Ninh Bình: Dồn điền, đổi thửa tiền đề của nền nông nghiệp hiện đại

Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện công tác dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) thực sự đã trở thành cuộc cách mạng về ruộng đất, tạo điều kiện cho người nông dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, đưa máy móc vào sản xuất, giảm chi phí đầu vào và tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị canh tác, hình thành nên dáng vóc của nền nông nghiệp hiện đại.
Cánh đồng sản xuất lúa giống ở xã Khánh Trung (Yên Khánh)

Nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp

Về xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh - đơn vị đầu tiên làm điểm công tác DĐĐT không khó để nhận ra những thay đổi lớn trong sản xuất nông nghiệp. Theo ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Nhạc: Cái được lớn nhất sau DĐĐT là địa phương đã đẩy mạnh cơ giới hóa, áp dụng phương thức gieo thẳng để giảm sức lao động cho người nông dân, giảm chi phí và tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Quay lại thời điểm trước năm triển khai DĐĐT là năm 2012, đồng ruộng của Khánh Nhạc còn rất manh mún, không phù hợp khi đưa cơ giới vào sản xuất, máy móc không vào được đến đầu ruộng nên hiệu quả sản xuất thấp.

Nhưng sau DĐĐT, số thửa ruộng trên hộ đã giảm từ 3,38 thửa/hộ còn 1,3 thửa/hộ. Không chỉ thực hiện dồn đổi mà công tác chỉnh trang, quy hoạch lại đồng ruộng cũng đồng thời được tiến hành với chiều rộng kênh dẫn nước 1,5m và đường bờ thửa có mặt đường rộng 2m.

Do đó các phương tiện như xe ô tô vận tải nhỏ, máy gặt, máy làm đất... có thể chạy đến tận đầu ruộng mà không gặp phải khó khăn gì. Hiệu quả thiết thực và rõ nét nhất mà DĐĐT đã mang lại cho địa phương là sức máy đã gần như thay thế sức người. ở 2 vụ sản xuất lúa, 100% diện tích được làm đất và thu hoạch bằng máy, gần 100% diện tích được thực hiện bằng phương pháp gieo thẳng.

Theo tính toán sơ bộ, DĐĐT giúp địa phương giảm được 70% công lao động so với cách làm thủ công trước đây, làm giảm chi phí sản xuất từ 5-8 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, Khánh Nhạc cũng đã dồn đổi được 10 ha tập trung chủ yếu là đất xấu trồng lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng các cây màu có giá trị như cà chua, ngô các loại cho thu nhập đạt trên 150 triệu đồng/ha.

Huyện Yên Khánh là đơn vị có truyền thống trong sản xuất nông nghiệp và cũng là “cánh chim đầu đàn” của tỉnh trong việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Tuy nhiên một trong các tiêu chí của cánh đồng mẫu lớn là đưa cơ giới hóa vào các khâu làm đất, gieo trồng, thu hoạch. Điều đó đã đặt ra cho Yên Khánh phải đẩy mạnh thực hiện công tác DĐĐT, chỉnh trang đồng ruộng, tạo ra những ô, thửa ruộng lớn, bằng phẳng, đường nội đồng rộng rãi, kênh tưới tiêu thuận tiện cho sản xuất.

Do đó, công tác DĐĐT đã được các cấp, ngành, các địa phương và nhân dân trong huyện tích cực triển khai thực hiện. Đến hết năm 2014, huyện Yên Khánh đã cơ bản hoàn thành công tác DĐĐT, bình quân mỗi hộ còn 1,38 thửa ruộng, tạo ra mảnh ruộng lớn hơn và vuông vắn hơn để triển khai mô hình sản xuất trên cánh đồng mẫu lớn; đồng thời đẩy mạnh cơ giới hóa, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Đến nay, toàn huyện có 1/3 diện tích đất sản xuất nông nghiệp (ước trên 2.400 ha) là cánh đồng mẫu lớn và cánh đồng sản xuất giống lúa thuần chất lượng cao ở các xã Khánh Trung, Khánh Cường... ước 224 ha, đảm bảo chủ động về nguồn giống tốt cho huyện và khu vực.

