Những xóm du cư mùa nước nổi: Cân 62kg cá rô được 1,5 triệu đồng
- Thứ ba - 30/10/2018 05:08
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
XÓM XÀ DI VÙNG ĐỒNG THÁP MƯỜI
Trên những cánh đồng ngập nước, rất nhiều chiếc ghe, xuồng neo lại gần nhau thành những xóm nhỏ. Từ xa nhìn lại đó chỉ là những chỉ ghe mỏng manh nhưng trên đó vô vàn là những cảnh đời, số phận. Kiếm tìm sinh kế họ phải di chuyển bởi nguồn thủy sản không còn dồi dào như trước.
Những ngày cuối tháng 10, lang thang vùng Đồng Tháp Mười chúng tôi bắt gặp những xóm xà di (dụng cụ bắt cá rô được làm bằng tre) như thế. Những xóm này ít vài ba ghe, còn nhiều lên đến gần 20 chiếc đậu dọc Quốc lộ 62.
Một góc xóm xà di.
Chị Nguyễn Thị Kiều Trang (28 tuổi, quê huyện Châu Phú, An Giang) đang ngồi cùng đứa con nhỏ trong chiếc ghe lắc lư theo từng cơn sóng cho biết, gia đình ở xã Bình Chánh nhưng mùa nước nổi tràn về, cả nhà quyết định ngược lên huyện Tân Thạnh (Long An) kiếm cơm.
Từ sáng sớm, chồng chị đã băng qua huyện Thủ Thừa để đặt xà di, còn chị với đứa nhỏ quanh quẩn coi ghe. “May mắn mùa nước nổi bây giờ cái gì kiếm được cũng có giá. Mỗi ngày gia đình có thu nhập từ 500 – 700 ngàn đồng từ tiền bán cá rô. Mùa đánh bắt kéo dài đến nửa tháng 11 âm lịch”, chị này cho hay.
Chiếc ghe tam bản là nơi định cư của gia đình chị Trang với 3 thế hệ.
Theo chị Trang, những xóm xà di định cư ở vị trí thuận tiện nên sản phẩm bắt được đều cân trong ngày cho thương lái. Mùa nước vợ chồng chị đặt xà di, còn mùa khô về mua tre làm ngư cụ bán. Gia đình chị đến đây định cư đã gần 3 tháng. Chiếc ghe chị đang ngồi đảm nhận chỗ ở cho gia đình 3 thế hệ.
“Mùa nước kiếm tiền dễ hơn nhưng cuộc sống dưới ghe gò bó lắm! Chiếc ghe này gia đình phải chia làm 2 khu vực, một là vợ chồng cùng đứa con, còn lại cha mẹ chồng. Những chỗ đậu ghe là mối quen nhưng chúng tôi phải cho cá hoặc uống nước tại quán”, chị Trang cho hay.
Một bé trai phụ người nhà phơi xà di.
Từ trên cao nhìn xuống xóm xà di gần chục ghe bập bềnh trên sông thấy mà nao lòng. Cạnh đó là vài bộ quần áo trẻ con buộc túm trên cọc tràm bay phất phơ trong gió. Thường những xóm ghe này không ở lâu một địa điểm nhất định, mà di chuyển theo con nước.
Sau nửa ngày đi đồng về khoang xuồng đầy cá, ông Nguyễn Văn Thảo (58 tuổi) cười bảo: “Hầu hết những ghe này là của những người dân nghèo, chuyên sống nghề hạ bạc. Ngày xưa, mùa nước nổi nguồn thủy sản dồi dào người dân chẳng cần đi xa, còn bây giờ cạn kiệt phải đi xa mới có ăn. Thế nên, nhiều người dân ở huyện Châu Phú, Chợ Mới (An Giang) hay Tam Nông, Tràm Chim (Đồng Tháp)… làm nghề con cá cũng người lên miệt này để đánh bắt”.
Vợ chồng ông Chín Dinh cân cá cho thương lái.
Họ tụ lại thành xóm để nương náu, giúp đỡ nhau khi cần cũng như đỡ buồn hơn khi xa quê. Gia đình ông Thảo tận miệt Châu Phú, cách nay 4 tháng, gia đình ông giong ghe lên đây định cư. Theo lão nông này, từ khi 13 tuổi ông đã làm nghề xà di, nên mỗi mùa nước nổi tràn đồng là lại chở đồ nghề đi đặt. Những con cá rô, lươn, cá lóc là một phần cuộc đời ông.
“Lúc đầu tôi định vị là huyện Tân Hưng, nào ngờ nước quá sâu đành trôi dạt xuống tận đây. Việc người dân chọn định cư gần các tuyến lộ bởi có nhiều thương lái, bán giá được cao và không sợ ế hàng. Năm nay cá bắt được cũng nhiều hơn và có giá hơn năm rồi. Mỗi mùa nước nổi đánh bắt được 4 tháng và chỉ có việc quan trọng mới tranh thủ về nhà. Nghề này phải đi tứ xứ, năm ít cũng 2 điểm còn nhiều phải 5 – 7 điểm”, ông Thảo bộc bạch.
Mỗi ký cá rô bán được 25 ngàn đồng nhưng được cái bắt số lượng nhiều.
Trước đây, vợ chồng ông Thảo có chiếc ghe tam bản 2 tấn, nhưng từ ngày có cháu nhỏ quyết định sắm chiếc ghe 5 tấn. “Tôi có 3 người con nhưng 2 đứa dốt còn lại cũng chỉ học hết lớp 3 rồi nghỉ. Bây giờ làm nghề cá cũng đủ sống qua ngày. Nghề này cực lắm vì làm tối ngày ướt mình chỉ về tới ghe mới mặc được đồ khô. Hễ ướt mình còn tiền còn khô là hết sạch”, vợ ông Thảo tâm sự.
Cạnh ghe ông Thảo là ghe của vợ chồng ông Chín Dinh. Sau khi cân số cá bắt được cho thương lái, ông Dinh khoe: “Nay cha con cân tổng cộng được 62kg cá rô được 1,5 triệu đồng. Hết mùa lũ người con thứ hai và ba sẽ đi làm hồ, còn vợ chồng tiếp tục làm đồ nghề chuẩn bị cho mùa lũ sắp tới. Kết thúc mùa nước cũng kiếm được 50 triệu đồng đem về trả nợ và xoay xở mùa khô. Xóm ghe ngày một ít vì bị lấy trộm ngư cụ nhiều gia đình quyết định đi thành phố”.
Còn nữa...