Ninh Thuận: Trồng sen trên đất lúa
- Thứ sáu - 04/05/2018 03:39
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Hộ ông Nguyễn Đức Thảo là một trong những hộ dân điển hình thành công với mô hình trồng sen lấy hạt. Gia đình ông có hơn 1 mẫu đất trước đây sản xuất lúa, về sau nơi này bị ngập trũng không sản xuất lúa được nên ông quyết định trồng sen. Ông Thảo cho biết, cây sen rất thích hợp với vùng đất thấp, trũng, nhiều bùn sình, chịu khí hậu nóng; cây sen rất dễ trồng, chi phí đầu tư thấp; một vụ sen kéo dài từ 5-6 tháng, bắt đầu từ tháng 2 âm lịch đến khoảng tháng 8 âm lịch là kết thúc.
Nói về kinh nghiệm, kỹ thuật trồng sen ông Thảo chia sẻ, trồng sen nên chọn giống có một lá non, còn rễ, có con nhỏ và ngó sen cặp gốc. Ruộng sen nên có lớp bùn đáy dày khoảng 20 - 30 cm, phải xới đất 2 - 3 lần, san phẳng mặt ruộng, dọn cỏ sạch sẽ, tạo đường nước để dễ thay nước khi sen ra hoa. Sau khi thu hoạch sen xong cần phải dọn cỏ, sục bùn để vụ sau sen tiếp tục phát triển. Mật độ trồng: cây cách cây 5 m, trồng dày sen không đủ diện tích phát triển sẽ cho năng suất thấp. Ngoài ra để trồng sen đạt năng suất cao người trồng cần thường xuyên theo dõi sâu bệnh, bón phân đúng lúc.
Ông Thảo chia sẻ thêm, chi phí đầu tư cho 1 ha sen trung bình khoảng 10 triệu/vụ, năng suất bình quân đạt khoảng 3 – 3,5 tấn/ha/vụ. Giá bán sen trung bình khoảng 10.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí thì lợi nhuận thu được từ trồng sen của gia đình ông Thảo đạt khoảng 20-25 triệu đồng/ha/vụ.
Hiện nay, toàn xã Thành Hải có khoảng 14 ha trồng sen. Bên cạnh việc trồng sen lấy hạt, một số nông dân nơi đây còn có ý tưởng trồng sen gắn với du lịch góp phần gia tăng thu nhập kinh tế hộ và phát triển nền nông nghiệp thành phố theo hướng đô thị hóa. Tuy nhiên hiện tại thị trường tiêu thụ hạt sen còn bấp bênh nên nhiều hộ dân chưa dám đầu tư mở rộng diện tích. Để phát triển mô hình trồng sen một cách bền vững, các hộ dân mong muốn chính quyền địa phương tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định, quy hoạch vùng trồng sen, giúp bà con yên tâm sản xuất./.