Người thương binh làm kinh tế giỏi.

Người thương binh làm kinh tế giỏi.
Làm theo lời Bác dạy: “Thương binh tàn nhưng không phế”, ông Nguyễn Văn Hởi (SN 1956), thương binh hạng 4/4, ở Tổ dân phố Tế Tiêu, thị trấn Đại Nghĩa (huyện Mỹ Đức) đã vươn lên làm giàu từ mô hình VAC mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Ấn tượng đầu tiên khi gặp ông Hởi là nụ cười hiền hậu, dáng người nhỏ nhắn với chiếc áo bộ đội quen thuộc. Ông Hởi xúc động kể về những năm tháng chiến đấu tại chiến trường miền Tây và ôn lại kỷ niệm với người đồng đội đã lâu ngày không gặp. Tình nguyện lên đường nhập ngũ năm 1974 khi vừa tròn 18 tuổi, ông Hởi tham gia trận đánh giải phóng Cai Lậy, Mỹ Tho, Tiền Giang và bị thương nặng. Năm 1979, ông xuất ngũ trở về quê  lập gia đình. "Lúc bấy giờ, hai bàn tay trắng, không nghề nghiệp, rồi cả những vết thương cứ tấy đau mỗi khi trái gió trở trời như thách thức tôi phải tiếp tục chiến đấu với cuộc sống đầy rẫy khó khăn" – ông Hởi chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Hởi chăm sóc ao cá của gia đình.

Năm 2002, HTX Nông nghiệp Đại Nghĩa triển khai chương trình chuyển đổi ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang mô hình trang trại, ông Hởi đã mạnh dạn nhận thầu 2,5ha khu ruộng xấu nhất để xây dựng trang trại tổng hợp VAC. Sau 15 năm nỗ lực đầu tư canh tác, đến nay, quy mô trang trại của ông Hởi đã được quy hoạch hiện đại với hệ thống chuồng trại khép kín. Mỗi năm, gia đình ông thu hoạch và xuất bán ra thị trường 20 tấn cá các loại, hàng nghìn quả trứng từ 1.000 con vịt đẻ. Những năm trước, giá lợn tương đối cao nên đàn lợn thịt thương phẩm cũng cho ông thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm. Tận dụng khoảng đất trống, ông Hởi còn trồng thêm 500 gốc bưởi Diễn, dự kiến sẽ cho thu hoạch vào cuối năm nay. Năm 2016, trừ các khoản chi phí, gia đình ông thu lãi trên 300 triệu đồng.
Để đạt được thành quả như ngày hôm nay, ông Hởi đã phải trải qua bao gian nan, thử thách. Nhất là thời điểm khi mới bắt tay vào gây dựng trang trại, do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm nên đàn lợn, vịt, cá thường xuyên bị dịch bệnh. Khoảng thời gian ông Hởi cảm thấy mình kiệt sức nhất là năm 2008 - 2009, do úng lụt, trang trại của ông bị ngập trắng, thiệt hại nặng. Rất may, sau lần đó, ông Hởi được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ thiệt hại do thiên tai 35 triệu đồng, cùng với sự động viên, giúp đỡ của bạn bè, gia đình, ông đã gượng dậy quyết tâm làm lại từ đầu. Khi được hỏi, động lực nào thôi thúc mình mạnh mẽ vượt qua mọi khó khăn, ông Hởi từ tốn nói: "Với tâm niệm giữ trọn phẩm chất người lính Cụ Hồ, tôi luôn tự nhủ mình phải nỗ lực vươn lên trong mọi hoàn cảnh để làm gương cho con cháu và để góp sức xây dựng quê hương".
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Hởi còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của nhiều đoàn thể như Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Người cao tuổi... Ngoài ra, ông còn vận động các thành viên trong gia đình nghiêm túc chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các phong trào do địa phương phát động. Năm nào gia đình ông Hởi cũng đạt danh hiệu Gia đình văn hóa tiêu biểu, các con của ông đều có công ăn việc làm ổn định trong ngành giáo dục và ngành y.
Với những thành tích và đóng góp trong suốt thời gian qua, ông Hởi đã được UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu "Người tốt, việc tốt" tiêu biểu. Nhiều năm liền, ông được nhận Giấy khen của Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân huyện Mỹ Đức về năng động phát triển kinh tế. Ông Nguyễn Văn Hởi xứng đáng là tấm gương sáng vượt khó làm giàu để các hội viên cựu chiến binh học tập và làm theo.
Theo Bình Minh/kinhtedothi.vn