Những gương thương binh làm kinh tế giỏi

Những gương thương binh làm kinh tế giỏi
Sau những năm tháng rèn luyện trong quân đội, năm 1981 anh thương binh Nguyễn Thận, thôn Tây, xã Tịnh Sơn huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) rời quân ngũ trở về địa phương với thương tật hạng 4/4, mất 41% sức khỏe. Phát huy bản chất bộ đội cụ Hồ, không cam chịu đói nghèo, anh đã nghiên cứu, tìm hiểu kinh nghiệm sản xuất và bắt tay vào làm kinh tế.

 

Thương binh Nguyễn Hồng Mậu bên vườn Quýt thái 3 năm tuổi của gia đình

 

Năm 1986, anh bàn với vợ xây dựng một lò ngói và một lò gạch, nhờ biết chọn đúng thời điểm nên lúc này lò gạch rất phát triển. Hàng năm, giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho 9 lao động ở địa phương, những lúc cao điểm lên đến 18 người, bình quân thu nhập cho lao động 3 triệu đến 4,5 triệu đồng/người/tháng. Với ý chí vươn lên tạo dựng cuộc sống cho gia đình, anh tiếp tục đầu tư xây dựng máy xay xát để mở rộng sản xuất chuyển đổi nghề nghiệp, sau khi Nhà nước ngưng hoạt động các lò gạch thủ công. Lợi nhuận thu về hàng năm của gia đình khoảng 100 triệu đồng.

 

Năm 2006, anh đã xây được căn nhà khang trang trị giá 250 triệu đồng. Trong cuộc sống hàng ngày, anh luôn biết chia sẻ với anh, em và bà con lối xóm, tích cực tham gia công tác Hội cựu chiến binh ở địa phương. Ông Nguyễn Thận chia sẻ: “Sau khi ở quân đội về lập gia đình với hai bàn tay trắng với nhiều khó khăn vất vả, nhờ được trong quân đội rèn luyện mang tố chất của người lính từ đó nghiên cứu, tìm tòi nhiều mô hình làm ăn trong đó có gạch ngói, quyết định làm một lò ngói và một lò gạch. Sau khi nhà nước có ý định chuyển đổi ngành nghề, tôi phát triển thêm một máy gạo và máy xay xát để tạo điều kiện cho bà con láng giềng và mình có thu nhập. Hiện nay gia đình tương đối ổn định”.

 Hai vợ chồng ông Nguyễn Hồng Mậu là Thương bệnh binh ở thôn Trà Bình, xã Tịnh Trà, mặc dù cả hai đã ở ngoài tuổi 60, sức lực giảm sút, nhưng với bản chất người lính cụ Hồ không ngại gian khó trong chiến tranh và khi trở về cuộc sống thời bình hai vợ chồng tiếp tục phát huy bản chất đó, tích cực lao động sản xuất, xây dựng thành công mô hình kinh tế trồng trọt, chăn nuôi cho thu nhập cao. Từ mảnh đất khô cằn ở đồi Gò Muồng, nhờ hai bàn tay trắng và đức tính cần cù, chịu khó giờ vợ chồng ông đã biến hơn 4.000 mét vuông đất trở thành một màu xanh bạt ngàn, mang lại giá trị kinh tế cho gia đình. Từ năm 2014, ông mạnh dạnh trồng hơn 250 gốc tiêu, trồng tre lấy măng xuất khẩu, nuôi cá lóc.

Trong quá trình sản xuất chăn nuôi tuy gặp nhiều khó khăn, thất bại, nhưng ông tích cực học hỏi kinh nghiệm và bằng quyết tâm của mình đầu năm 2008 ông mạnh dạn nuôi 10 ngàn Gà con, sau đó tiếp tục nuôi 1 ngàn con Gà kiến thả vườn. Với đà phát triển đi lên, ông lại tiếp tục đầu tư mua 2 máy ấp trứng để bán con. Tính bình quân trừ chi phí hàng năm thu lợi nhuận 150 triệu đồng. Hiện nay, ngoài chăn nuôi bò gia đình ông trồng 100 cây Quýt thái ba năm tuổi, hiện đã ra lứa quả đầu tiên và 3 ha rừng cây keo. Thấm nhuần lời dạy của Bác “Thương binh tàn nhưng không phế”, vợ chồng ông luôn tự nhủ với bản thân và động viên gia đình cùng những người xung quanh cùng gương mẫu trong mọi mặt của cuộc sống.

 Ông vui vẻ kể“Bản thân tôi sau khi trở về quê hương hai vợ chồng xác định lập nghiệp với đôi bàn tay trắng, vừa tham gia công tác địa phương vừa xây dựng kinh tế cho gia đình để ổn định cuộc sống và lo cho con ăn học, đến nay thì 2 đứa con cũng đã thành đạt. Sau khi về đây mảnh đất này là mảnh đất bom rơi, đạn nổ, cằn cỗi do chiến tranh không cây, không lá mà rừng hoàn toàn là đồi trọc xuất phát từ đó mà nghĩ đến chuyện làm kinh tế, trong đó là có trồng rừng”.

Một thời cầm súng chiến đấu vì độc lập dân tộc, khi đất nước được hòa bình, trở về với cuộc sống đời thường, nhiều người lính vẫn tiếp tục phát huy phẩm chất của người bộ đội cụ Hồ, vượt qua mọi khó khăn để vươn lên trong cuộc sống./.

Theo Hoinongdan.org.vn