Những thay đổi trong nghề trồng nấm rơm ở huyện Lai Vung (Đồng Tháp)
- Thứ sáu - 03/04/2015 04:41
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nghề trồng nấm rơm ở huyện Lai Vung bắt đầu từ những thập niên 80. Ban đầu, nông dân tận dụng nguồn rơm của gia đình, sản xuất theo qui mô nhỏ để ăn và đem bán cho các chợ vườn.Từ khi có Công ty Mê Kông thu mua chế biến xuất khẩu thì nghề trồng nấm rơm phát triển khá nhanh, nguyên liệu rơm được thu mua từ các nơi theo thời điểm thu hoạch lúa. Từ đó, hình thành chợ rơm nổi tiếng bật nhất ở đồng bằng sông Cửu Long.
Trước đây, sau khi tìm thuê được đất để chất nấm, người trồng nấm rơm chỉ cần đến chợ rơm cầu Bông Súng, xã Tân Hòa mua ghe rơm kéo về đến địa điểm để tiến hành ủ rơm chất nấm. Chợ rơm khi đó khá tấp nập, người trồng nấm rơm tha hồ lựa chọn và ngã giá để chọn được một ghe rơm ưng ý. Hiện nay, khi máy gặt đập liên hợp được đưa vào sử dụng phổ biến, lượng rơm rơi vãi trên đồng, việc thu gom rơm phải tốn nhiều chi phí phí hơn, giá thành mỗi ghe rơm đem về tới bến khá cao, người trồng nấm rơm gặp rất nhiều rủi ro. Từ đó chợ rơm không còn sung túc như xưa, người trồng nấm rơm phải đặt hàng trước hoặc trực tiếp đến tận ruộng, thuê đất và mua rơm trực tiếp trên từng cánh đồng, tập kết đến nơi cao ráo tiến hành trồng nấm. Với cách làm này, người trồng nấm đã tiết kiệm chi phí vận chuyển rơm đáng kể, nhưng phải tốn nhiều lao động từ khâu gom rơm đến kéo rơm. Sáng tạo hơn, người dân đã biết dùng máy gom rơm tiết kiệm khá nhiều công sức.Tuy nhiên, việc chất nấm rơm tại đồng cũng gặp khó vì phải điều lao động đi xa, người chủ trồng nấm phải dựng lều ở tại chỗ trong suốt thời gian chăm sóc và thu hoạch nấm.
Anh Trần Văn Lực, nông dân có thời gian trồng nấm rơm lâu năm theo kiểu cơ động này cho biết: “Nếu tính chi phí mua rơm, gom rơm và đội rơm thì việc tập kết rơm tại đồng theo khối lượng rơm tương đương với một ghe rơm đã tiết kiệm gần 20% chi phí. Việc vận chuyển nấm rơm đi bán cũng thuận lợi vì hệ thống giao thông hiện nay khá phát triển đến tận đồng ruộng, từ đó hạn chế phần nào rủi ro khi gặp thời tiết bất lợi, năng suất thu hoạch không đạt yêu cầu”.
Việc tận thu nguồn rơm trên đồng ruộng để trồng nấm rơm theo phương thức “du canh” có ưu điểm là hạn chế dần tình trạng đốt rơm tạo khí thải gây hiệu ứng nhà kính, tạo việc làm cho nông dân và cùng sản phẩm nấm rơm giàu dinh dưỡng, đáp ứng nhu cầu ẩm thực của người dân.