Ninh Thuận: Thu lãi trên 1,5 tỷ đồng từ nuôi tôm thương phẩm

Ninh Thuận: Thu lãi trên 1,5 tỷ đồng từ nuôi tôm thương phẩm
Về vùng Sơn Hải 1, Từ Thiện, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam không ai không biết đến anh Tu Thanh Hường, người có nhiều năm bám trụ và làm kinh tế giỏi từ con tôm, anh đã áp dụng thành công nuôi tôm thương phẩm theo quy trình sinh học.

Anh Tu Thanh Hường kiểm tra ao tôm của mình

Năm 2000 anh, Hường bắt đầu bước vào nghề nuôi tôm trên cát theo hướng bán công nghiệp tại vùng Từ Thiện, Sơn Hải. Từ nguồn vốn tích lũy được của gia đình với trang trại chăn nuôi dê, cừu có thời điểm lên đến trên 500 con. Thời điểm năm 2000, dê, cừu được giá anh quyết định bán hết và chuyển sang nghề mới, nghề nuôi tôm thương phẩm trải bạt trên cát. Sau đó anh mạnh dạn đầu tư vào nuôi tôm với điểm xuất phát ban đầu nuôi 07 hồ tôm, bình quân môi hồ rộng từ 03 – 04 sào với tổng diện tích 03 ha sau đó anh mở rộng ra thành 07 ha. Mô hình của anh tạo công ăn việc làm ổn định cho 15 - 20 lao động địa phương, bảo đảm mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/tháng/lao động. Ngoài ra vào thời điểm thu mua tôm, vệ sinh ao hồ anh còn huy động thêm lao động thời vụ lên đến 100 người.
 
Từ điểm xuất phát ban đầu là 03ha, sau đó anh làm ăn tích lũy được vốn liếng, mua thêm đất, mở rộng diện tích nuôi tôm theo quy trình này cho đến nay là 07 ha, sản lượng bình quân đạt từ 100 – 150 tấn tôm thịt thương phẩm/năm.
 
Trừ chi phí mỗi năm anh thu lãi trên 1,5 tỷ đồng từ nghề nuôi tôm. Việc tiêu thụ tôm thương phẩm của anh cũng được thuận lợi có hàng đến đâu là các tư thương thu mua đến đó. Từ khi anh bước vào nghề nuôi tôm, được mời tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi tôm do xã, huyện, tỉnh tổ chức. Tìm hiểu nghiên cứu thông tin qua tài liệu, hướng dẫn, áp dụng chặt chẽ kỹ thuật nuôi tôm theo quy trình sinh học, chịu khó nghiên cứu, chăm sóc con tôm đúng quy trình, kỹ thuật, áp dụng những gì mới nhất về khoa học – kỹ thuật của công nghệ, kỹ thuật nuôi tôm bán công nghiệp của các nước tiên tiến. Trang trại của anh luôn đứng vững được trước những tác động của thời tiết, dịch bệnh, giá cả bấp bênh của con tôm giống, tôm thịt trên thị trường. 
 
Nhiều nông dân các tỉnh miền Nam, duyên hải Nam Trung bộ cũng tìm đến trang trại nuôi tôm của anh để tham quan, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi tôm theo quy trình sinh học, anh đều chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm cho bà con nông dân. Anh còn được các công ty cung cấp thức ăn chăn nuôi tôm mời đi thăm quan tập tập trong và ngoài nước.
 
Khi nói về tấm gương vượt khó vươn lên từ hộ khá trở thành gương nông dân điển hình tiên tiến làm kinh tế giỏi. Anh Nguyễn Trung Thông, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Dinh cho biết, ngoài phát triển kinh tế gia đình có thu nhập khá, anh còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, ủng hộ các quỹ Hội, các loại quỹ khác của địa phương rất tích cực và có trách nhiệm. Năm 2015 anh được Hội cấp trên chọn làm thí nghiệm ứng dụng chế phẩm sinh học biowish trong nuôi tôm thẻ chân trắng và bước đầu sử dụng chế phẩm này thấy có hiệu quả rõ rệt.
 
Năm 2014, 2015 anh Tu Thanh Hường được Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận giới thiệu báo cáo gương nông dân điển hình tiên tiến, được dự Đại hội Thi đua yêu nước và biểu dương nông dân điển hình tiên tiến cấp tỉnh, cấp toàn quốc lần thứ IV do Trung ương Hội tổ chức và Bằng khen của Ủy ban Nhân dân tỉnh, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tuyên dương hộ nông dân sản xuất giỏi 5 năm liền giai đoạn 2010 - 2015.
Theo Hội Nông dân