Những nông dân giàu trên đất núi

Cao Bằng là tỉnh biên giới nghèo, với hơn 60% diện tích trồng trọt canh tác là đồi dốc, đồng bào gặp nhiều khó khăn trong phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, người nông dân Cao Bằng đã có nhiều sáng tạo, đổi mới mô hình sản xuất, đạt hiệu quả cao, nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới, góp phần cải thiện đời sống, phát triển kinh tế.


Chúng tôi tìm gặp ông Hoàng Văn Hiệu, trong một buổi chiều cuối thu tại xóm Nà Rầy, xã Đức Hồng, huyện Trùng Khánh. Cuộc gặp diễn ra ngay trước khi ông Hiệu sắp sửa đón xe về Hà Nội dự lễ vinh danh nông dân tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 85 Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam. Đến cơ sở kinh tế của người đàn ông sinh năm 1963 này, mới thấy rõ ông là một nhà nông tháo vát, nhanh nhạy nắm bắt xu hướng kinh tế nông nghiệp, nỗ lực phấn đấu vươn lên làm giàu.

Trong căn gác ở ngôi nhà mặt phố khang trang cạnh trục đường chính của huyện Trùng Khánh, tôi nghe ông Hiệu kể về cuộc đời mình, chung quanh, hàng chục bằng khen treo kín trên tường mang tên ông. Cách đây 30 năm, như bao lứa thanh niên bấy giờ, ông Hiệu tình nguyện nhập ngũ khi mới 17 tuổi. Sau bốn năm, ông vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Vì hoàn cảnh gia đình, ông xin xuất ngũ, làm công nhân trong một xí nghiệp gạch. Cuộc sống với bộn bề khó khăn, nhưng trong con người ông, luôn nuôi khát vọng thoát nghèo, thôi thúc ông về lại với “mảnh vườn xưa”.

Cuối năm 1990, ông Hiệu xin nghỉ làm ở xí nghiệp gạch, hồi đó, nhà đông anh em, không có đất đai trồng trọt, chăn nuôi, tài sản giá trị nhất là vỏn vẹn 385 nghìn đồng nhận “cả cục” theo Quyết định 176/HĐBT (1989), ông liều mua đất, cất nhà. “Năm đó, tôi mua 600 m2 đất hoang vu cạnh núi đá, cả nhà hò nhau đập đá, phá rẫy trồng rau, nuôi lợn, nấu rượu... Việc gì tôi cũng đều thử, vì áp lực miếng cơm manh áo, ông Hiệu nhớ lại.

Trong thời điểm khó khăn như vậy, nhưng bằng sự tần tảo, chịu khó, ông Hiệu ngày càng định hướng rõ phải thoát nghèo bằng kinh tế trang trại. Hai năm sau, ông vay mượn thêm vốn đầu tư máy xát lúa. Ngoài việc xát thóc thuê, ông còn làm dịch vụ bán gạo cho bà con trong thị xã (nay là thành phố Cao Bằng), vừa tự chủ được thực phẩm nuôi đàn lợn. Từ một hộ kinh tế nhỏ lẻ, chỉ trong hai năm 2001-2002, trang trại nhà ông Hiệu thường xuyên có 10 con lợn nái, 120 con lợn thịt. Ông nói: "Cám cho lợn sẵn xát từ máy, trang trại theo mô hình mới không mất nhiều tiền đầu tư, nên chỉ một năm là đủ thu hồi vốn”. Thật vậy, người nông dân này dù chỉ “học mót” thông tin từ các chương trình khuyến nông trên ti-vi, nhưng một mình xây dựng trang trại theo quy trình khép kín hiện đại, đem lại hiệu quả tối ưu: trồng rau, ngô lai có năng suất cao để chăn nuôi lợn, xây dựng chuồng trại thoáng mát, có vòi nước tự động, xây hầm bi-ô-ga để giải quyết khâu vệ sinh môi trường, vừa tạo thêm chất đốt phục vụ nhu cầu sinh hoạt. Ông còn tham gia thu mua mặt hàng nông sản cung cấp cho các huyện trong khu vực. Nhờ vậy ngay thời điểm đó, mỗi năm, nhà ông Hiệu thu về 300-350 triệu đồng.

Không chấp nhận dừng lại ở thành quả trên, thấy nhu cầu phát triển nông nghiệp cơ giới của bà con, cuối năm 2007, ông Hiệu tiếp tục dồn vốn xây dựng một trạm xăng. Nhưng xây xong, thì ông cũng cạn tiền, muốn nhập xăng lại phải đi vay vốn. Nhiều tháng trời, không ai cho ông Hiệu vay tiền, vì sợ... không trả nổi. Người nông dân này đành “khăn gói” ra thị xã Cao Bằng để tìm nguồn vốn. Cuối cùng, một ngân hàng sau khi tìm hiểu mô hình kinh tế của ông Hiệu đã quyết định “rót” 250 triệu đồng. Và chỉ sau vài năm, ông Hiệu không những trả hết nợ, mà đưa cơ sở xăng dầu của gia đình trở thành một trong những nơi cung cấp nhiên liệu lớn nhất tại khu vực miền đông tỉnh Cao Bằng.

