Nông dân lên bục... làm giảng viên
- Thứ ba - 15/11/2016 05:23
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thực hành là chính
Chị Lưu là 1 trong những hộ có trang trại chăn nuôi tổng hợp hiệu quả nhất, nhì xã Côn Minh. Năm 2012, chị được Hội ND tỉnh Bắc Kạn tập huấn, đào tạo trở thành giảng viên – ND. Từ kiến thức được học, cộng với kinh nghiệm thực tế của bản thân trong làm trang trại, chị Lưu đã đăng ký cung cấp các loại hình dịch vụ như: Kỹ thuật trồng lúa theo phương pháp hàng rộng, hàng hẹp; trồng ngô lai; kỹ thuật chăn nuôi gà sinh học; ủ phân vi sinh; ủ chua thức ăn cho gia súc…
Trong quá trình giảng dạy cho các học viên là các ND, chị Lưu luôn vận dụng phương pháp cầm tay chỉ việc và phương pháp so sánh “cũ – mới”. Với lợi thế có mô hình trang trại hiệu quả, chị luôn tạo điều kiện để học viên đến thăm quan thực tế mô hình sản xuất của gia đình.
“Với phương pháp giảng dạy “thực hành là chính – học đâu chắc đấy” của chị Lưu, ND chúng tôi rất thích học. Điểm thuận lợi nữa, chị Lưu là người tại thôn bản, trong quá trình học, chúng tôi có thể trao đổi với chị mọi lúc mọi nơi về những vướng mắc khi đi vào thực tế sản xuất của gia đình” - chị Nông Thị Thê (dân tộc Tày, người dân xã Côn Minh) thổ lộ.
Điều đáng chú ý, với bộ tài liệu do chị Lưu biên soạn, nhiều học viên dù không biết chữ vẫn hiểu được cách làm thông qua những hình ảnh thực tế. Học viên hay gọi chị là “siêu giảng viên”, khi hỏi đến vấn đề gì chị cũng đều nắm chắc và truyền đạt kiến thức mạch lạc, dễ hiểu. Đến nay, chị Lưu đã tổ chức được 71 lớp dạy nghề cho 1.065 học viên.
Đào tạo giảng viên tại chỗ
Ở xã Mai Lạp, huyện Chợ Mới (Bắc Kạn), giảng viên - ND Triệu Thị Phượng (dân tộc Dao) cũng được bà con tín nhiệm. Bà Phượng là hộ tiên phong tham gia dự án trồng chuối tây ở địa phương. Từ trồng chuối tây, gia đình bà không những thoát nghèo mà còn có của ăn của để. Với những kiến thức học được từ các lớp tập huấn, bà Phượng còn trực tiếp xuống tận vườn hướng dẫn thêm về kỹ thuật trồng, chăm sóc cũng như thu hoạch cho từng hộ. Ngoài ra, bà Phượng đã hỗ trợ cây giống chuối tây chất lượng cho hàng chục hộ nghèo.
Ông Lưu Văn Quảng – Chủ tịch Hội ND tỉnh Bắc Kạn cho biết: Trước đây, hầu hết các lớp chuyển giao kỹ thuật cho ND là do cán bộ kỹ thuật của các cơ quan chuyên môn đứng ra truyền đạt. Lợi thế của đội ngũ cán bộ này là có trình độ chuyên môn, được đào tạo cơ bản tại các trường chuyên nghiệp. Tuy nhiên, không phải cán bộ kỹ thuật nào cũng có kinh nghiệm thực tế, có mô hình thành công tại địa phương, nên việc truyền đạt kiến thức thực tế - điều mà bà con cần nhất thì lại bị hạn chế. Năm 2011, Hội ND tỉnh đã phối hợp với Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) thuộc Dự án 3PAD tỉnh Bắc Kạn triển khai mô hình “Nông dân dạy nông dân”.
Theo ông Quảng, giảng viên – ND được lựa chọn từ các hộ sản xuất kinh doanh giỏi, có mô hình sản xuất hiệu quả, phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu cũng như tập quán canh tác của người dân địa phương. “Để giảng viên – ND tự tin giảng dạy, Hội Nông dân tỉnh đã áp dụng phương pháp tập huấn theo hướng lấy người học làm trung tâm. Các phần tập giảng của các tiểu giảng viên đều được ghi hình, phát lại cho mọi người theo dõi và có ý kiến. Những giảng viên tập giảng đúng kỹ năng, phương pháp, nội dung sẽ được biểu dương” - ông Quảng cho hay.
Đến nay, Hội ND tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng đội ngũ giảng viên ND gồm 66 giảng viên. Đến nay, các giảng viên này đã mở được 404 lớp dạy nghề cho 7.610 hội viên. Với cách làm đơn giản, dễ hiểu, dễ nói, dễ áp dụng, phù hợp với trình độ của người dân, nên mô hình đã được đông đảo ND ủng hộ và đánh giá cao”. Ông Lưu Văn Quảng |