Những nông dân tiêu biểu của ngành Cà phê Việt Nam

Nông dân là người đầu tiên, trực tiếp và cũng có công nhiều nhất tạo nên những giá trị bền vững cho ngành cà phê.

Nằm trên độ cao trung bình 600-700 m so với mặt nước biển, tỉnh Sơn La có hệ thống núi non trùng điệp bao quanh các bồn địa, cao nguyên đất đỏ đá vôi có tầng dày, độ phì nhiêu khá cao rất thuận lợi cho cà phê phát triển.  Hiện tại, Sơn La có trên 11.700 ha cà phê, trong đó gần 9.000 ha cho sản phẩm, tập trung chủ yếu ở huyện Mai Sơn, Thuận Châu, TP. Sơn La. Hầu hết cà phê sau khi sản xuất đều được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, EU nên việc chăm sóc cà phê rất kỳ công. Ông Trần Văn Đồng, bản Tiên Hưng, xã Phong Lái, huyện Thuận Châu - chủ vườn cà phê Arabica xen canh mắc-ca rộng 4 ha cho biết, vườn cà phê của gia đình được trồng hơn 10 năm nay theo mái thoải của ngọn đồi dốc 250 nên việc trồng, chăm sóc rất khó khăn.  Năm 2014 gia đình ông đầu tư hệ thống tưới nước nhỏ giọt Israel cho hơn 2 ha với tổng kinh phí trên 200 triệu đồng, đưa năng suất cà phê lên 20-21 tấn cà phê tươi/ha (tăng 4-5 tấn so với vườn cà phê không đầu tư). Nếu thời tiết thuận lợi (không xảy ra sương muối, mưa đá) thì mỗi năm gia đình thu về hơn 400 triệu đồng tiền lãi. Tương tự, ông Đỗ Xuân Khởi, bản Hoa Mai, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn cho biết, gia đình ông có 1,4 ha cà phê xen canh cam, bưởi, mận hậu thu nhập bình quân mỗi năm gần 700 triệu đồng, trong đó cà phê chiếm 2/3 tổng thu nhập. Đất cà phê của gia đình là đất đỏ bazan trên tầng đá vôi nên rất thích hợp cho cà phê phát triển, năng suất bình quân trên 21 tấn quả tươi/ha. Hiện nay, ông đang tham dự chương trình sản xuất cà phê sạch mang thương hiệu Sơn La nên chỉ bón phân hữu cơ, phun thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học.

Nông dân tìm hiểu về cà phê thành phẩm tại Hội chợ - Triển lãm chuyên ngành cà phê.

Nông dân tìm hiểu về cà phê thành phẩm tại Hội chợ - Triển lãm chuyên ngành cà phê.

Tại Đồng Nai, nhờ sự phát triển của khoa học kỹ thuật và mối liên kết bền chặt bốn nhà: nhà nông, Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp nên mô hình cánh đồng mẫu lớn trên cây cà phê đang tạo được sức lan tỏa và sự phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập. Ông Nguyễn Ngọc Ngang, Ấp 7, xã Phú Lộc, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, một trong những nông dân tham gia mô hình cho biết, gia đình có 1,6 ha cà phê xen canh điều trên 20 tuổi. Tuy cây cà phê đã “có tuổi” nhưng vẫn còn rất “sung sức”, phát triển tốt, ít dịch bệnh, năng suất trên 4 tấn cà phê nhân/ha. Có được kết quả trên là nhờ việc duy trì 3-4 thân chính trên 1 gốc cà phê (thông thường mỗi gốc cà phê chỉ có 1-2 thân), khi bước vào tuổi thứ 7 thì bắt đầu trẻ hóa bằng cách bấm ngọn thân này, nuôi thân còn lại để cây ra hoa, đậu quả cho niên vụ mới. Ngoài ra, vườn cà phê thuộc nhiều loại đất khác nhau như vùng đất đồi, đất trũng... nên gia đình tự mua phân đơn về phối trộn bón riêng cho từng loại đất, cung cấp đủ dinh dưỡng như nhu cầu cây cần, hạn chế tối đa tồn dư hóa chất trên đồng ruộng. Do đó, hằng năm ông chỉ cần tưới nước mùa hạn định kỳ 10 ngày/lượt bằng hệ thống tưới tiết kiệm nước (lắp đặt năm 2012), phòng trừ bệnh rệp sáp, gỉ sắt (mùa mưa) khi cây mới ra chồi non là cuối vụ có cà phê để thu hoạch. Năm 2016, được sự hỗ trợ của Tổng công ty Tín Nghĩa, các doanh nghiệp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và chính quyền địa phương, gia đình ông tham gia vào mô hình cánh đồng mẫu lớn 4C của xã. Từ đó, gia đình được cung ứng phân bón, thuốc BVTV trả chậm, tham dự các buổi tập huấn về kỹ thuật mới trong sản xuất cà phê, đặc biệt là giá cà phê luôn được bán cao hơn thị trường 300 đồng/kg.

Thu hoạch cà phê chè tại Sơn La (ảnh nhân vật cung cấp)

Thu hoạch cà phê chè tại Sơn La (ảnh nhân vật cung cấp).

Đắk Lắk được mệnh danh là thủ phủ cà phê của cả nước (hơn 203.000 ha, sản lượng bình quân hằng năm đạt hơn 450.000 tấn) nên đi đâu cũng thấy cà phê và nghe kể chuyện về cà phê. Nhiều gia đình đã thoát đói nghèo, vươn lên làm giàu nhờ cà phê. Ông Y Wiên Arul, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột cho biết, vườn cà phê của gia đình được trồng năm 2000, năm 2012 trồng xen thêm hồ tiêu, sầu riêng, bơ… nên tạo được hệ thống chắn gió, giữ nước cho vườn cây. Từ đó đến nay, bình quân mỗi năm vườn cây thu về hơn 14 tấn cà phê nhân, 2 tấn tiêu, hơn 10 tấn sầu riêng, bơ..., sau khi trừ chi phí còn lãi hơn 700 triệu đồng. Từ nguồn thu đó, gia đình có chi phí để cho các con đi học tại TP. Hồ Chí Minh, mua thêm đất rẫy, xây nhà kiên cố, sắm phương tiện đi lại...

Mới đây, Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền và Công ty Cổ phần Vinacafé Biên Hòa đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược trong Chương trình hỗ trợ Phát triển Cà Phê Buôn Ma Thuột. Theo đó, hai đơn vị sẽ phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, Trung tâm Khuyến nông tỉnh khảo sát, xây dựng và đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào triển khai mô hình thí điểm sản xuất cà phê chất lượng trung tại xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột đã và đang mở ra hướng đi mới cho ngành cà phê.

Thanh Hường

 

 

Nguồn: Báo Dak Lak điện tử