Những mô hình sản xuất nông nghiệp nào cho thời tiết cực đoan?

Thời tiết ngày càng cực đoan, lũ bất thường xa dần với những quy luật trước đây. Các hiện tượng xâm nhập mặn, thời tiết nóng, lạnh bất thường, áp thấp nhiệt đới gây mưa kéo dài… đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt dân sinh.
Biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra phức tạp đòi hỏi cần có các giải pháp chủ động thích ứng. Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ về giải pháp trong sản xuất nông nghiệp thích ứng với tình hình này trong thời gian tới đây. 

Mùa khô tại các tỉnh phía Nam sắp bắt đầu. Sau đợt hạn mặn năm 2016, các ngành nhất là ngành nông nghiệp đã có nhiều giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu. Ông có thể đánh giá việc thực hiện các giải pháp chuyển đổi cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu thời gian qua của ngành nông nghiệp? 

Biến đổi khí hậu đang làm cho việc sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất lúa gạo nói riêng của Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Biến đổi trước tiên đó là nhiệt độ ngày càng tăng dần đến khô hạn, mưa kéo dài, diễn biến lũ bất thường.... Mặc dù hiện nay vẫn đang là mùa khô nhưng tại các tỉnh phía Nam đã có mưa. Điều này ảnh hưởng đến sản xuất của những người trồng lúa, mía, trồng điều và trồng màu do có mưa và nước ngập.
 
Đến thời điểm này mặc dù hạn hán trong năm nay tại vùng này chưa có nhưng để đối phó với tình hình hạn mặn, nông dân đã có phong trào nuôi các loại tôm và về sau là chuyển đổi sang các giống lúa chịu hạn. Phong trào này tập trung mở rộng tại các tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng và Bạc Liêu. 

Cánh đồng lúa Tài nguyên ở xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu bị mất trắng do hạn hán và xâm nhập mặn. Ảnh: Nguyễn Thanh Liêm/TTXVN

Hiện nay, các vùng này đã có phương pháp biến nước mặn từ 16 phần nghìn về 0,02 phần nghìn, tức là theo tiêu chuẩn cho phép của ngành khoa học để dùng làm nước sinh hoạt. Quy trình chuyển nước biển thành nước ngọt cũng đã làm được và hiện có nhà máy nước tại Bến Tre được đưa vào vận hành, bà con rất phấn khởi vì không phải lo về nước như những năm trước. 

Ngoài ra, tại một số tỉnh như Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, lãnh đạo các địa phương cũng đã khuyến khích, động viên bà con bỏ bớt vụ lúa, thay vào đó bằng các vụ cây khác và bằng chuyển đổi nuôi cá. Từ vài năm nay, các địa phương đã làm mạnh phương pháp này và trong thời gian tới cũng hướng tới phương pháp dùng đậu xanh làm giá, hay có thể trồng hoa màu thay vì trồng lúa, đậu xanh, lạc, đậu bắp… ở những vùng đất pha cát nhiều như vùng Cù Lao nếu tìm được thị trường. Đó là các giải pháp tôi cho là khá tốt trong thời gian qua. 

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng khuyến khích các bạn Việt Nam ở Nhật Bản tìm thị trường giúp nông dân Việt Nam về các loại rau bắp cho bò ăn, bởi ở Nhật Bản có hơn 90% thức ăn cho bò là nhập khẩu. Đây là hướng đi cũng rất có triển vọng vì nếu như bỏ bớt một vụ lúa để trồng loại cây đó làm thức ăn cho bò thì có thể tăng lợi ích người nông dân hơn là trồng 3 vụ lúa. 

Vậy, ngoài những giải pháp trên về lâu dài chúng ta cần những yếu tố gì để sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu một cách bền vững, thưa Giáo sư? 

Tôi thấy rằng, việc phục hồi nguồn nước ngầm đang bị khai thác quá mức bằng cách những năm lũ lớn thì bơm nước ngầm xuống dưới đất cho dù hơi phức tạp về kỹ thuật và tốn kém chi phí, nhưng là việc phải làm. Liên kết vùng, chia sẻ nguồn nước phải trên tinh thần chia sẻ cả rủi ro và lợi ích. Trước tiên là thực hiện ở vùng Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang rồi sau đó mới mở ra toàn vùng, chứ không nên làm ồ ạt theo phong trào vì sợ không đủ nguồn lực đầu tư. 

Việc giữ và điều tiết nước cho Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ phụ thuộc vào Biển Hồ mà còn có Đồng Tháp Mười. Đây là khu vực chứa nước của đồng bằng trong mùa mưa. Tuy nhiên, hiện tại do làm lúa vụ ba nên diện tích Đồng Tháp Mười đang bị thu hẹp dần, mặc dù vẫn còn một số diện tích rừng tràm tự nhiên ở Tiền Giang và Long An. Trong điều kiện hạn hán và nước biển xâm nhập, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long không nên cứ chạy theo trồng lúa để xuất khẩu với giá quá rẻ, nông dân không có lãi mà Nhà nước phải đầu tư quá nhiều kinh phí tiền bạc. 

