Những “tỷ phú” từ đồi rừng

Những “tỷ phú” từ đồi rừng
Từ những rừng núi hoang dại, qua bàn tay chăm chỉ, cần cù của những người nông dân chịu thương chịu khó đã trở thành những diện tích rừng cây lâm nghiệp cho thu nhập cao. Ở xã Phúc Lợi-huyện Lục Yên( Yên Bái) nhiều nông dân đã trở thành những tỷ phú từ đồi rừng.
Trồng các loại cây lâm nghiệp giúp người dân xóa đói, giảm nghèo bền vững
Một trong những người đi đầu trong phong trào trồng rừng ở Phúc Lợi là hộ ông Ngô Thanh Hổ - thôn 1 Thuồng với tổng diện tích trên 40ha, mỗi năm thu về trên dưới 400 triệu đồng. Năm 1997 ông Hổ bắt đầu làm kinh tế với 3ha trồng keo, bồ đề, sau 5 năm bán được 30 triệu đồng. Cộng với nguồn vốn có được từ nuôi cá, trong các năm 2002, 2006 và 2012 ông đầu tư mua thêm 38ha đồi rừng để trồng quế, keo, bồ đề với số tiền hơn 400 triệu đồng. Nhờ đức tính cần cù, chịu thương chịu khó, chuyên tâm với cây trồng nên trung bình mỗi năm ông Hổ bán từ 2 đến 3ha. Chỉ trong 3 năm 2014 đến 2016 ông thu về trên 1,3 tỷ đồng từ đồi rừng.
 
Còn với ông Thiều Hữu Ngạn ở thôn 1 Vàn được nhiều người dân trong thôn mệnh danh là “ ông vua” quế với diện tích hơn 1,5ha. Bắt đầu bén duyên với đồi rừng từ năm 1999, sau hơn 10 năm dày công chăm sóc, diện tích đồi quế của gia đình giúp ông thu lại được những thành quả đáng nể. Ưu điểm của cây quế  là được thu toàn bộ nên từ năm 2009 đến nay ông bán tỉa được 4 lần. Trong đó đợt 1 được 30 triệu đồng, đợt 2 năm 2010 được 45 triệu đồng, đợt 3 năm 2014 được 85 triệu đồng, đầu năm 2016 ông mới bán được 62 triệu đồng. Hiện nay, đồi quế với diện tích 1,5ha trị giá gần 1 tỷ đồng của gia đình ông cũng chuẩn bị cho thu hoạch. Ông Thiều Hữu Ngạn tâm sự: “Trước đây đi học hỏi nhiều nơi thấy trồng quế mang lại hiệu quả kinh tế cao, gia đình cũng mạnh dạn chuyển đổi, qua gần 20 năm gắn bó với cây trồng này đã giúp gia đình tôi thoát nghèo và ổn định đời sống”.
 
Hiện nay, diện tích rừng lâm nghiệp của xã Phúc Lợi là trên 8 nghìn ha, tập trung ở 100% các thôn, bản. Mỗi năm, toàn xã trồng mới được hàng chục ha đất lâm nghiệp, nhờ vậy độ che phủ rừng đến nay đạt trên 80%. Phần lớn diện tích đất lâm nghiệp ở Phúc Lợi, người dân chủ yếu trồng các loại cây như: Bạch đàn, keo, bồ đề, quế… so với các giống cây lâm nghiệp trước kia, nhờ ứng dụng các kết quả nghiên cứu về cải thiện giống, kỹ thuật lâm sinh mà năng suất trồng các loại cây lâm nghiệp được cải thiện. Tất cả diện tích rừng do nhân dân trồng ở Phúc Lợi đều phát triển tốt, cho khai thác và mang lại hiệu quả kinh tế khá. Trung bình mỗi năm cho khai thác trên 6 nghìn mét khối gỗ các loại, nhiều hộ người Tày, Dao trong xã đã trở thành “ tỷ phú” từ trồng cây lâm nghiệp.

 Hiện nay theo chủ trương của huyện, xã Phúc Lợi đang tiếp tục khuyến khích vận động nhân dân mở rộng trồng mới diện tích quế tại những đồi rừng đã khai thác cùng với kết hợp các loại cây lâm nghiệp khác để hướng tới mục tiêu xóa đói, giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Theo Khắc Điệp/HND