Nhân rộng các mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường
- Thứ hai - 06/07/2015 11:56
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ô nhiễm môi trường xuất phát từ ý thức, thói quen sinh hoạt của mỗi cá nhân, hộ gia đình, vì vậy việc tuyên truyền, vận động và tập huấn nâng cao nhận thức cho bà con được các cấp hội quan tâm triển khai đến tận hội viên. Bên cạnh đó là xây dựng các mô hình về phương pháp thu gom, phân loại và xử lý chất thải sinh hoạt trong gia đình và cộng đồng dân cư. Xã Cẩm Tú (Cẩm Thủy) có diện tích tự nhiên rộng, các khu dân cư phân bố dàn trải, thoáng đãng. Tuy nhiên, trước năm 2011, tình trạng đổ rác bừa bãi của một bộ phận dân cư đã dẫn đến ô nhiễm môi trường. Nguy hiểm hơn, rác thải lại được đổ ngay xuống các con suối dễ dẫn đến việc phát tán dịch bệnh. Được sự quan tâm của Hội Nông dân tỉnh, tháng 7 năm 2011, mô hình nông dân tham gia BVMT thông qua công tác thu gom và xử lý rác thải được xây dựng. Ngoài việc tập huấn nâng cao nhận thức về công tác BVMT cho nông dân, Hội Nông dân tỉnh còn hỗ trợ xây dựng 300m cống thoát nước thải sinh hoạt tại khu vực trung tâm hành chính của xã, hỗ trợ 12 xe thu gom rác chuyên dụng. Những điều kiện này đã giúp xã Cẩm Tú thành lập tổ thu gom rác thải, 2 ngày tổ chức thu gom một lần, hạn chế tối đa tình trạng ứ đọng rác thải, góp phần cải thiện đáng kể môi trường sống của nhân dân địa phương. Ngoài ra, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai hàng chục mô hình thu gom rác thải tại các địa phương, như: xã Đông Anh (Đông Sơn), xã Định Long (Yên Định), thị trấn Cành Nàng (Bá Thước), xã Quảng Cư (thị xã Sầm Sơn)..., đã hỗ trợ trên 100 xe thu gom chuyên dụng, xây mới và sửa chữa gần 2.000m cống rãnh, tổ chức tập huấn cho gần 20.000 lượt hội viên về công tác thu gom, phân loại và xử lý chất thải trong sinh hoạt gia đình và cộng đồng dân cư. Tại huyện Ngọc Lặc, qua khảo sát cho thấy người dân có thói quen nuôi nhốt gia súc ngay dưới gầm sàn trong ngôi nhà của gia đình đã dẫn đến ô nhiễm môi trường tại nơi ở. Vì vậy, các cấp hội đã tập trung tuyên truyền và hỗ trợ để bà con xây dựng khu nuôi nhốt gia súc, gia cầm cách xa nơi ở. Sau 3 năm triển khai, đến nay Ngọc Lặc đã có 95% số hộ gia đình thực hiện chăn nuôi tách biệt với nơi ở. Sức khỏe người dân được cải thiện, ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi được hạn chế, bà con có điều kiện phát triển ở quy mô lớn hơn.
Huyện Nga Sơn có truyền thống về chăn nuôi, nên việc tập trung hỗ trợ và hướng dẫn hội viên áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật xử lý chất thải BVMT là hết sức cần thiết. Năm 2013, hội nông dân huyện đã xây dựng mô hình điểm về “Chăn nuôi gia súc, gia cầm trên nền đệm lót sinh học”, đồng thời tổ chức tập huấn kỹ thuật và hướng dẫn cụ thể các bước để hội viên dễ dàng áp dụng. Thông qua hiệu quả của mô hình đầu tiên, hội nông dân huyện tổ chức để các hộ chăn nuôi đến tiếp cận thực tế. Với ưu điểm hạn chế mùi hôi, ruồi muỗi, tiết kiệm điện, nước và lao động dọn rửa chuồng trại nên đã có nhiều hộ đăng ký triển khai. Sau 2 năm triển khai, đến nay huyện Nga Sơn đã có 40 hộ chăn nuôi gia súc, 600 hộ chăn nuôi gia cầm đang áp dụng công nghệ này. Năm 2015, được sự hỗ trợ của chính quyền, Hội Nông dân huyện Nga Sơn đã có kế hoạch triển khai xây dựng tại 27 xã với 10 mô hình mỗi xã. Khi lợi ích thấy rõ, lại được sự hỗ trợ của các cấp hội, phương pháp chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học được phát triển mạnh mẽ ở nhiều địa phương khác trong tỉnh như: Thiệu Hóa, Đông Sơn, Quảng Xương, Thọ Xuân..., điển hình là Hội Nông dân huyện Thiệu Hóa với 500 mô hình đã được xây dựng.
Tại huyện Vĩnh Lộc, trước năm 2012 có không ít trường hợp gia súc, gia cầm uống nước ô nhiễm bị chết, nông dân lao động trên đồng ruộng bị choáng, đau đầu... Nguyên nhân được xác định là do sau khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bà con vứt ngay tại các bờ ruộng, số thuốc còn tồn dư trong vỏ bao bì phát tán ra. Trước thực tế đó, hội nông dân huyện đã tuyên truyền xây dựng mô hình “Vệ sinh môi trường ngoài đồng ruộng”. Từ mô hình điểm xây dựng tại xã Vĩnh Tiến, đến nay toàn huyện đã có 15/16 xã xây dựng, lắp đặt 450 bể chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên khắp các cánh đồng. Ngoài việc tự thu gom ngay sau khi sử dụng, hội nông dân các xã tổ chức cho bà con tổng vệ sinh đồng ruộng sau mỗi vụ sản xuất. Bà con đã hưởng ứng tích cực, hiện ở khắp các địa phương trong tỉnh đều đã có hàng ngàn điểm thu gom được xây dựng.
Tuyên truyền, vận động cùng với việc triển khai xây dựng mô hình điểm và nhân rộng để hội viên nông dân nâng cao ý thức trách nhiệm đối với công tác BVMT là việc làm thường xuyên của các cấp hội. Cuộc sống bền vững khi phát triển sản xuất phải đi đôi với công tác BVMT, có như vậy mới tạo ra mối quan hệ hài hòa giữa môi trường và con người vì một tương lai lâu dài.
Theo baothanhhoa.vn