Nông dân Cự Khối làm giàu từ cây táo

Nông dân Cự Khối làm giàu từ cây táo
Đã hơn 10 năm nay, cây táo không chỉ góp phần tích cực vào việc nâng cao hiệu quả canh tác mà còn giúp cho nhiều hộ dân phường Cự Khối, quận Long Biên vươn lên làm giàu.

Loại cây dễ chăm sóc
Ông Lê Văn An - Chủ tịch Hội Nông dân phường Cự Khối cho biết, toàn phường hiện có 20ha táo cho thu hoạch, chủ yếu là giống táo đào vàng, táo lai lê, táo đại và táo ngọt ta. Táo là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc và đặc biệt lớn rất nhanh. Táo trồng đầu năm thì đến cuối năm đã cho thu hoạch. Trung bình cây trồng năm đầu cho thu hoạch 5kg, năm thứ 2 được khoảng 30kg. Từ năm thứ 5 trở đi cho thu hoạch ổn định, có những cây cho thu cả tạ quả mỗi vụ. Điều quan trọng nhất trong khâu chăm sóc là thời điểm từ khi táo đậu quả đến khi thu hoạch ngày nào cũng phải tưới nước để giữ độ ẩm cho đất để quả táo to, mọng.

Theo ông An, Cự Khối nằm gần trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội nên rất thuận tiện cho bà con tiếp cận những giống táo mới nhất và có chất lượng cao nhất. Táo chín rải đều trong 3 tháng, khoảng từ giữa tháng Chạp đến giữa tháng 2 năm sau. Giá bán trung bình tại vườn từ 10.000 – 12.000 đồng/kg, vào dịp Tết có thể lên tới 25.000 – 30.000 đồng/kg. Trung bình 1ha táo, người dân thu về khoảng từ 250 - 300 triệu đồng. Nhờ có cây táo mà mỗi năm người dân Cự Khối thu hàng tỷ đồng. Hiệu quả kinh tế cao, cây táo thực sự đã và đang trở thành cây làm giàu cho người dân Cự Khối.
Anh Lê Hoài Nam, tổ 4, phường Cự Khối, chủ vườn táo gần 1ha vui vẻ cho biết: “Tết vừa rồi, có ngày cao điểm, gia đình tôi bán được 15 triệu đồng tiền táo. Năm nay, riêng tiền bán táo ước tính thu về khoảng 200 triệu đồng,”. Được biết, hiện nay ở phường Cự Khối, không chỉ nhà anh Nam mà còn nhiều gia đình khác cũng có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ bán táo.
Thu nhập kép
Theo các chủ vườn, cây táo sau khi thu hoạch quả, người dân đốn cành táo để lại gốc cho mọc mầm và vươn cành vào mùa sau. Khi táo được đốn hạ sẽ tạo ra một không gian và khoảng cách rộng, thoáng giữa các hàng táo. Thời điểm này, để tránh lãng phí đất, người dân đã trồng xen canh cây ngô, đậu tương, rau màu dưới gốc táo. Theo đó, cứ vào trung tuần tháng 2, sau khi đốn hạ cành táo, người dân sẽ tiến hành trồng ngô, hoặc hoa màu trong vườn táo để tăng vụ. Nhờ phương pháp xen canh tận dụng tối đa diện tích đất bỏ trống, người trồng táo đã nâng cao thu nhập trong một năm và hạn chế được cỏ dại mọc trong vườn táo vào mùa sau. Hầu hết các hộ dân thâm canh, xen canh ngô, rau màu trên vườn táo đều có thu nhập từ 10 triệu đồng trở lên mỗi sào. Với cách làm này, diện tích đất ruộng cạn được tận dụng tối đa, việc xen gối vụ trên đồng ruộng đã được phát huy cao độ. Nhờ đó, người dân ở Cự Khối vừa có thu nhập cao từ cây táo, vừa có thu nhập ổn định từ xen canh tăng vụ. Thu nhập kép trên một diện tích đất canh tác là một cách làm hay của bà con nông dân phường Cự Khối cần được khuyến khích và nhân rộng ra các địa phương khác.
Tuy cây táo đã giúp nhiều bà con phường Cự Khối thoát nghèo và vươn lên làm giàu, nhưng hiện nay, thị trường táo đang dần bão hòa sẽ là thách thức không nhỏ cho người trồng. Nguyên nhân là do TP chưa có quy hoạch tổng thể vùng chuyển đổi cây trồng nên diện tích trồng táo phát triển tự do không ngừng tăng lên, trong khi đầu ra cho sản phẩm chưa có tính bền vững. Vì vậy, để phát triển ổn định và mang lại hiệu quả cao, các cấp chính quyền TP cần có định hướng rõ ràng, thay vì vận động người dân tăng diện tích thì nên khuyến khích tăng chất lượng cây trồng. Liên kết với trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội hỗ trợ kỹ thuật, giống cây mới và chú trọng tìm đầu ra cho sản phẩm, tiến tới trồng táo sạch và xây dựng thương hiệu cho quả táo của địa phương.
 

Nguồn: ktdt.vn