Nông dân Phù Yên hiến đất tạo sức bật nông thôn mới
- Thứ ba - 09/01/2018 05:49
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhờ nông dân tích cực tham gia hiến đất mà bản Lìn hôm nay đã có nhà văn hóa mới, rộng rãi, khang trang.
Đó là lời chia sẻ của ông Đào Văn Nguyên - Chủ tịch UBND huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La!
Hiến hàng nghìn m2 đất
Chúng tôi có dịp về xã Gia Phù, đường bây giờ không còn chật hẹp, lầy lội vào mùa mưa như trước nữa. Ngày nay, con đường về xã đã được mở rộng, trải bê tông bằng phẳng, thuận lợi cho việc đi lại của hàng ngàn hộ dân. Hai bên đường là những ngôi nhà sàn khang trang, kiên cố của đồng bào các dân tộc Thái, Mường, Dao… xen lẫn các hàng quán kinh doanh dịch vụ tấp nập người ra vào.
Ông Đinh Xuân Yệt - Chủ tịch UBND xã, cho biết: Trước đây, Gia Phù là xã nghèo của huyện, đời sống nhân dân nhiều khó khăn. Phong trào xây dựng NTM được triển khai tại xã như một luồng gió mới đến với chúng tôi. Nhiều nông dân tự nguyện hiến đất xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông... rất đáng khen ngợi. Nhờ vậy mà nhiều tuyến đường, nhà văn hóa… được mở rộng, xây mới khang trang.
Là người đầu tiên trong bản tự nguyện hiến 540 m2 đất làm nhà văn hóa, ông Bạc Cầm Tiên, ở bản Lìn (Gia Phù) chia sẻ: “Từ lâu bản không có nhà văn hóa. Năm 2014, khi có chính sách hỗ trợ làm nhà văn hóa của Nhà nước mà cả bản không tìm đâu ra mặt bằng để xây dựng. Nhận thấy 1.000 m2 đất ruộng của nhà mình rất hợp để xây dựng nhà văn hóa, tôi đã bàn với vợ và quyết định hiến một nửa diện tích đất ruộng làm nhà văn hóa của bản. Tôi bảo với gia đình rằng: “Mình còn sức khỏe, mình còn làm ra được tiền của, không lo đói nghèo đâu. NTM sẽ giúp mình xóa nghèo và làm giàu tốt hơn”.
Đường vào các bản, xóm được bê tông kiên cố, thuận lợi cho người dân đi lại.
Còn ông Đinh Văn Tuấn, ở bản Lá cũng tình nguyện hiến 553 m2 đất vườn làm đường giao thông nông thôn. Ông Tuấn bảo: “Bà con trong bản ai cũng muốn có đường bê tông để thay thế đường đất. Khi có chủ trương Nhà nước hỗ trợ xi măng làm đường bê tông vào bản, con đường đi qua đất vườn nhà tôi. Tôi đã tình nguyện hiến 553 m2 đất vườn để làm đường vào bản. Giờ thấy con đường vào bản vừa to vừa rộng bà con dân bản ai cũng phấn khởi”.
Được biết, ngay khi phong trào xây dựng NTM trong xã được phát động, đã có hàng trăm hộ nông dân tự nguyện hiến đất, đóng góp ngày công… Nhờ đó, cơ sở hạ tầng đến nay cơ bản đã hoàn thiện, tạo khớp nối giao thông với các xã, bản… góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn mới quê nhà.
Chuẩn bị cán đích nông thôn mới
Trong quá trình xây dựng NTM, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Gia Phù đoàn kết, chung sức chung lòng với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Mọi tâm tư, nguyện vọng của nhân dân đều được giải đáp thỏa đáng, Nhà nước hỗ trợ còn người dân đóng góp ngày công, đất đai, vật liệu. Nhờ vậy đã tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân, nhiều hộ đã tự nguyện hiến đất, đóng góp tiền, ngày công lao động làm đường giao thông nông thôn và xây dựng các công trình phúc lợi... giúp cho bộ mặt của xã ngày càng khang trang sạch đẹp.
Trên các cánh đồng lúa của xã, bà con đang sử dụng máy móc thay thế cách sản xuất thủ công để nâng cao năng suất.
Cùng với việc tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng NTM, xã Gia Phù còn tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tiềm năng lợi thế ở địa phương, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, trồng cây ăn quả trên vùng đất dốc như xoài, nhãn, thâm canh lúa nước, rau xanh... nâng cao thu nhập cho người dân.
Theo ông Yệt, chính vì ứng dụng những mô hình sản xuất mới đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực trong sản xuất nông nghiệp cho bà con, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu bền vững. Đến nay thu nhập bình quân của xã tăng lên 26 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 6,3% (nghèo đa chiều).
Xã đã cơ bản đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và đang tiếp tục hoàn thiện nốt một số cơ sở hạ tầng để phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2017.