Bên cạnh đó, phương thức sản xuất nông nghiệp đã thay đổi, hiện nay Yên Khánh có 100% diện tích làm đất bằng máy, trên 80% diện tích gặt bằng máy, 40 - 50% diện tích lúa chuyển từ phương thức cấy sang gieo thẳng; 80% diện tích đất canh tác chủ động tưới tiêu, góp phần giảm chi phí sản xuất từ 3- 5 triệu đồng/ha.

Phấn đấu hoàn thành công tác DĐĐT vào cuối năm 2016

Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh, toàn tỉnh dự kiến có 114 xã tham gia DĐĐT với diện tích 50.000ha. Đến nay, đã có 76 xã thực hiện xong công tác DĐĐT với tổng diện tích trên 28.000 ha. Bình quân giảm từ 5 thửa/hộ xuống còn 2,02 thửa/hộ.

Sau DĐĐT đồng ruộng của các địa phương đã khắc phục được tình trạng manh mún ruộng đất, tạo ra những thay đổi rất căn bản trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh ta. Đồng ruộng được quy hoạch, chỉnh trang, tạo thành những ô thửa lớn, thuận lợi cho việc xây dựng những cánh đồng mẫu lớn cấy đồng trà, đồng giống, đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào sản xuất, giảm công lao động, giảm chi phí, tăng giá trị sản xuất nông nghiệp. Nhận thức và thói quen của nông dân trong sản xuất nông nghiệp cũng đã thay đổi.

Nếu như trước đây, khi diện tích đất còn được chia nhỏ lẻ, phân tán, cộng thêm ý thức tổ chức sản xuất của nông dân còn kém, ruộng nhà nào nhà đó chủ động làm nên từ khâu chọn giống, gieo cấy cho đến chăm sóc vẫn còn tùy tiện, tồn tại tình trạng trên một cánh đồng có nhiều thời vụ, nhiều giống, thu hoạch nhiều thời kỳ, nhà được mùa nhà mất mùa.

Sau DĐĐT, người nông dân đã có khái niệm cánh đồng mẫu lớn, về sản xuất hàng hóa tập trung, có ý thức về tiếp cận khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh đưa cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, tạo ra các cánh đồng sản xuất hàng hóa chuyên canh tập trung với khối lượng sản phẩm lớn, đáp ứng yêu cầu thị trường.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả và hiệu quả mà DĐĐT đã mang lại, việc DĐĐT trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục. Để đạt mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2016 tất cả 114 xã trên địa bàn tỉnh đều hoàn thành DĐĐT, các địa phương trong tỉnh cần tập trung triển khai quyết liệt nhiều giải pháp như tuyên truyền, vận động, thuyết phục, huy động nguồn lực cho công tác này.

Với các xã DĐĐT xong ở thực địa khẩn trương hoàn thiện biên bản giao đất, lập hồ sơ quy chủ để làm căn cứ cho việc kiểm tra kết quả DĐĐT cũng như việc triển khai đo đạc, lập hồ sơ cấp đổi giấy chứng nhận.

Đối với những xã đang còn vướng mắc, chưa có sự thống nhất cao thì tiếp tục thảo luận, bàn bạc; không tổ chức giao ruộng đất cho các hộ dân khi chưa đạt yêu cầu. Còn các xã đang và chưa thực hiện dồn điền, đổi thửa, cấp huyện cần quan tâm, chấn chỉnh, giao trách nhiệm cho từng đơn vị để tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác DĐĐT.

Về phương diện ngành, Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh phân công cán bộ có năng lực trực tiếp xuống hướng dẫn, giúp đỡ các địa phương hạn chế về năng lực triển khai thực hiện phương án. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo cũng đề nghị UBND các cấp tỉnh, huyện tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho các địa phương thực hiện công tác DĐĐT.

Thiết nghĩ cùng với sự chỉ đạo của tỉnh và các ngành chuyên môn, từng địa phương phải căn cứ trên tình hình cụ thể của mình, nỗ lực hơn nữa để triển khai kế hoạch, phương án DĐĐT. Các địa phương đã hoàn thành phương án DĐĐT tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của từng vùng, tạo mối liên kết sản xuất với các doanh nghiệp để phát huy cao nhất hiệu quả của DĐĐT.

Nguồn: bannhanong.vn