Nội - ngoại hợp lực làm chuỗi sản xuất thực phẩm

Nội - ngoại hợp lực làm chuỗi sản xuất thực phẩm
Lĩnh vực chế biến thực phẩm tại Việt Nam hiện có tiềm năng rất lớn, hấp dẫn nhiều doanh nghiệp nước ngoài hợp tác với doanh nghiệp nội để hình thành các chuỗi sản xuất và cung ứng.

Đầu tuần này, tại TP.HCM đã có một hoạt động hợp tác giữa doanh nghiệp nội - ngoại trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm nhận được sự quan tâm. Đó là việc đầu tưxây dựng Nhà máy Chế biến thực phẩm công nghệ cao HPP giữa Minh Hưng Group (Việt Nam) với Tập đoàn MHEnviron (Canada) và Avure Technologies (Công ty thuộc Tập đoàn đa quốc gia JBT - Hoa Kỳ).

.
Thời gian gần đây, việc hợp tác giữa doanh nghiệp nội - ngoại trong lĩnh vực thực phẩm không chỉ tăng về số lượng, mà còn đi vào chiều sâu.

Ông Lâm Đạo Hưng, Chủ tịch Minh Hưng Group cho biết, Dự án sẽ được xây dựng trên diện tích 15 ha tại huyện Bến Lức, Long An, với tổng vốn đầu tư khoảng 500 tỷ đồng. “Chúng tôi đang triển khai nhanh các thủ tục đầu tư. Dù muốn triển khai sớm hơn, nhưng khả năng tháng 9/2018, chúng tôi mới có thể khởi công xây dựng nhà máy”, ông Hưng chia sẻ.

Theo ông Hưng, thời gian xây dựng nhà máy khoảng 9 tháng, các sản phẩm làm ra tại đây là phở tươi, bún bò Huế tươi…, sau đó có thể làm thêm nước trái cây (chanh dây, thanh long, mía, khóm), chủ yếu xuất khẩu vào thị trường Bắc Mỹ, châu Âu…

Lý do khiến nhà đầu tư muốn làm nhanh dự án này là bởi, công nghệ xử lý áp suất cao (HPP) là công nghệ mới trong lĩnh vực chế biến thực phẩm và rất được các thị trường khó tính quan tâm. Ông Tom Woodward, Phó giám đốc kinh doanh của Avure Technologies cho biết thêm, công nghệ HPP là thanh trùng bằng nhiệt lạnh trong nước tinh khiết, sử dụng nước tinh khiết áp suất cao để giữ thực phẩm đóng gói không có mầm bệnh và tươi lâu hơn.

Thực tế, thời gian gần đây, việc hợp tác giữa doanh nghiệp nội - ngoại trong lĩnh vực thực phẩm không chỉ tăng về số lượng, mà còn đi vào chiều sâu. Theo đó, hợp tác không còn đơn thuần ở việc cùng đầu tư hay đưa các công nghệ mới vào sản xuất, mà theo hướng xây dựng theo chuỗi, giúp sản phẩm làm ra tăng giá trị, đủ điều kiện để đưa vào các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản…

Ông Toshiaki Miyabe, đại diện Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản) cho biết, gần đây họ đã hỗ trợ một đối tác đầu tư vào thị trường Việt Nam và trở thành doanh nghiệp đầu tiên làm ra sản phẩm thịt gà chế biến sẵn đủ tiêu chuẩn xuất sang Nhật Bản. “Thời gian tới, Sojitz muốn đóng góp nhiều hơn nữa cho ngành lương thực và nông nghiệp Việt Nam”, ông Toshiaki Miyabe nói.

Trong khi đó, mới đây, Công ty Rhee Bros (doanh nghiệp phân phối thực phẩm lớn của Hoa Kỳ) đã tìm cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp tại Đồng Nai. Theo đại diện Rhee Bros, doanh nghiệp này đang nhập khẩu khoảng 4.000 mặt hàng thực phẩm khô, đông lạnh từ 25 nước (trong đó có Việt Nam) để cung ứng cho các hệ thống bán sỉ, lẻ tại Hoa Kỳ. Trước nhu cầu ngày càng tăng của thị trường Hoa Kỳ, Rhee Bros muốn sang Việt Nam gặp gỡ trực tiếp các nhà sản xuất để tìm các sản phẩm phù hợp, đủ điều kiện để liên kết cung ứng hàng hóa.

Trước băn khoăn của doanh nghiệp sản xuất gạo tại Việt Nam về việc có thể ứng dụng công nghệ HPP để làm tăng giá trị xuất khẩu, ông Tom Woodward khẳng định là có và viện dẫn câu chuyện, cách đây 2 năm tại Nhật Bản, người ta  phải sử dụng công nghệ làm lạnh để bảo quản gạo, nhưng khi áp dụng công nghệ HPP thì không còn phải làm như vậy nữa, nên đã giảm chi phí bảo quản, tăng hiệu quả kinh tế.

Cũng theo đại diện Avure Technologies, riêng sản xuất gạo có sự khác biệt vì còn liên quan đến nhiều khâu, từ giống, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch đến chế biến. Tuy nhiên, đại diện của doanh nghiệp khẳng định, sẽ có sự liên kết chặt chẽ giữa các bên liên quan, nghĩa là sẽ hình thành một chuỗi từ khâu sản xuất nguyên liệu đến nhà máy chế biến sử dụng công nghệ HPP để tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao nhất.

Theo Hồng Sơn/baodautu.vn