Nông dân làm ăn lớn - Kỳ 4: Vườn lan trị giá chục tỉ

Từ tình yêu với cây lan mokara, chị Đặng Lê Thị Thanh Huyền đã biến 4 mẫu đất trồng cao su ở H.Củ Chi thành một trang trại lan ngút ngàn khoe sắc với cái tên lãng mạn: Vườn lan Huyền Thoại.
 
Chị Huyền (trái) tại vườn lan Huyền Thoại - Ảnh: Q.T

Chỉ mới chính thức hình thành hơn 2 năm nay nhưng vườn lan của chị Huyền ở khu phố 3, H.Củ Chi (TP.HCM), đã được nhiều người biết đến.
 
Mạnh dạn chuyển đổi
 
Chị Huyền kể yêu hoa lan đến nỗi ngay cả khi đang gắn bó với nghề kinh doanh vật liệu xây dựng, chị cũng không quên ấp ủ giấc mơ sở hữu cả vườn lan. Rồi cơ hội cũng đến, vào năm 2008, khi tích lũy được ít vốn liếng, chị bắt đầu tìm hiểu về cách trồng lan. Sau khi nắm được một số kiến thức cơ bản, chị dành hẳn mảnh đất rộng 1 ha của mình để trồng thí điểm từng gốc lan một. “Khi mới trồng giống lan mokara này, tôi cũng bỡ ngỡ lắm, vì đây là giống nhập khẩu. Cũng vì bỡ ngỡ và thiếu kiến thức, nên trồng xong chưa được bao lâu, lan chết la liệt, nhưng vì yêu loài hoa này mà tôi quyết tâm phải thành công”, chị Thanh Huyền kể lại.
 
Sau thất bại đó, qua tìm hiểu sách báo và tham khảo ý kiến của các nhà khoa học, chị nhận thấy nguyên nhân dẫn đến lan chết là do mình không biết cách phòng bệnh. Với giống lan mokara, bệnh thối rễ được coi là “hung thần” khiến lan chết hàng loạt, kế nữa là bệnh thối đọt đen và đốm lá. Tưởng đơn giản, nhưng để có được kinh nghiệm và tìm ra cách khắc chế các loại bệnh trên, chị Huyền phải mất đến 4 năm, sau đó mới tạm yên tâm để đầu tư lớn vào nghề trồng lan. Đầu năm 2012, chị quyết định chuyển đổi mảnh đất rộng 4 ha đang trồng cao su thành vườn trồng lan với 300 luống đất. Đồng thời, chị cũng đầu tư làm hệ thống tự động tưới tiêu nước, thuốc và phân bón; xây dựng nhà lưới để giữ ẩm và nhiệt độ cho hơn 100.000 gốc lan mokara. Theo tiết lộ của chị Huyền, riêng số tiền đầu tư cho vườn lan này đã lên đến 10 tỉ đồng.
 
Kết hợp nông nghiệp - du lịch
 
Đến nay, vườn lan của chị Huyền đã được nhiều người biết đến, nhiều công ty du lịch xúc tiến để đưa khách đến tham quan như một điểm thưởng ngoạn mới. Chị Huyền cho biết: “Bình quân mỗi tháng vườn lan Huyền Thoại đón khoảng 10 đoàn khách với khoảng 200người. Có cả những nhóm khách lẻ từ Hà Lan, Úc, Singapore...”.
 
Tuy nhiên, theo chị Huyền, nguồn thu chính của vườn vẫn là từ việc bán hoa lan. Với 140.000 gốc lan, mỗi ngày chị Huyền thu hoạch2.500 cành, mức giá bình quân từ 7.000 - 8.000 đồng/cành, thu nhập trên 300 triệu đồng mỗi tháng sau khi đã trừ các chi phí. Chị Huyền khoe: “Hiện nay vườn lan của tôi đã phân phối hầu hết ở các thành phố lớn trên cả nước”.
 
Theo tính toán của chị, nguồn thu hiện nay đã ổn định, nhưng phải mất vài năm nữa mới có thể thu hồi được vốn đầu tư. “Nhiều người hỏi tôi có lo lắng khi đầu tư vào trồng lan nhiều như thế không, câu trả lời của tôi là không, vì tôi có niềm tin rằng, rồi mai đây công sức, tiền bạc mình đầu tư ra sẽ được đền đáp”, chị Huyền bộc bạch.
 
Đáng nói hơn, chị Huyền hoàn toàn không giấu nghề trồng lan mà còn tạo mọi điều kiện để giúp nông dân trên địa bàn các xã của H.Củ Chi về kỹ thuật trồng và chăm sóc lan. Ngoài ra, chị còn mở thêm các lớp hướng nghiệp cho học sinh trung học để nâng thêm kiến thức về nông nghiệp cho các em. Năm 2014, vườn lan Huyền Thoại đã đón hơn 3.000 học sinh đến tham quan và học hỏi. Với những kết quả đạt được, vườn lan Huyền Thoại đã được trao tặng bằng khen của UBND TP.HCM vì có thành tích xuất sắc trong công tác nhiều năm qua, đóng góp vào sự phát triển của ngành nông nghiệp TP.
Quang Thuần (Báo Thanh Niên)