón phân... cho nên lượng công nhân giữ ở mức đó, thu nhập bình quân mỗi người từ ba đến bảy triệu đồng/tháng, tùy từng công việc và thời gian”.

Đến nay, mô hình chăn nuôi, trồng trọt khép kín của gia đình chị Thơ đã mang lại lợi nhuận đáng kể. Trừ đi các loại chi phí, mỗi năm chị để dành được hơn 500 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình chị thường xuyên giúp đỡ các hộ nghèo trong thôn, giúp các hội viên hội phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vay vốn không lấy lãi. Chị đã tặng cây, con giống cho bảy hộ nghèo trong thôn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. 
Đằng sau những cây bưởi đang lên xanh non hứa hẹn sẽ cho trái thơm, quả ngọt là bao nhiêu mồ hôi và công sức của chị Thơ và các thành viên trong gia đình. Chị Thơ là một trong 100 phụ nữ tiêu biểu toàn quốc được vinh danh trong Chương trình Tự hào phụ nữ Việt Nam tại Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ 11, nhiệm kỳ 2017 - 2022 vừa qua.

Theo Nhandan.com.vn