Với tư duy luôn đổi mới mô hình kinh doanh, nghiên cứu, đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp tại địa phương, gia đình ông Hiệu còn bán thức ăn chăn nuôi và làm dịch vụ nông sản, bán máy nông nghiệp, cung cấp dịch vụ vận chuyển... Hiện, các mô hình kinh tế của gia đình ông mỗi năm cho thu nhập gần 600 triệu đồng, hỗ trợ việc làm cho mười lao động địa phương.

Không chỉ là tấm gương về làm kinh tế giỏi, nông dân Hoàng Văn Hiệu còn hỗ trợ những hộ nghèo thức ăn chăn nuôi, cho ứng trước không tính lãi, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho bà con quanh vùng. Gia đình ông luôn đi đầu trong các phong trào do địa phương phát động, tham gia ủng hộ các loại quỹ mỗi năm hơn 13 triệu đồng. Với thành tích đạt được trong suốt 15 năm qua, nông dân Hoàng Văn Hiệu liên tục được các cơ quan, ban, ngành trao bằng khen về sản xuất, kinh doanh giỏi, thành tích thi đua yêu nước... Đặc biệt, tháng 8-2015, ông vinh dự trở thành người nông dân Cao Bằng duy nhất đạt danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2015”.

Thực tế hiện nay, người nông dân Cao Bằng dù đối mặt nhiều khó khăn, nhưng nhiều nông hộ đã mạnh dạn đổi mới mô hình sản xuất, vươn lên làm giàu. Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Cao Bằng Trương Văn Hợp cho biết: “Đây là hiệu quả chung của phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, được các hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh tích cực hưởng ứng nhiều năm qua. Hoạt động này đã trở thành động lực góp phần thúc đẩy các phong trào xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm và cải thiện đời sống cho bà con”.

Hằng năm, tỷ lệ hộ nông dân ở Cao Bằng có thu nhập khá ngày một tăng, nhiều mô hình kinh tế được áp dụng hiệu quả, như mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình ông Nông Văn Chiến (xã Nam Tuấn, huyện Hòa An) đem lại lợi nhuận gần 400 triệu đồng/năm. Trước năm 2000, gia đình ông Chiến thuần trồng trọt, chăn nuôi nhỏ lẻ manh mún, sản phẩm tự cung, tự cấp. Quyết tâm không cam chịu đói nghèo, năm 2010, gia đình ông vay ngân hàng 30 triệu đồng để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mạnh dạn sử dụng giống cây thuốc lá mới có năng suất và chất lượng cao, kết hợp chăn nuôi lợn thịt, trâu, bò. Sau đó, ông đầu tư hơn 60 triệu đồng mua thêm hai bộ máy hàn sắt, đầu tư 300 triệu đồng mua máy tráng bún, phở, mở rộng sản xuất chế biến, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động, với mức lương bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng. Tại xã Vinh Quý, huyện Hạ Lang có gia đình ông Nông Văn Nguyên đã xây dựng thành công mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt trên diện tích canh tác chỉ 500 m2. Từ năm 2007, gia đình ông Nguyên đã chuyển đổi từ trồng cây lương thực sang trồng mía và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ba năm sau, ông đầu tư mở rộng chuồng trại phát triển chăn nuôi quy mô lớn, đến nay sở hữu ao cá rộng 1.600 m2; nuôi hơn 60 con dê, duy trì đàn lợn thịt 50 con và nhiều gia cầm khác... thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã thật sự đi vào cuộc sống của nông dân, là động lực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn Cao Bằng. Năm 2014, toàn tỉnh Cao Bằng có hơn 23 nghìn hộ đạt danh hiệu "sản xuất, kinh doanh giỏi" các cấp. Năm 2015 có 48.914/86.540 hộ hội viên nông dân đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Đến nay, nhiều hộ nông dân tiêu biểu về thoát nghèo, làm giàu nổi trội xuất hiện tại hầu hết các huyện trên địa bàn tỉnh, như mô hình nuôi dê và bồ câu của ông Nông Đình Duy, Bí thư Chi bộ xóm Bản Giốc, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, mỗi năm thu nhập từ 70 đến 80 triệu đồng; gia đình ông Nông Đức Lợi (xã Hồng Đại, Phục Hòa) với mô hình sản xuất gạch, trồng hoa màu và mía nguyên liệu đem lại nguồn thu 120 triệu đồng/năm...

Với những thành tích đã đạt được trong quá trình cống hiến, xây dựng và trưởng thành, người nông dân và Hội Nông dân tỉnh Cao Bằng đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các bộ, ngành tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý. Năm 2003, Hội Nông dân tỉnh Cao Bằng được vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng ba. Năm 2011 được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, hằng năm luôn được UBND tỉnh khen thưởng. Năm 2015, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba lần thứ hai.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân Cao Bằng Trương Văn Hợp khẳng định: “Phát huy truyền thống tốt đẹp và những thành tích đạt được qua 85 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, các cấp hội nông dân trong tỉnh sẽ tiếp tục đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, khẳng định vai trò, vị trí trung tâm và nòng cốt trong các phong trào nông dân, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng nông thôn mới”. Mục tiêu đó là nhằm hiện thực hóa khát khao thoát nghèo, làm giàu, ổn định đời sống gia đình, cải thiện mặt bằng thu nhập chung từ kinh tế nông nghiệp của mỗi người nông dân.

Theo nhandan.org.vn