Nhân rộng mô hình nuôi gà nhiều cựa
- Thứ năm - 10/08/2017 23:43
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chăm sóc gà nhiều cựa |
Gia đình chị Phùng Thị Mơ là một trong những hộ nông dân chăm sóc số lượng gà nhiều cựa với hàng trăm con. Theo chị Mơ, để đàn gà phát triển tốt và không bị dịch bệnh, cần chăm sóc, tiêm phòng đầy đủ từ khi gà còn nhỏ. Gà nhiều cựa ở Tân Sơn là giống bản địa, được nuôi theo phương thức chăn thả tự nhiên, số trang trại, gia trại có quy mô lớn không nhiều. Thông thường giống gà này được nuôi từ 10 - 12 tháng mới xuất chuồng, giá bán từ 300.000 - 350.0000 đồng/kg.
Trước đây người dân nơi đây chưa biết rõ về giá trị loài gà nhiều cựa, chỉ chăn thả tự nhiên, không chăm sóc đúng kỹ thuật và phòng bệnh nên giống gà này có nguy cơ tuyệt chủng. Những năm qua, việc bảo tồn, phát triển giống gà quý này được các sở, ban ngành địa phương triển khai bằng nhiều dự án, giống gà quý đã được phục hồi, nhân đàn. Tại thời điểm này, giá gà đủ 9 cựa lên đến 450.000 - 500.000 đồng/kg. Nhiều khách hàng tìm những con gà trống lâu năm, khỏe khoắn, mào đỏ như hoa chuối rừng, 9 cựa, không ngại ngần trả vài triệu đồng 1 con.
Mô hình gà nhiều cựa của anh Hà Thế An ở khu Vượng, xã Xuân Đài nuôi từ 300 - 400 con gà nhiều cựa, đã vươn lên thành hộ khá giả... Cách nhà anh An không xa là hộ anh Hà Văn Điểm. Anh Điểm kể: “Thấy gia đình anh An, chị Mơ và một số hộ gia đình khác nuôi gà nhiều cựa khá nhàn hạ lại cho thu nhập khá, tôi bàn với vợ quyết định đầu tư nuôi gà 9 cựa, cho chúng ăn thóc, ngô, rau lá... nên thịt chắc, ngon được khách hàng rất ưa chuộng...”.
Khởi đầu nuôi vài chục con một lứa, hiện quy mô của anh Điểm nuôi mỗi lứa từ 300 - 400 con, mỗi năm xuất bán từ 2 - 3 lứa, trừ chi phí mỗi năm thu lãi gần 60 triệu đồng.
Thời gian qua, Trạm Khuyến nông huyện Tân Sơn đã thực hiện dự án hỗ trợ mô hình nuôi gà 9 cựa tại các xã Xuân Sơn, Xuân Đài, Minh Đài, Văn Luông... nhằm bảo tồn và phát triển nguồn gen quý, tiến tới sản xuất hàng hóa.