Ở Ninh Thuận, cây nho là một trong những loại cây trồng chủ lực. Diện tích trồng nho của tỉnh đạt gần 800 ha, chủ yếu ở các huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Ninh Sơn và TP Phan Rang - Tháp Chàm; sản lượng 11.000 tấn/năm. Thời gian tới, tỉnh phấn đấu phát triển diện tích trồng nho lên 2.000 ha, sản lượng đạt 41.000 tấn vào năm 2015 và 2.500 ha, sản lượng 60.000 tấn vào năm 2020. Ngoài ra, tỉnh chủ trương phát triển cây cao-su ở hai huyện Ninh Sơn và Bác Ái quy mô lớn gắn với chế biến, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, chống sa mạc hóa đất, nâng cao độ che phủ rừng và cải thiện đời sống nhân dân miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phát triển các loại cây mía, sắn và thuốc lá ở huyện Ninh Sơn.
Kinh tế của Ninh Thuận sáu tháng đầu năm tăng trưởng khá, GDP đạt 16,6%, trong đó nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 17,7%; sản lượng khai thác hải sản đạt 46,1 nghìn tấn.
* Năm 2014, tỉnh Vĩnh Long phấn đấu đón 950.000 lượt khách du lịch, trong đó có khoảng 200.000 lượt khách quốc tế với tổng doanh thu 210 tỷ đồng. Ðể đạt được chỉ tiêu này, bên cạnh loại hình đặc trưng là du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, ngành du lịch tỉnh Vĩnh Long đang tập trung giới thiệu, thu hút khách du lịch đến tham quan các di tích lịch sử - văn hóa và làng nghề trên địa bàn.
Vĩnh Long có hơn 450 di tích, trong đó có mười di tích cấp quốc gia và 34 di tích cấp tỉnh. Sáu tháng qua, các điểm di tích lịch sử văn hóa, lịch sử cách mạng đã đón tiếp gần 220.000 lượt khách tham quan. Một số di tích thu hút đông khách tham quan như: Khu tưởng niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt (huyện Vũng Liêm) với hơn 36.500 lượt khách tham quan; Khu tưởng niệm cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng (huyện Long Hồ) gần 26.000 lượt khách tham quan; Khu di tích lịch sử cách mạng Cái Ngang (huyện Tam Bình) hơn 7.100 lượt khách tham quan; Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long gần 10.000 lượt khách tham quan...