Chúng ta cần chuyển đổi những hình thức canh tác phù hợp, bền vững mà lợi tức cao như quy trình lúa - tôm ở những vùng ven biển thường bị mặn xâm nhập. Cách làm này vừa bảo đảm an ninh lương thực, lãi cao, bảo vệ môi trường bền vững, ít tốn kinh phí đầu tư của Nhà nước chống xâm nhập mặn, vừa không phí phạm lượng nước ngọt dành cho dân sinh và cho những cây trồng cao cấp như cây ăn trái, hành tỏi... 

Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chỉ nên tập trung trồng lúa tại các vùng đất phù sa ven sông hoặc ven kênh lớn bảo đảm có nước ngọt hoàn toàn quanh năm. Tại các vùng nhiễm mặn, nếu nuôi tôm bền vững thì nên đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương thủy lợi kèm theo giúp dân tránh được tình trạng tôm bệnh như hiện nay. Vùng đất giồng cát ven biển có thể tổ chức cho nông dân trồng màu (củ hành, tỏi, sắn...) hoặc cây ăn trái (xoài, nhãn, vú sữa, chuối...) liên kết với các doanh nghiệp chế biến bảo quản các sản phẩm này đưa ra thị trường trong nước hoặc xuất khẩu. 

Ngoài các biện pháp trên về lâu dài, để thích ứng biến đổi khí hậu, theo tôi, thứ nhất là lo cho vùng nước mặt. Theo đó, có thể chia ranh giới mặn-ngọt để có cơ sở dành cho lúa và cây lương thực. Còn vùng mặn tận dụng khi vào mùa mưa cần lấy nước mưa để tiến hành nuôi tôm, cá nước lợ. Hiện nay, tại các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu… các nhà khoa học đã hợp tác với các cơ quan của tỉnh, Trung ương thiết kế những vùng nuôi tôm ổn định. Tức là làm kênh dẫn nước, lấy nước mặn vào hồ, biến nước mặn thành lợ thích hợp cho con tôm. Bởi quy trình chuyển đổi nước mặn thành nước ngọt là có, nên chúng ta chỉ việc áp dụng quy trình công nghệ cao để thích hợp cho con tôm trước khi đưa vào vùng nuôi tôm. 

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã cho phép dồn điển đổi thửa, tích lũy ruộng đất nên việc sản xuất tôm cũng đã tránh được tình trạng manh mún và trong tương lai việc này sẽ được sắp xếp trở lại. Để làm được điều này sẽ phải xây dựng những con kênh lấy nước vào, thoát nước ra trên từng thửa ruộng, để tôm phát triển mạnh và môi trường không bị thiệt hại. 

Tuy nhiên, để tổ chức lại thì công ty, doanh nghiệp và nông dân phải cùng nhau ký hợp đồng chỉnh sửa quy hoạch. Tất cả các kênh nước thải sẽ tập trung về một nơi gần biển để thải ra biển. Còn vùng nuôi tôm này các công ty, cơ sở có thể kết hợp nuôi tôm với các loại cua, cá nước lợ. Nếu thực hiện được điều này chắc chắn sẽ đem lại lợi ích vùng đó lên từ 3-4 lần. 

Còn vùng ngọt nên phát động phong trào áp dụng kỹ thuật vào sản xuất lúa rộng hơn. Đó là dùng công nghệ cao trong sản xuất để trồng lúa, qua đó sẽ tăng lợi nhuận gấp 2,5-3 lần. Theo đó, có thể quản lý đất đai, trồng cây áp dụng quy trình VietGAP để hạ giá thành sản xuất lúa từ 3.800-4.000 đồng/kg xuống còn 2.000 đồng/kg và điều này chúng ta cũng đã thực hiện được. 

Thực ra trong canh tác lúa, khuyến nông cũng sẽ phải tham gia để nhân rộng giải pháp gieo trồng hiệu quả. Tức là phải có một số “tiết kiệm” như: tiết kiệm giống lúa, phân bón, nhất là nước… và không để ngập thường (1-2 tuần tưới 1 lần) để giữ ẩm, đỡ tốn nước. Chúng tôi cũng đang đề nghị một số ruộng 3 vụ lúa nên chọn vụ năng suất thấp nhất chuyển đổi cây khác có hiệu quả hơn.

Xin cảm ơn Giáo sư !
 
Thảo Nguyên (thực hiện)
http://baotintuc.vn/